Tài liệu tập huấn nghiệp vụ công tác Công đoàn nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Chuyên đề
NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
I. ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
1. HIẾN PHÁP
Hiến pháp năm 1959: "Nhà nước lãnh đạo hoạt động kinh tế theo một kế hoạch thống nhất. Nhà nước dựa vào các cơ quan nhà nước, tổ chức công đoàn, hợp tác xã và các tổ chức khác của nhân dân lao động để xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh tế".
Hiến pháp năm 1982: "Tổng Công đoàn Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng lớn nhất của giai cấp công nhân Việt Nam, là trường học chủ nghĩa cộng sản, trường học quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước. Trong phạm vi chức năng của mình, công đoàn tham gia công việc Nhà nước và kiểm tra hoạt động của cơ quan Nhà nước, tham gia quản lý xí nghiệp; giáo dục công nhân, viên chức; tổ chức phong trào thi đua XHCN; cùng với cơ quan Nhà nước chăm lo đời sống và bảo đảm quyền lợi của CNVC”.
Hiến pháp năm1992: "Công đoàn là tổ chức chính trị- xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc“.
Hiến pháp năm 2013: "Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị- xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế- xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ TQ”.
2. LUẬT CÔNG ĐOÀN
Luật Công đoàn 1957.
Luật Công đoàn 1990.
Luật Công đoàn 2012.
II SỰ HÌNH THÀNH:
1. Thành lập 28/7/1929, tại Phố Hàng Nón- Hà Nội.
2. Tên gọi:
- 1929-1936 Công hội đỏ
- 1936-1939 Nghiệp đoàn, Hội ái hữu
- 1939-1941 Hội công nhân phản đế
- 1941-1946 Hội công nhân cứu quốc
- 1946-1961 Tổng LĐLĐ Việt Nam
- 1961-1988 Tổng Công đoàn Việt Nam
- 1988- nay Tổng LĐLĐ Việt Nam
III. VỊ TRÍ
1. Quan hệ giữa công đoàn với Đảng Cộng sản Việt Nam:
Đảng cộng sản là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đông thời, là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.
Mối quan hệ giữa công đoàn với Đảng được thể hiện:
- Đảng lãnh đạo công đoàn; Công đoàn tham gia xây dựng Đảng.
Đảng lãnh đạo công đoàn bằng đường lối, nghị quyết, chỉ thị; lãnh đạo về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ; thông qua cấp ủy và vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên; thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động công đoàn.
Đảng tôn trọng tính độc lập tương đối về mặt tổ chức của công đoàn, tạo điều kiện cho công đoàn phát huy vai trò của mình.
- Trách nhiệm của tổ chức công đoàn đối với Đảng.
Công đoàn tuyên truyền, phổ biến, vận động người lao động thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng; thường xuyên phản ánh với Đảng những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người lao động để Đảng lãnh đạo nhà nước hoàn thiện pháp luật, chế độ, chính sách.
Công đoàn bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú để Đảng xem xét kết nạp; vận động người lao động tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng.
2. Quan hệ giữa công đoàn với Nhà nước: Là mối quan hệ hợp tác bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
- Trách nhiệm của Nhà nước đối với tổ chức công đoàn.
+ Bảo đảm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Công đoàn thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
+ Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lao động, công đoàn và quy định khác của pháp luật có liên quan đến tổ chức công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động; thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về công đoàn; phối hợp với Công đoàn chăm lo và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
+ Lấy ý kiến của Công đoàn khi xây dựng chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến tổ chức công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động.
+ Phối hợp và tạo điều kiện để Công đoàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động
- Trách nhiệm của công đoàn đối với Nhà nước tổ chức:
Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế- xã hội; tham gia xây dựng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; Giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi của người lao động.
Tổ chức và vận động người lao động tham gia phong trào thi đua yêu nước; lao động sản xuất, công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị; vận động người lao động tham gia xây dựng và bảo vệ Nhà nước.
3. Quan hệ giữa công đoàn với người sử dụng lao động:
Là mối quan hệ giữa 02 đại diện trong quan hệ lao động tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng, vừa hợp tác, vừa đấu tranh để xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát triển.
- Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với công đoàn:
Tạo điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc; Phối hợp giải quyết vướng mắc, bức xúc của người lao động.
