Theo Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư xây nhà ở xã hội cho thuê. Ảnh: Hải Nguyễn
Sáng nay (27.11), với 423/468 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thông qua, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi).
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 45 và Điều 80 dự thảo Luật.
Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) (khoản 4 Điều 80), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, nhiều ý kiến tán thành Phương án 1 quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng NƠXH cho công nhân, người lao động thuê. Có ý kiến cho rằng chỉ nên giao Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư dự án nhà ở xã hội mẫu, điển hình.
Ý kiến khác cho rằng, phương án nào cũng có ưu điểm, hạn chế, do đó đề nghị lấy phiếu đối với từng phương án.
UBTVQH xin tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng NƠXH cho công nhân, người lao động thuê, để bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển NƠXH; phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quyền có chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hút công nhân, người lao động tham gia tổ chức Công đoàn.
Phương án này đã có sự đồng thuận cao giữa UBTVQH, Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam và đa số ý kiến đại biểu Quốc hội; đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội sau kỳ họp thứ 5, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, hiệu lực thi hành cao, tháo gỡ được các vướng mắc trong thực tiễn thí điểm trước đây theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do chưa được Luật quy định.
Để có cơ sở triển khai đồng bộ quy định này, các điều có liên quan của dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý như sau:
(1) Khoản 4 Điều 80 quy định nguồn vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng NƠXH của Tổng LĐLĐ Việt Nam là nguồn tài chính công đoàn;
(2) Khoản 2 Điều 84 quy định: Đối với dự án đầu tư xây dựng NƠXH bằng nguồn tài chính công đoàn thì việc xác định chủ đầu tư dự án được thực hiện theo quy định áp dụng với dự án đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Theo đó, việc quản lý và triển khai thực hiện dự án đầu tư sẽ do đơn vị quản lý dự án trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công;
(3) Bổ sung vào khoản 1 Điều 85 ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án xây dựng NƠXH sử dụng nguồn tài chính công đoàn như sau: Đối với dự án đầu tư xây dựng NƠXH bằng nguồn tài chính công đoàn thì chủ đầu tư dự án được hưởng ưu đãi quy định tại các điểm a, b, e, g và h khoản 2 Điều 85;
(4) Điều 86 quy định một số nguyên tắc xác định giá thuê và giao Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định giá thuê NƠXH; đồng thời khoản 4 Điều 89 giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục bán, cho thuê mua, cho thuê NƠXH, bảo đảm cơ chế triển khai đồng bộ hoạt động đầu tư xây dựng và cho thuê NƠXH do Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư.
-------------------------------------
Theo khoản 4, Điều 80 về hình thức phát triển NƠXH, Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng NƠXH bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách NƠXH thuê.
Hôm nay : 1346
Tháng này : 56868