Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh mục tiêu trên tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tổ chức, cán bộ và công tác kiểm tra, giám sát năm 2024, chiều 28/2/2024.
Triển khai Nghị quyết ngay từ tháng đầu
Năm 2024 là năm đầu tiên các cấp công đoàn triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, năm thứ ba triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Do vậy, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị cán bộ công đoàn toàn quốc cần vào cuộc với tinh thần chủ động, sáng tạo, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết ngay từ tháng đầu, năm đầu.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang lưu ý, các cấp công đoàn cần triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, trong đó nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong nhiệm kỳ là tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS).
Đồng chí Nguyễn Đình Khang Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, các cấp công đoàn cần xác định phải đồng lòng, quyết tâm ý chí chính trị cao để hoàn thành mục tiêu trong năm 2024 toàn hệ thống phát triển được 1 triệu đoàn viên; đến hết năm 2028 có 15 triệu đoàn viên.
"Để đạt được mục tiêu này, cần tập trung nguồn lực để thực hiện, đồng thời đòi hỏi quyết tâm lớn, phương pháp, kế hoạch thực hiện quyết liệt”, đồng chí Nguyễn Đình Khang nêu rõ.
Xác định phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS là nhiệm vụ sống còn của tổ chức Công đoàn, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, trên cơ sở kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS của LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ phân công các đồng chí Thường trực Đoàn Chủ tịch tới làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy để triển khai thực hiện.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn cần tập trung thực hiện các đề án, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, mục tiêu là xây dựng tổ chức Công đoàn linh hoạt về tổ chức và hoạt động để hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, cần xây dựng đề án thực hiện thí điểm mô hình công đoàn các tập đoàn kinh tế tư nhân, thành lập một số công đoàn ngành xuyên suốt như Dệt may, Ngân hàng…; hoàn thiện mô hình tổ chức Công đoàn tại các đơn vị dưới 25 đoàn viên...
Ưu tiên triển khai thực hiện xây dựng đội ngũ chủ tịch CĐCS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Về công tác kiểm tra, giám sát, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lưu ý các cấp công đoàn cần nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; lựa chọn nhân sự hiểu về tài chính, quản lý tài sản để tham gia vào Ủy ban Kiểm tra các cấp; trong công tác kiểm tra, giám sát, cần tập trung công tác kiểm tra về tài chính công đoàn.
“Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn cần nhận thức rõ nhiệm vụ này, ưu tiên lựa chọn, bố trí, kiện toàn nhân sự phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi trong năm 2024", Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu.
Triển khai có hiệu quả tại từng địa phương, đơn vị
Hội nghị cũng lắng nghe một số đại biểu trình bày tham luận liên quan đến công tác cán bộ và công tác kiểm tra, giám sát tại địa phương, đơn vị mình.
Toàn cảnh hội nghị
Đồng chí Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa thẳng thắn chia sẻ: "Chúng tôi cũng nhận thấy hoạt động của Ủy ban Kiểm tra CĐCS, nhất là CĐCS khối sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp vẫn giữ phương thức hoạt động cũ, đã có từ khi chưa xuất hiện các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Cho nên, việc hoạt động của Ủy ban Kiểm tra CĐCS chưa theo kịp sự phát triển của xã hội nói chung, đặc biệt chưa theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng lao động". "Bên cạnh đó, quy trình tổ chức của hoạt động kiểm tra giám sát của Ủy ban Kiểm tra còn dàn trải, nặng về hình thức. Cán bộ làm công tác kiểm tra biến động thường xuyên (hoặc nghỉ việc, hoặc chuyển sang bộ phận khác…) ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng hoạt động", đồng chí Nguyễn Minh Cảnh cho hay.
Trước thực tế đó, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa kiến nghị, Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn tiếp tục quan tâm, tham mưu tới Tổng LĐLĐ Việt Nam tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra giám sát ở các cấp. Ngoài ra, đồng chí cũng đề nghị Tổng Liên đoàn tham mưu, xem xét, nghiên cứu để ban cơ chế hoạt động cho Ủy ban Kiểm tra của CĐCS. "Qua kiểm tra chúng tôi nhận thấy, tài chính công đoàn của nhiều doanh nghiệp có đông công nhân lao động hiện nay là rất lớn, có thể tới hàng chục tỷ/năm nhưng nghiệp vụ, khả năng để giám sát, kiểm tra thực sự là chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Cho nên, công tác kiểm tra đồng cấp không thực hiện được, rất nhiều CĐCS đứng trước rủi ro về pháp lý lớn", đồng chí Nguyễn Minh Cảnh thông tin.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp cũng như các kiến nghị, đề xuất từ đại diện công đoàn các tỉnh, thành, ngành, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - Huỳnh Thanh Xuân đề nghị Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn chủ động, tích cực hơn nữa để tham mưu một cách có hiệu quả, kịp thời tới Thường trực Đoàn Chủ tịch để chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác tổ chức, cán bộ và công tác kiểm tra, giám sát năm 2024.
Đồng chí Huỳnh Thanh Xuân đề nghị các cấp công đoàn quán triệt sâu sắc, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Tổng Liên đoàn, qua đó xác định rõ nhận thức và có quyết tâm chính trị cao nhất trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về công tác tổ chức cán bộ, công tác kiểm tra giám sát.
Tại Hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam - Nguyễn Đình Khang đề nghị LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành cần đánh giá, tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết 6b ngày 3/8/2015 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ủy ban Kiểm tra Công đoàn.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang cũng cho biết, năm 2024, Tổng LĐLĐ Việt Nam đặt ra mục tiêu sẽ kiểm tra 100% công đoàn cấp ba.
Hôm nay : 1927
Tháng này : 49944