Ngày 22/5/2018, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02 về công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, Ban biên tập Website Công đoàn Hà Tĩnh đăng toàn văn nội dung nghị quyết.
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH HÀ TĨNH
Số: 02/NQ-LĐLĐ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Tĩnh, ngày 22 tháng 5 năm 2018 |
NGHỊ QUYẾT
CỦA BAN THƯỜNG VỤ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH
về tăng cường công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức
công đoàn và xây dựng công đoàn cơ sở doanh nghiệp vững mạnh
I. TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN
Những năm gần đây, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng; các loại hình, lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh ngày càng đa dạng; các khu, cụm công nghiệp thu hút nhiều dự án đầu tư, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được cấp phép hoạt động; một số doanh nghiệp lớn bước đầu hoạt động có hiệu quả, đã tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động trên địa bàn.
Công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn và xây dựng công đoàn cơ sở (CĐCS) doanh nghiệp vững mạnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiệm kỳ 2013-2018, toàn tỉnh thành lập mới trên 170 CĐCS trong doanh nghiệp, kết nạp mới trên 15.500 đoàn viên; nhìn chung, các CĐCS mới thành lập hoạt động khá hiệu quả, bước đầu thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động và đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Tuy nhiên, số CĐCS được thành lập so với số doanh nghiệp đủ điều kiện chưa thành lập tổ chức công đoàn vẫn còn thấp; số đoàn viên phát triển tăng thêm chưa đạt chỉ tiêu được giao; nhiều CĐCS hoạt động khó khăn, chưa tạo được niềm tin của đoàn viên và người lao động; chưa thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động; việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển chưa được quan tâm đúng mức.
Những hạn chế, khuyết điểm trên đây do nhiều nguyên nhân, nhưng tập trung vào một số nguyên nhân chủ yếu như: Công tác điều tra, khảo sát, nắm tình hình doanh nghiệp, lao động còn hạn chế; công tác truyên truyền, vận động thành lập công đoàn ở một số nơi chưa hiệu quả. Số doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ, sử dụng ít lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh chưa ổn định; ý thức chấp hành pháp luật về lao động, công đoàn của một số chủ doanh nghiệp còn hạn chế, chưa phối hợp, tạo điều kiện để thành lập CĐCS tại doanh nghiệp, thậm chí có nơi chủ doanh nghiệp còn cản trở, gây khó khăn cho việc thành lập và hoạt động công đoàn. Ý thức giai cấp, tác phong lao động công nghiệp, trình độ nhận thức về chính trị của một bộ phận công nhân lao động còn hạn chế; chất lượng hoạt động của một số CĐCS chưa đáp ứng được kỳ vọng của đoàn viên, người lao động và cả chủ doanh nghiệp; một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và phối hợp có hiệu quả với chính quyền, chuyên môn, các cơ quan liên quan; chưa tập trung cao cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn và xây dựng CĐCS trong doanh nghiệp vững mạnh…, nên kết quả đạt được còn hạn chế.
II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU
1. Mục tiêu chung
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đoàn viên công đoàn, người sử dụng lao động, người lao động về tầm quan trọng, yêu cầu của công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn, xây dựng CĐCS doanh nghiệp vững mạnh thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn, theo tinh thần “Ở đâu có công nhân lao động, ở đó có tổ chức công đoàn”; từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, để công đoàn trong doanh nghiệp thực sự là chỗ dựa tin cậy của người lao động, người bạn đồng hành của doanh nghiệp; góp phần đảm bảo đời sống, việc làm của người lao động và đồng hành để doanh nghiệp phát triển bền vững.
2. Một số chỉ tiêu cụ thể
2.1. Đến năm 2020, 100% doanh nghiệp sử dụng ổn định từ 20 lao động trở lên có tổ chức công đoàn; đến cuối nhiệm kỳ 100% doanh nghiệp sử dụng ổn định từ 15 lao động trở lên có tổ chức công đoàn.
2.2. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 2018-2023, thành lập mới trên 200 CĐCS, kết nạp mới trên 15.000 đoàn viên.
2.3. Phấn đấu trên 85% công nhân lao động được giao kết hợp đồng lao động đúng quy định; trên 80% doanh nghiệp có CĐCS tổ chức hội nghị người lao động; trên 70% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn có thỏa ước lao động tập thể, trong đó trên 35% TƯLĐTT đạt loại A; trên 67% CĐCS được xếp loại vững mạnh.
2.4. 100% cán bộ chủ chốt CĐCS được tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp hoạt động. Hàng năm, mỗi công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nhân rộng ít nhất 01 mô hình CĐCS điểm trong doanh nghiệp.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn, xây dựng CĐCS doanh nghiệp vững mạnh
Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các Nghị quyết của Đảng, quy định của pháp luật có liên quan đến công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong doanh nghiệp; tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết của công đoàn các cấp, các chế độ, chính sách, các quy định của pháp luật liên quan đến công nhân lao động và hoạt động công đoàn.
