Chấp hành pháp luật lao động trong doanh nghiệp là một trong những vấn đề quan trọng mà Đảng và nhà nước ta hết sức quan tâm trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay; “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động” là một trong ba chức năng cơ bản nhất của tổ chức Công đoàn, đồng thời là một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Hà Tĩnh thực sự thông thoáng, hấp dẫn, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Thời gian qua, tình hình thi hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp ở nước ta nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét. Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng với yêu cầu, trách nhiệm các cấp, các ngành, trong đó có sự vào cuộc kịp thời của các cấp công đoàn, sự đồng hành của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), nhất là công nhân lao động (CNLĐ) trong các doanh nghiệp nên nhìn chung việc thực hiện pháp luật lao động ngày càng đi vào nề nếp. Chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) và chế độ chính sách tiền lương đối với người lao động tại các doanh nghiệp cơ bản được thực hiện đảm bảo. Về chế độ tiền lương, tiền thưởng của người lao động, theo báo cáo của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ tính riêng năm 2021, năm hết sức khó khăn vì đại dịch Covid-19, người lao động trong các loại hình doanh nghiệp ở Hà Tĩnh vẫn được trả lương đầy đủ; có Doanh nghiệp mức lương bình quân khá cao, ở mức 9,54 triệu đồng (Công ty TNHH Dịch vụ hàng hải Cảng Sơn Dương), Doanh nghiệp có mức lương bình quân thấp nhất là 5,18 triệu đồng (Chi nhánh Công ty TNHH MTV DVKTXD Việt Nam - Autrailia)…, không có đơn vị nào nợ lương CNLĐ. Hầu hết các doanh nghiệp đều có tiền thưởng Tết dương lịch, Tết âm lịch để động viên người lao động, nơi cao nhất là 5 triệu đồng, nơi thấp nhất là 300 ngàn đồng.
Lãnh đạo huyện Đức Thọ trả lời ý kiến, kiến nghị của cán bộ công đoàn, đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ
Để các chính sách pháp luật về lao động được thực thi hiệu quả trong các doanh nghiệp, một vấn đề rất được tổ chức công đoàn và chủ sử dụng lao động quan tâm, đó là việc tổ chức Hội nghị người lao động (NLĐ) và việc tổ chức thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Hàng năm, có trên 330 doanh nghiệp có trên 10 lao động tổ chức Hội nghị NLĐ đạt 92 %; Năm tháng đầu năm 2022, có 42 doanh nghiệp tổ chức ký mới TƯLĐTT, nâng tổng số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã ký kết TƯLĐTT đến thời điểm này lên 381 đơn vị, đạt 95% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn.
Nhìn chung, việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT đã được các doanh nghiệp và tổ chức công đoàn quan tâm. Một điều đáng mừng là thực tế hiện nay, người sử dụng lao động tại nhiều doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã có thiện chí khi thương lượng ký kết TƯLĐTT, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nội dung TƯLĐTT đã ký kết. Nhiều bản TƯLĐTT đã có nội dung mới và thiết thực hơn so với trước đây, như: vấn đề cải thiện điều kiện làm việc, tăng tiền lương, tiền thưởng, các khoản phụ cấp, trợ cấp, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động, đào tạo và đào tạo lại tay nghề, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng bữa ăn ca, khám sức khỏe định kỳ, các chính sách lao động nữ... Đây là cơ sở để việc thực hiện các phúc lợi cho người lao động được đảm bảo, từ đó người lao động phấn khởi, yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, tích cực lao động sản xuất, vừa tăng thu nhập ổn định cuộc sống vừa góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua về tình hình thi hành pháp luật lao động tại các Doanh nghiệp ở Hà Tĩnh, nhất là Doanh nghiệp có tổ chức công đoàn không thể không nói đến vai trò hết sức quan trọng của tổ chức công đoàn. Các cấp công đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường công tác giáo dục pháp luật lao động cho người lao động dưới nhiều hình thức linh hoạt khác nhau như tập huấn chuyên đề, tư vấn pháp luật, truyền thông giáo dục trực tiếp tại Doanh nghiệp hoặc qua mạng xã hội Facebook, Zalo…Chỉ tính riêng trong năm 2021, LĐLĐ tỉnh đã tư vấn trực tuyến qua điện thoại và thư điện tử cho 3.428 lượt người, thông qua mục “Tư vấn pháp luật trực tuyến” trên Trang Thông tin điện tử đã trả lời 115 câu hỏi về pháp luật lao động.
