Sáng 10/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch Covid-19 tới các mặt của đời sống xã hội. Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Ứng phó toàn diện trước tác động của dịch Covid-19
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam chưa từng chùn bước trước khó khăn, luôn mạnh mẽ và đứng cao hơn thách thức nhờ vào khí chất dân tộc, sự quyết tâm, đồng thuận, trên dưới một lòng. Điều này, đã và cần được phát huy không chỉ trong nỗ lực phòng, chống với Covid-19 và ngay trong thời gian tới, không để nền kinh tế đổ gãy. Chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt khi dịch đã được ngăn chặn…”
Tại hội nghị, thành viên Chính phủ và các bộ ngành, địa phương tập trung bàn giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch Covid-19 tới các mặt của đời sống xã hội.
Theo báo cáo của các bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới nhiều mặt đời sống KT-XH của đất nước. Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2020 đạt 3,82%, mức tăng thấp nhất 10 năm qua, nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới đây là mức tăng trưởng khá, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước. Kinh tế vĩ mô giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát...
Trong bối cảnh suy thoái được nhìn nhận còn nặng nề hơn cả năm 2008, chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện biện pháp kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay, Chính phủ, các bộ ngành đã có các “cú hích”, gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực.
Có thể kể tới như gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng).
Chúng ta cũng có “cú đấm thép” là số vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, cần giải ngân hết trong năm nay.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh
Các chuyên gia đánh giá, ba chính sách chủ công là chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, đầu tư công và Chính phủ đã gấp rút triển khai các bước theo thẩm quyền để triển khai những chính sách này.
Theo báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước, thời gian qua toàn ngành ngân hàng đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch đảm bảo hoạt động của cả hệ thống an toàn, thông suốt và hiệu quả.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng báo cáo tại hội nghị.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã triển khai kịp thời các giải pháp chính sách như: Điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ; giảm đồng thời các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; miễn, giảm phí thanh toán...
Những giải pháp của ngành ngân hàng đã và đang được triển khai quyết liệt, bước đầu tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, An Giang… cũng báo cáo công tác phòng chống dịch bệnh ở địa phương cũng như những ảnh hưởng đối với đời sống KT-XH; đồng thời nêu những giải pháp, kiến nghị với Chính phủ, bộ ngành nhằm ứng phó tổng thể, toàn diện với tác động từ dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Điểm cầu thành phố Hà Nội. Ảnh: Hanoimoi.com.vn
Biến nguy cơ thành thời cơ
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cả hệ thống chính trị tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16, chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ, quyết tâm chiến thắng trên mặt trận chống dịch.
Trong thời gian tới, dịch bệnh Covid-19 dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường và tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến phát triển KT-XH nước ta. Quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ luôn coi sức khỏe, tính mạng của người dân là ưu tiên hàng đầu, quyết tâm ngăn chặn, kiểm soát không để dịch bệnh bùng phát; bảo đảm an sinh xã hội, nhu cầu sống tối thiểu của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do Covid-19.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng các kịch bản phù hợp với diễn biến tình hình, có giải pháp ứng phó kịp thời, nhất là những giải pháp đột phá khi dịch bệnh được ngăn chặn; sớm trình Chính phủ dự thảo nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ứng phó dịch Covid-19.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ; chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 11/CT-TTg, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay; bảo đảm tăng trưởng tín dụng phù hợp với nhu cầu vốn của nền kinh tế, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các đối tượng chính sách, ưu tiên; đảm bảo thanh khoản cho nhu cầu tín dụng và thanh toán của người dân, doanh nghiệp; duy trì hoạt động giao dịch ngân hàng an toàn, thông suốt.
Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu các sở, ngành tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, bám sát hướng dẫn của các bộ ngành; kịp thời tháo gỡ “nút thắt” thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp;
Xây dựng kịch bản mới ứng phó với dịch bệnh cũng như phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh trật tự, ổn định, phát triển kinh tế xã hội...
Hôm nay : 4097
Tháng này : 45969