- Trách nhiệm của Công đoàn với người sử dụng lao động:
Tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát triển; Phối hợp phát động thi đua; Kiểm tra, giám sát quy chế, thực hiện chế độ, chính sách của người lao động.
4. Quan hệ giữa công đoàn với các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức xã hội khác:
Công đoàn là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; có mối quan hệ tôn trọng, bình đẳng lẫn nhau với các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội khác, cùng phối hợp thực hiện nhiệm vụ chung dưới sự lãnh đạo của Đảng:
Các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị: Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh.
5. Quan hệ giữa công đoàn với người lao động
- Tuyên truyền vận động NLĐ gia nhập tổ chức CĐ; PTĐV, thành lập CĐCS
- Phản ánh tâm tư nguyện vọng của người lao động với Đảng, Nhà nước và người sử dụng lao động.
- Đại diện người lao động đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động, giải quyết các nội dung trong quan hệ lao động.
- Tư vấn hỗ trợ pháp lý cho người lao động.
- Đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
6. Quan hệ giữa Công đoàn Việt Nam với quốc tế
Hợp tác quốc tế về công đoàn được thực hiện trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, phù hợp với luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
- Công đoàn Việt nam là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)
- Công đoàn Việt Nam có quan hệ với nhiều tổ chức công đoàn trên thế giới và là thành viên tích cực của Liên hiệp Công đoàn Thế giới.
IV. VAI TRÒ CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
Vai trò của Công đoàn Việt Nam được thể hiện qua sự tác động của công đoàn thông qua các phong trào cách mạng của người lao động. Việc tuyên truyền, vận động, tập hợp người lao động chính là thể hiện vai trò trường học của công đoàn.
Vai trò của Công đoàn Việt Nam qua các thời kỳ:
- Thời kỳ chưa có chính quyền: Công đoàn có vai trò là trường học đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc.
- Thời kỳ xây dựng CNXH: Công đoàn có vai trò là trường học quản lý, trường học kinh tế, trường học chủ nghĩa xã hội của người lao động.
- Thời kỳ CNH, HĐH: Công đoàn có quyền đại diện cho người lao động, có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động; tham gia trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội …
V. TÍNH CHẤT CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM:
Công đoàn Việt Nam có hai tính chất: Tính chất giai cấp của giai cấp công nhân và tính chất quần chúng.
- Tính chất giai cấp của giai cấp công nhân: Đảng lãnh đạo, chỉ đạo công đoàn; Đảng mang bản chất của giai cấp công nhân
- Tính chất quần chúng: Tự nguyện tham gia, không phân biệt tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp…; cán bộ CĐ trưởng thành từ phong trào và do đoàn viên bầu.
Hai tính chất này có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, thể hiện bản chất của Công đoàn Việt Nam. Không coi trọng tính chất nào vì nếu coi trọng tính chất giai cấp thì công đoàn trở thành đảng phái; nếu coi trọng tính quần chúng thì công đoàn trở thành hội.
VI. CHỨC NĂNG CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
Công đoàn Việt Nam có 3 chức năng:
1. Công đoàn đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; có trách nhiệm tham gia với Nhà nước phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
2. Công đoàn đại diện và tổ chức người lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, tổ chức, quản lý kinh tế xã hội, quản lý Nhà nước trong phạm vị chức năng của mình, thực hiện quyền kiểm tra giám sát hoạt động của cơ quan đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật.
3. Công đoàn có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và phát triển bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Chức năng của Công đoàn là một chính thể, một hệ thống đồng bộ, đan xen tương tác lẫn nhau. Trong đó, chức năng bảo vệ quyền, lợi ích người lao động mang ý nghĩa trung tâm - mục tiêu hoạt động công đoàn. Từ các chức năng này sẽ định ra các nhiệm vụ cụ thể của Công đoàn.
VII. HỆ THỐNG TỔ CHỨC CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
1. Hệ thống tổ chức công đoàn
Hệ thống tổ chức công đoàn gồm có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam
Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất, có các cấp cơ bản như sau:
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (cấp trung ương)
- Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam.
- Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: Liên đoàn Lao động cấp huyện, công đoàn ngành đại phương, công đoàn các khu chế xuất, khu công nghiệp, công đoàn tổng công ty...
