Sau gần 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực tạo tiền đề cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hà Nội đạt nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Ảnh internet
1. Sau khi đất nước thống nhất, nước ta phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh để lại. Một sự kiện quan trọng diễn ra sau ngày miền Nam giải phóng là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, giữ vững độc lập, chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Trong đó, cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam do tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari ở Campuchia gây ra ngay sau khi Việt Nam vừa mới giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Việt Nam chỉ kéo dài 2 năm (từ năm 1977-1979) nhưng hậu quả KT-XH của nó khá nặng nề đối với Việt Nam. Cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, khủng hoảng KT-XH diễn ra gay gắt, tỷ lệ lạm phát có lúc lên đến 774,7%, đời sống Nhân dân hết sức khó khăn, thiếu lương thực triền miên, khoảng 3/4 dân số sống ở mức nghèo khổ.
Phát huy tinh thần yêu nước, tự lực tự cường cùng ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thuận lợi, thời cơ; sau gần 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, CNH-HĐH, hội nhập quốc tế, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.
- Về chính trị: Việt Nam giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng XHCN; giữ vững vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, bảo đảm vai trò quản lý hiệu quả của Nhà nước, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo tiếp tục được hoàn thiện; có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự giám sát của Nhân dân.
- Về kinh tế: Kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển mạnh mẽ. Quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 433,7 tỷ USD, đứng thứ 35 trên thế giới, đứng thứ 5 trong ASEAN, GDP bình quân đầu người đạt 4.323 USD, gấp 58 lần sau 3 thập kỷ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 2,93% năm 2023. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, duy trì tăng trưởng kinh tế khá cao so với khu vực và thế giới. Năng suất lao động liên tục tăng, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao rõ rệt.
Năm 2024, Việt Nam xuất siêu 24,77 tỷ USD.
Năm 2024, tăng trưởng cả năm đạt 7,09% (thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới); kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư. Quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD; năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động.
Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4%, xuất siêu 24,77 tỷ USD, là năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu. Thu ngân sách Nhà nước ước cả năm đạt 2.037,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với dự toán.
Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Nhiều công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn được đầu tư, nâng cấp, bảo đảm kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn, các vùng miền trong cả nước và giao thương quốc tế. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới với 38,23 tỷ USD đăng ký, vốn thực hiện đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất trong nhiều năm qua. Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ước đạt 17,6 triệu lượt, tăng 39,5% so với năm 2023. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực: kinh tế số, kinh tế xanh đóng vai trò ngày càng quan trọng. Các lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng, trong đó công nghiệp phục hồi tích cực, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng.
- Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, GD&ĐT, KH&CN, y tế... đều có sự phát triển vượt bậc, định hình hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. Đến nay, có gần 99% số người lớn Việt Nam biết đọc, biết viết, số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 20 lần, phổ cập giáo dục THCS từ năm 2014... Tiềm lực KH&CN của đất nước được nâng lên. Chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách người có công, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài... được thực hiện đồng bộ, đạt kết quả tích cực. Sức khỏe của Nhân dân được quan tâm chăm sóc; việc khám, chữa bệnh tiếp cận được nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.
Năm 2024, an sinh xã hội được tập trung bảo đảm; đời sống người dân được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,93%. Theo xếp hạng của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc năm 2024 của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng lên; tỷ lệ bao phủ BHYT tăng từ 90,2% năm 2020 lên 94,1% năm 2024. Chất lượng giáo dục các cấp được cải thiện. Ứng dụng KH&CN được tăng cường; hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được hình thành và phát triển. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có việc làm tăng. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng được ưu tiên, chú trọng; công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, giáo dục thanh, thiếu niên, phát huy vai trò người cao tuổi, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, thông tin truyền thông... được tăng cường. Chỉ số phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam năm 2024 xếp thứ 54/166, tăng 1 bậc so với năm 2023.
Hà Tĩnh vươn mình đổi mới, phát triển.
- Về QP-AN, bảo vệ Tổ quốc: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc và lợi ích quốc gia - dân tộc tiếp tục được bảo vệ vững chắc; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố QP-AN; tiềm lực QP-AN được củng cố, tăng cường trên nhiều mặt. Xây dựng thế trận lòng dân gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Quân đội nhân dân và công an nhân dân được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh về chính trị, là lực lượng nòng cốt để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Hình thành thế trận an ninh nhân dân, bố trí chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng công an cấp xã, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT, đưa công an nhân dân gần dân, sát dân để phục vụ. Có đối sách, giải pháp phù hợp, xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống, không để xảy ra bị động, bất ngờ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
- Về đối ngoại: Hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài, tạo cục diện đối ngoại mới, rộng mở, thuận lợi cho an ninh và phát triển, nâng cao vị thế đất nước, thể hiện vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước. Nâng cấp, nâng tầm quan hệ với các đối tác chủ chốt, các nước lớn; đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách quốc tế; đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp tại các cơ chế hợp tác đa phương quan trọng.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm đến Singapore thể hiện sự coi trọng thúc đẩy quan hệ với Singapore lên tầm cao mới, phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam. Ảnh TTXVN
Ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh, khai thác hiệu quả các cơ hội hợp tác kinh tế. Mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 9 nước đối tác chiến lược toàn diện, 19 nước đối tác chiến lược (bao gồm cả 9 nước đối tác chiến lược toàn diện) và 13 nước đối tác toàn diện, trong đó đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã và đang thể hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế; có nhiều sáng kiến, đề xuất, chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của ASEAN, tổ chức Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác.
2. Sau giải phóng, là vùng đất đã trải qua hơn 20 năm du nhập lối sống Mỹ nên vấn đề tệ nạn xã hội ở Nam Bộ khá nan giải với số lượng lớn người thất nghiệp, thương, phế binh, người nhập cư, người nghiện ma túy, trẻ mồ côi, người ăn xin, cờ bạc buôn lậu… Khắc phục khó khăn để vươn lên cùng cả nước, sau 50 năm, Nam Bộ đã đạt được nhiều khởi sắc, cơ cấu kinh tế các vùng tiếp tục chuyển dịch tích cực; giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy, một số di tích văn hóa lịch sử được tu bổ, tôn tạo; hệ thống GD&ĐT được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được củng cố; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước được chú trọng, QP-AN được giữ vững, đời sống Nhân dân ngày được nâng cao, trong đó tốc độ tăng trưởng GRDP các vùng của Nam Bộ những năm gần đây đạt mức khá.
Thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững, hiện đại. Ảnh internet.
Riêng với TP Hồ Chí Minh, vinh dự mang tên Bác từ năm 1976, thành phố đã bứt phá mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt, với quy mô và tiềm lực vượt trội, TP Hồ Chí Minh đã cùng cả nước vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo.
Sự nghiệp GD&ĐT, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phát triển văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng nâng lên, sớm xác lập và giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước và ngày càng có vị trí quan trọng trong khu vực Đông Nam Á.
Hôm nay : 338
Tháng này : 2381