Tuy nhiên, việc thực hiện pháp luật lao động trong các doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm, thực hiện trong thời gian tới như: Việc thực hiện chế độ đóng nộp BHXH cho người lao động của doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế; tỷ lệ nợ đọng BHXH tại một số doanh nghiệp còn khá cao, gây ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết chế độ chính sách đối với người lao động. Đến nay, toàn tỉnh có 875 Doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 2 tháng trở lên, với số tiền trên 62,7 tỷ đồng; Trong đó, Doanh nghiệp có tổ chức công đoàn nợ BHXH, BHYT, BHTN, với số tiền 9,987 tỷ đồng. Việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/CP và Quyết định 23/QĐ- CP còn bất cập. Chất lượng Hội nghị NLĐ, TƯLĐTT ở một số doanh nghiệp khi ký kết, còn qua loa, hời hợt, hình thức, nội dung chưa sát với thực tế của đơn vị, chưa phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Thậm chí, có nơi TƯLĐTT thường sao chép lại một số nội dung của pháp luật lao động. Dẫn đến quá trình thực hiện còn có nhiều vướng mắc. Đây là một trong những nguyên nhân người lao động bỏ việc tùy tiện hoặc tổ chức ngừng việc tập thể, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và thiệt thòi quyền lợi của người lao động. Việc xây dựng và đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương tại các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Đây là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để người sử dụng lao động trả lương cho người lao động và thực hiện các chế độ khác như BHXH, BHYT... Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa chấp hành các quy định của pháp luật lao động về xây dựng và đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương. Trong xây dựng đơn giá tiền lương, tiền công, xây dựng thang bảng lương của doanh nghiệp thiếu rõ ràng, chưa có sự đồng thuận giữa NLĐ và chủ doanh nghiệp dẫn đến quan hệ lao động trong doanh nghiệp không ổn định dễ xẩy ra mâu thuẫn. Một số doanh nghiệp có những hành vi vi phạm pháp luật lao động kéo dài trong quá trình triển khai các nội dung giao kết và thực hiện hợp đồng lao động như thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; các điều kiện làm việc, trang cấp bảo hộ lao động, huấn luyện an toàn lao động, khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ. Đối với một số ngành nghề có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, như: khai thác đá, xây dựng nhưng người sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ bảo hộ lao động, bồi dưỡng chế độ độc hại bằng hiện vật và giảm thời gian, cường độ làm việc cho NLĐ một cách hợp lý theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Hiện nay, trên 85% người lao động trong doanh nghiệp có tổ chức công đoàn có hợp đồng lao động (HĐLĐ), đây là một dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, một số Doanh nghiệp chưa thực hiện đúng các quy định trong HĐLĐ. HĐLĐ còn mang tính đối phó. Chủ sử dụng lao động không đưa HĐLĐ cho người lao động giữ, trong khi đó người lao động thiếu hiểu biết pháp luật, chỉ quan tâm đến mức thu nhập, chế độ BHXH, chưa quan tâm đến các điều khoản khác như điều kiện, môi trường làm việc, quyền lợi khi nghỉ việc…Vì vậy, chủ sử dụng buộc thôi việc hoặc người lao động tự ý nghỉ việc không báo trước theo quy định là những vi phạm thường gặp trong quá trình thực hiện HĐLĐ.
Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức truyền thông pháp luật lưu động cho công nhân lao động tại công đoàn cơ sở Công ty TNHH may mặc xuất khẩu Appareltech Đức Thọ
Để việc chấp hành và thực hiện chính sách, pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, giúp NLĐ yên tâm công tác và tự giác chấp hành nghiêm kỷ luật lao động, góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh phát triển ổn định, các cấp công đoàn cần chủ động phối hợp ngành lao động và các ngành liên quan ở địa phương, cơ sở cần tập trung những nhiệm vụ chủ yếu như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về lao động, Luật Công đoàn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Triển khai kịp thời những quy định mới của Bộ Luật Lao động năm 2019, Luật Công đoàn năm 2012; Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động; tổ chức huấn luyện định kỳ về an toàn - vệ sinh lao động trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có đông công nhân lao động; tiếp tục hướng dẫn, phối hợp ký kết thỏa ước LĐTT có chất lượng...nhất là quan tâm phối hợp có hiệu quả công tác đối thoại tại nơi làm việc (phấn đấu trong TCN sẽ có 50% công đoàn trong DN phối hợp tổ chức); đây cũng là nơi tạo điều kiện cho NLĐ và doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung trong xây dựng mối quan hệ hài hòa, tiến bộ, phát triển trong doanh nghiệp, góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, đồng thời tạo niềm tin của người lao động đối với tổ chức công đoàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh ngày một văn minh, giàu đẹp.
Hôm nay : 143
Tháng này : 17700