- Công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn.
2. Tổ chức bộ máy Công đoàn Việt Nam
Công đoàn các cấp được bảo đảm về tổ chức và số lượng cán bộ để thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có 63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; 20 công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Cơ cấu của tổ chức Công đoàn Hà Tĩnh gồm 6 ban tại cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh (theo Quyết định số 282-QĐ/TW ngày 01/4/2015 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Quyết định số 883/QĐ-TLĐ ngày 16/7/2009 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), 13 Liên đoàn Lao động cấp huyện, 09 Công đoàn ngành và tương đương.
VIII. NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG
1. Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng
Đảng Cộng sản Việt Nam là hạt nhân lãnh đạo của hệ thống chính trị xã hội Việt Nam. Tất cả những thành viên trong hệ thống chính trị trong đó có Công đoàn đều đặt hoạt động của mình dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động tức là đảm bảo hoạt động của Công đoàn luôn theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng vào chương trình hoạt động của mình. Thường xuyên tham mưu tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng thông qua việc thông tin báo cáo tình hình và kết quả hoạt động.
2. Liên hệ mật thiết với quần chúng
Công đoàn là tổ chức quần chúng rộng lớn của CNVCLĐ, ngược lại CNVC LĐ là cơ sở xã hội của Công đoàn. Sức mạnh của Công đoàn là mối liên hệ mật thiết với quần chúng để thu hút, tập hợp, thống nhất ý chí hành động. Nếu xa rời quần chúng Công đoàn sẽ không còn “đất hoạt động”. Cán bộ công đoàn cần nhận thức đầy đủ về vai trò quyết định của quần chúng tăng cường mối quan hệ với quần chúng, hoà mình với quần chúng, giành được niềm tin của quần chúng, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của họ để hướng hoạt động của Công đoàn đáp ứng được yêu cầu ngày càng mới càng cao của quần chúng.
Liên hệ mật thiết với quần chúng của công đoàn thường được cụ thể bằng sự tiếp cận, đi lại thăm hỏi trong những dịp sinh nhật, hiếu, hỷ, lễ, tết; tổ chức các hoạt động quần chúng; chia sẻ, lắng nghe ý kiến phản ánh của quần chúng.
3. Đảm bảo tính tự nguyện của quần chúng
Tính tự nguyện của quần chúng trong hoạt động Công đoàn là người đoàn viên tự nguyện ra nhập tổ chức Công đoàn, tự nguyện tham gia, thực hiện các nhiệm vụ được giao trên cơ sở nhận thức được trách nhiệm và lợi ích của công việc mà chính mình có bổn phận hoàn thành.
Phát huy tính tự nguyện của người lao động, cán bộ công đoàn cần có lòng tin vào họ, hiểu rõ vai trò quyết định của người lao động, tránh mệnh lệnh, gò ép, áp đặt mà để đoàn viên tự giác tham gia hoạt động. Trước khi tiến hành một việc dù nhỏ, dù lớn cũng cần có sự giải thích, tuyên truyền thuyết phục để đoàn viên hiểu ý nghĩa, nhận thức trách nhiệm, tự nguyện hành động. Muốn vậy, những hoạt động của Công đoàn phải có nội dung sát thực với những vấn đề mà quần chúng quan tâm, hình thức thể hiện hấp dẫn lôi cuốn quần chúng tham gia.
4. Tập trung dân chủ
Trong hoạt động Công đoàn, tập trung dân chủ là một trong những nguyên tắc cơ bản của công đoàn Việt Nam đảm bảo sự thống nhất giữa ý chí và hành động chống sự “tập trung quan liêu” và “dân chủ vô tổ chức”. Công đoàn Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ thể hiện qua các nội dung cơ bản sau:
- Cơ quan lãnh đạo cao nhất của mỗi cấp công đoàn là đại hội công đoàn cấp đó.
- Ban Chấp hành công đoàn mỗi cấp do đại hội công đoàn cấp đó bầu ra và là cơ quan thường trực giữa 2 kỳ đại hội.
- Nghị quyết của Ban Chấp hành phải được đa số thành viên ban chấp hành biểu quyết và thi hành nghiêm chính theo quy định:Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên; cá nhân phục tùng tổ chức./.
Hôm nay : 2124
Tháng này : 45966