(Baohatinh.vn) - Thiếu hiểu biết về pháp luật, nhiều lao động ở Hà Tĩnh chưa thực sự quan tâm đến các điều khoản đi kèm được quy định trong hợp đồng lao động. Điều này dẫn đến những thiệt thòi mà họ có thể gánh chịu nếu xảy ra tranh chấp với người sử dụng lao động trong quá trình làm việc.
Một bộ phận người lao động chưa nắm rõ pháp luật về lao động
Chị N.T.M (xã Lưu Vĩnh Sơn - Thạch Hà) làm công nhân cho một công ty kinh doanh sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện gần 2 năm nay. Cách đây 2 tháng, khi đang làm ở bộ phận đóng khuôn, chị M. bất ngờ bị điều chuyển sang bộ phận bốc xếp vật liệu.
Nhận thấy không phù hợp với công việc mới, chị M. đã xin chuyển lại vị trí cũ nhưng không được chấp thuận. Vì sức khỏe không đảm bảo, chị M. không đồng ý và tự ý nghỉ làm khi chưa được sự đồng ý của quản lý.
Hợp đồng lao động là căn cứ pháp lý để xác lập mối quan hệ pháp luật lao động.
Sau hơn 10 ngày, chị quay lại công ty để nộp giấy xin nghỉ ốm và giấy chứng nhận của cơ sở y tế, song, không được quản lý chấp nhận vì cho rằng giấy chứng nhận không hợp lệ. Bức xúc, chị M. bỏ về và không quay lại làm việc từ đó đến nay.
Chị M. cho biết: “Khi tôi quay lại để nhận lương thì được bộ phận nhân sự thông báo là công ty đang làm thủ tục sa thải tôi vì lý do tự ý nghỉ việc và sẽ xem xét, có khả năng sẽ không trả lương tháng 1/2022”.
Thiếu hiểu biết pháp luật lao động, tùy tiện nghỉ việc không theo quy trình, chị M. đã tự gây thiệt hại cho bản thân khi có thể vừa mất việc, vừa không được thanh toán các quyền lợi liên quan.
Đầu năm 2022, tại một số doanh nghiệp trong ngành may mặc trên địa bàn Hà Tĩnh đã diễn ra tình trạng công nhân ngừng việc tạm thời. Nguyên nhân xuất phát từ những bất đồng trong việc thực hiện quy định của hợp đồng lao động.
Sau các vụ việc trên, với sự vào cuộc tích cực của các cấp ngành, một số đề xuất, kiến nghị chính đáng của người lao động đã được giải quyết. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những điểm người lao động đề xuất chưa phù hợp, chưa đúng với quy định của luật lao động nên chưa được giải quyết. Điều đó cho thấy, một bộ phận người lao động vẫn chưa thực sự nắm rõ luật lao động, chưa nắm được nội dung các điều khoản được quy định trong hợp đồng lao động khi ký kết.
Phần lớn công nhân ngưng việc tại dự án khu nhà ở chức năng Xuân Thành Land (TP Hà Tĩnh) ngày 20/11/2021 là lao động tự do, không có hợp đồng lao động rõ ràng.
Trước đó, ngày 20/11/2021, một số công nhân thi công dự án khu nhà ở chức năng Xuân Thành Land (TP Hà Tĩnh) đã đình công do bị nợ lương nhiều tháng. Kết quả làm việc của cơ quan chức năng cho thấy, phần lớn công nhân bị nợ lương là lao động tự do được nhà thầu thuê từ bên ngoài, không có giao kết hợp đồng lao động rõ ràng với chủ sử dụng lao động.
Cần nâng cao trách nhiệm của các bên
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Đây là căn cứ pháp lý để xác lập quan hệ pháp luật lao động.
Hợp đồng lao động được ký kết đúng quy định giúp người lao động yên tâm làm việc.
Tuy nhiên, có một thực tế là phần lớn lao động khi ký kết hợp đồng chưa nhận thức được tầm quan trọng của hợp đồng lao động; một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng các quy định trong hợp đồng lao động.
Hợp đồng còn mang tính đối phó; chủ sử dụng lao động không đưa hợp đồng cho lao động giữ; chủ sử dụng buộc thôi việc hoặc người lao động tự ý nghỉ việc không báo trước theo quy định… là những vi phạm thường gặp trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động.
Ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh tham gia đàm phán giải quyết tranh chấp lao động tại doanh nghiệp.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Chí - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, có 85% người lao động trong các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ở Hà Tĩnh thực hiện giao kết hợp đồng lao động với chủ sử dụng. Tuy nhiên, người lao động chủ yếu quan tâm đến mức thu nhập, có được đóng bảo hiểm hay không mà ít khi nắm rõ các điều khoản ràng buộc đi kèm như: điều kiện, môi trường làm việc; quyền lợi khi nghỉ việc; quy định về trách nhiệm của các bên khi tự ý phá vỡ hợp đồng… Chỉ đến khi xảy ra tranh chấp, người lao động mới “vỡ lẽ” ra thì quyền lợi đã bị ảnh hưởng”.
Thực tế này bắt nguồn từ nguyên nhân người lao động thiếu hiểu biết pháp luật; sự thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp và sự vào cuộc chưa quyết liệt của công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp.
Công nhân Công ty CP Sao Mai luôn được giải thích rõ các điều khoản quy định trong hợp đồng lao động trước khi tiến hành ký kết với doanh nghiệp.
Là người có thâm niên làm công tác nhân sự gần 10 năm nay, ông Hoàng Anh Sáng - Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty CP Sao Mai (khu công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) cho rằng: “Người làm tuyển dụng phải có trách nhiệm mô tả công việc, giải thích rõ ràng các quy định đi kèm trong hợp đồng để người lao động nắm. Từ đó, đôi bên cân nhắc xem có thực sự phù hợp, đồng thuận không thì mới đi đến việc ký kết hợp đồng. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng nghỉ việc trái quy định và những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình làm việc, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và doanh nghiệp”.
Cán bộ Công đoàn Các khu kinh tế tỉnh tuyên truyền pháp luật lao động cho công nhân khu kinh tế Vũng Áng.
Để trang bị kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết cho người lao động, người sử dụng lao động rất cần sự vào cuộc, phát huy trách nhiệm của tổ chức công đoàn. Theo báo cáo của LĐLĐ tỉnh, trong năm 2021, Công đoàn đã tổ chức 784 cuộc tư vấn pháp luật trực tiếp, gián tiếp cho 35.200 lượt đoàn viên, người lao động trên toàn tỉnh; đăng tải hàng ngàn lượt tin bài tuyên truyền pháp luật lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng… Tuy nhiên, do điều kiện dịch bệnh phức tạp, hiệu quả công tác tuyên truyền bị hạn chế khá nhiều.
"Thời gian tới, Công đoàn Hà Tĩnh tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền pháp luật lao động, đặc biệt là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người lao động, chủ sử dụng lao động về các điều khoản được quy định trong hợp đồng lao động. Qua đó, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa trong doanh nghiệp".
Ông Lê Văn Chí - Trưởng ban Chính sách pháp luật LĐLĐ tỉnh
Hôm nay : 3878
Tháng này : 41397