Tập trung tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng CĐCS doanh nghiệp vững mạnh đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tuyên truyền về công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn, xây dựng CĐCS doanh nghiệp vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm và có tính chất sống còn của tổ chức công đoàn trong thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp về công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn, xây dựng CĐCS doanh nghiệp vững mạnh.
Hàng năm, chọn “Tháng Công nhân” là tháng cao điểm tập trung công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp; hàng tháng, chọn ngày 28 làm ngày tập trung các hoạt động công đoàn về cơ sở khu vực doanh nghiệp, như: tuyên truyền kết nạp đoàn viên, tổ chức công bố quyết định thành lập CĐCS, hướng dẫn, giúp đỡ Ban chấp hành CĐCS hoạt động...
2. Đổi mới nội dung phương pháp hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, tạo niềm tin để người lao động gia nhập công đoàn
Hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy công nhân lao động làm đối tượng vận động chủ yếu; khắc phục tình trạng chỉ đạo hành chính, ưu tiên thời gian trực tiếp xuống cơ sở vận động, giúp đỡ, hướng dẫn hoạt động cho CĐCS doanh nghiệp, công nhân lao động.
Thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trong doanh nghiệp; quan tâm chăm lo đời sống cho đoàn viên, thực hiện có hiệu quả chủ đề “Mỗi công đoàn cơ sở - Một lợi ích đoàn viên”.
Đẩy mạnh phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động, chủ động phối hợp tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định tiến bộ trong doanh nghiệp.
Tổ chức cho người lao động tham gia các hoạt động văn hóa- văn nghệ, thể dục- thể thao, các hoạt động vui chơi, giải trí, nhằm nâng cao đời sống tinh thần để đoàn viên, người lao động tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động công đoàn.
3. Thường xuyên rà soát nắm chắc tình hình doanh nghiệp, lao động, CĐCS và đoàn viên công đoàn trong doanh nghiệp; chọn địa bàn trọng tâm, trọng điểm trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn; từng bước sắp xếp lại tổ chức, kiện toàn bộ máy cán bộ chuyên trách công đoàn đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Thường xuyên khảo sát, nắm chắc tình hình doanh nghiệp, lao động trong các doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn để xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, vận động thành lập và gia nhập tổ chức công đoàn.
Xác định những nơi tập trung đông công nhân lao động, nhất là Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh... là những địa bàn trọng điểm cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; quan tâm các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhưng chưa thành lập tổ chức công đoàn để vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.
Rà soát các công đoàn cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở hiện có; sắp xếp, bố trí các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS phù hợp để hoạt động công đoàn trong doanh nghiệp thuận lợi hơn. Quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn hoạt động đối với các CĐCS khó khăn, các CĐCS mới thành lập; xem xét giải thể các CĐCS không hoạt động do doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động hoặc không còn đủ số lượng đoàn viên theo quy định. Từng bước sắp xếp lại một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi không đảm bảo về số lượng CĐCS, đoàn viên theo quy định; xem xét bố trí cán bộ chuyên trách theo hướng ưu tiên những nơi đông công nhân lao động, nhiều CĐCS và đoàn viên trong khu vực doanh nghiệp.
4. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ban chấp hành Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, chủ tịch công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng, phương pháp hoạt động cho đội ngũ cán bộ công đoàn
Phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, nhất là trách nhiệm của các đồng chí chủ tịch công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn, xây dựng CĐCS doanh nghiệp vững mạnh.
Phân công cán bộ chuyên trách làm công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong doanh nghiệp là những đồng chí có kinh nghiệm, am hiểu tình hình doanh nghiệp, công nhân lao động. Quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp hoạt động công đoàn; các quy định của pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn cho cán bộ CĐCS, nhất là Chủ tịch CĐCS trong khu vực doanh nghiệp.
Tổ giúp việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS Liên đoàn Lao động tỉnh dành thời gian hỗ trợ công đoàn cấp trên cơ sở; phối hợp tuyên truyền, vận động doanh nghiệp và người lao động về thành lập CĐCS và gia nhập tổ chức công đoàn.
5. Tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền và các cơ quan liên quan trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn, xây dựng CĐCS doanh nghiệp vững mạnh
Tham mưu cấp ủy, chính quyền, chuyên môn ban hành chủ trương, cơ chế, chính sách đối với công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn trong doanh nghiệp. Chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời động viên công nhân lao động để tạo sức mạnh tổng hợp trong phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong doanh nghiệp.
Ban chấp hành công đoàn các cấp chủ động phối hợp tham mưu cấp ủy xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 27/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường công tác xây dựng Đảng, đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo” để cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS của tổ chức công đoàn; quan tâm bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp để làm nòng cốt trong phong trào công nhân và hoạt động của các đoàn thể tại doanh nghiệp; gắn công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở với công tác phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.
Phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động, quyền thành lập và hoạt động công đoàn của công nhân lao động trong doanh nghiệp.
6. Xây dựng cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính đảm bảo cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn; quan tâm hỗ trợ đối với các đơn vị khó khăn để xây dựng CĐCS doanh nghiệp vững mạnh
Triền khai đầy đủ, kịp thời các quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam về chế độ thu, chi kinh phí công đoàn phục vụ cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập và hoạt động của công đoàn trong doanh nghiệp; tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp, xem xét bổ sung một số chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các cấp công đoàn thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp đạt hiệu quả.
Đối với các CĐCS khó khăn về kinh phí hoạt động, các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xem xét, tạo điều kiện, quan tâm hỗ trợ, vận động bổ sung nguồn kinh phí cho hoạt động công đoàn; đồng thời nghiên cứu, đề xuất cơ chế để các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí hoạt động cho CĐCS.
Đối với các CĐCS chủ động được nguồn kinh phí hoạt động cần quan tâm và ưu tiên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên công đoàn, sử dụng nguồn kinh phí công đoàn hiệu quả, thiết thực, phục vụ cho lợi ích của đoàn viên, người lao động khi tham gia tổ chức công đoàn.
7. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời sơ, tổng kết và làm tốt công tác thi đua, khen thưởng công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn, xây dựng CĐCS doanh nghiệp vững mạnh
Thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn, xây dựng CĐCS doanh nghiệp vững mạnh, nhất là đối với các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
Định kỳ sơ, tổng kết, đánh giá kết quả, những thuận lợi, khó khăn, rút ra bài học kinh nghiệm để bổ sung giải pháp thực hiện. Gắn kết quả phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn, xây dựng CĐCS trong doanh nghiệp vững mạnh với việc đánh giá, xếp loại và công tác thi đua, khen thưởng hàng năm của các tập thể và cá nhân liên quan.
Kịp thời phát hiện bồi dưỡng nhân tố điển hình để biểu dương, khen thưởng và nhân rộng kinh nghiệm trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn, xây dựng CĐCS trong doanh nghiệp vững mạnh. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp, nhất là chủ tịch CĐCS có năng lực, uy tín, bản lĩnh, tâm huyết, nhiệt tình... để làm nòng cốt cho tổ chức và hoạt động công đoàn trong doanh nghiệp.
Xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp nhằm bảo đảm để cán bộ công đoàn phát huy nhiệm vụ thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên. Không để tình trạng tổ chức công đoàn cơ sở bị gây khó khăn về hoạt động, hoặc cán bộ công đoàn cơ sở bị gây khó khăn về việc làm, thu nhập... mà không có sự vào cuộc của các cấp công đoàn.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh; ban thường vụ, ban chấp hành công đoàn các cấp có trách nhiệm quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và xây dựng CĐCS vững mạnh LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, các CĐCS trực thuộc triển khai thực hiện; giúp Ban Thường vụ chỉ đạo, kiểm tra, định kỳ sơ, tổng kết, báo cáo Ban Thường vụ kết quả thực hiện.
2. Ban Tuyên giáo- Nữ công LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch truyên truyền, chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết và Đề án phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn, xây dựng CĐCS doanh nghiệp vững mạnh để tổ chức thực hiện trong hệ thống công đoàn toàn tỉnh.
3. Ban Tài chính LĐLĐ tỉnh chủ trì phối hợp với các ban liên quan tham mưu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách, tài chính hỗ trợ công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn, xây dựng CĐCS doanh nghiệp vững mạnh.
4. Ban Chính sách- Pháp luật LĐLĐ tỉnh chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức và các ban liên quan tham mưu ban hành quy định về thi đua, khen thưởng đối với công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn, xây dựng CĐCS doanh nghiệp vững mạnh.
5. Các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, các đơn vị trực thuộc, các CĐCS xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Nghị quyết; định kỳ sơ, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
6. Ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh chủ trì phối hợp với Ủy ban kiểm tra và các ban, các bộ phận liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết; định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả cho Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh.
Nghị quyết này được quán triệt đến công đoàn cơ sở và cán bộ, đoàn viên thuộc hệ thống Công đoàn Hà Tĩnh./.
Nơi nhận: - ĐCT TLĐLĐ VN; - Ban Thường vụ TU; - Ban Tổ chức TLĐ; (để báo cáo) - Ban Tổ chức TU; - Ban Dân vận TU; - TT LĐLĐ tỉnh; - Các Ban LĐLĐ tỉnh; - Công đoàn cấp trên trực tiếp CS; - CĐCS trực thuộc; - Các đ/c UVBCH LĐLĐ tỉnh; - Lưu: VT, Ban ToC. |
T.M BAN THƯỜNG VỤ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Danh |
|
Hôm nay : 1822
Tháng này : 49904