Thực hiện Thông tư số 08/2014/TT-BVHTTDL ngày 24/9/2014 của Bộ văn hóa thể thao và du lịch, trong thời gian qua, phong trào xây dựng cơ quan đạt chuẩn văn hóa, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa) đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các ban ngành, đoàn thể các cấp của thành phố tập trung chỉ đạo và được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng. Từ phong trào, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động được nâng cao, nhiều phong trào thi đua yêu nước được tạo ra thúc đẩy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh, của thành phố và góp phần xây dựng đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh.
Với 113 công đoàn cơ sở, 4.949 đoàn viên, nhận thức rõ tầm quan trọng của phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, những năm qua, Liên đoàn Lao động thành phố luôn chú trọng chỉ đạo các công đoàn cơ sở trực thuộc triển khai thực hiện gắn với xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị, xã về đích nông thôn mới với phong trào này đã góp phần hoàn thành một trong những tiêu chí quan trọng trong việc đưa Thành phố Hà Tĩnh trở thành đô thị loại II vào tháng 3 năm 2019.
Trong 4 năm qua, Liên đoàn Lao động thành phố đều phối hợp với Phòng VHTT thành phố hướng dẫn về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục đăng ký, bình xét và chấm điểm cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh; phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy, UBND thành phố tổ chức 3 cuộc trao chứng nhận và phát động thi đua, ký kết xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cho 230 đơn vị trên địa bàn; tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; chỉ đạo các CĐCS phối hợp tổ chức hội nghị CBCNVC, Hội nghị NLĐ để CNVCLĐ ký kết thi đua xây dựng cơ quan đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, tham gia góp ý xây dựng quy chế cơ quan, thực hành tiết kiệm chống tham nhũng, lãng phí và thực hiện nếp sống văn minh nơi công sở; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động thành phố cũng đã hướng dẫn CĐCS khối doanh nghiệp phối hợp với người sử dụng lao động thương lượng, ký kết, bổ sung, sửa đổi thỏa ước lao động tập thể, tổ chức đối thoại trực tiếp tại nơi làm việc với đại diện người sử dụng lao động. Thực hiện tốt nội quy lao động, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Do vậy, môi trường và điều kiện làm việc của công nhân lao động trong các doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể, góp phần bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng cho người lao động. Nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt chương trình phối hợp, tạo sự thống nhất cao trong chỉ đạo, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền để tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào.
Các CĐCS cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật, gương người tốt việc tốt trong CNVCLĐ; quán triệt và triển khai đầy đủ nội dung về xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa gắn với xây dựng hình ảnh người Thành Sen “Năng động, trách nhiệm, văn minh, thân thiện”, các quy định về trách nhiệm, cách thức công khai xin lỗi của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh trường hợp gây khó khăn, phiền hà hoặc chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính, về tiêu chí đánh giá, chấm điểm trách nhiệm người đứng đầu các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, Chủ tịch UBND các phường, xã”; Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Tĩnh; tổ chức ký cam kết “Ba không”; xây dựng tủ sách pháp luật nhằm trang bị và nâng cao hiểu biết pháp luật cho CNVCLĐ...
LĐLĐ thành phố đã chỉ đạo các CĐCS lựa chọn những nội dung của phong trào xây dựng cơ quan đạt chuẩn văn hóa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị để tổ chức và phát động trong cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tạo thành những phong trào riêng, đặc trưng tạo chuyển biến về xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh như: CĐCS khối HCSN phát động cán bộ, công chức, viên chức nâng cao trách nhiệm và chất lượng tham mưu, phục vụ, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 35 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Quyết định 52 của UBND tỉnh; Quy định 63 của Ban Thường vụ Thành uỷ; xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” gắn với cải cách hành chính; CĐCS khối phường, xã với phong trào thi đua xây dựng “Đô thị văn minh, nông thôn mới”; CĐCS khối y tế với phong trào thi đua thực hiện 12 điều y đức; CĐCS khối giáo dục với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với phong trào tự học, tự bồi dưỡng nghiên cứu khoa học và viết SKKN, xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tự học”; CĐCS khối doanh nghiệp với phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và tích cực tham gia phong trào học tập, nâng cao trình độ mọi mặt...Các phong trào thi đua đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa Công đoàn và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Giám đốc doanh nghiệp để tổ chức làm cho phong trào có chiều sâu, trọng điểm và tác dụng cụ thể, rõ rệt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác chuyên môn, sản xuất kinh doanh của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và được đưa vào tiêu chí bình xét cuối năm của tập thể, cá nhân. Đặc biệt phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá được các cơ quan, đơn vị thực hiện gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo nên chuyển biến rõ nét trong tu dưỡng đạo đức, sửa đổi tác phong làm việc của mỗi cán bộ công chức viên chức. Do vậy, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm cho vị thế của tổ chức công đoàn được nâng lên, nhận thức về công tác xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa có sự chuyển biến tích cực.
Cùng với đó các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao thường xuyên được tổ chức vào các dịp như: hưởng ứng Tháng Công nhân (Tháng 5), Ngày quốc tế Phụ nữ (8/3), Ngày thành lập Công đoàn (28/7), Ngày phụ nữ Việt Nam (20/10)...tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, CNVCLĐ. Hoạt động chỉnh trang cơ quan, trụ sở làm việc sạch, đẹp, trồng cây xanh, dọn dẹp vệ sinh, tu bổ, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh trong khuôn viên cũng thường xuyên được các CĐCS phát động và tổ chức thực hiện.
Chính vì vậy phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa đã trở thành một trong các phong trào thi đua sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo mọi người cùng tham gia và tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, tác động tích cực trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu kế hoạch hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Kết quả trong năm 2018 tỷ lệ CĐCS vững mạnh đạt trên 90%, không có loại yếu; tỷ lệ gia đình cán bộ, CNVCLĐ được công nhận "Gia đình văn hóa" đạt 91,1%. Có 187/238 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được thành phố công nhận đạt chuẩn văn hóa (từ 2016 - 2018). Cán bộ, công chức, viên chức tích cực tham gia công tác CCHC, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; trong 2 năm (2017 - 2018), chỉ số CCHC của thành phố Hà Tĩnh đứng đầu trong khối huyện, thị xã thuộc tỉnh (Năm 2017 đạt 91.62/100 điểm, 2018 đạt 93,19/100 điểm); 100% TTHC được niêm yết công khai kịp thời, đúng quy định; tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn tại Trung tâm HC công đạt 99,95%, tại bộ phận một cửa cấp xã, phường đạt 100%; mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước năm 2018 đạt 19,02/20 điểm (cao nhất trong các khối huyện, TX, TP).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa vẫn còn một số hạn chế, tồn tại: công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, CNVCLĐ chưa thường xuyên; hướng dẫn, giám sát của các ngành chuyên môn chưa sâu sát, thiếu cụ thể. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa thực sự tích cực, chủ động trong việc xây dựng đơn vị đạt chuẩn văn hóa; một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo mà chủ yếu giao khoán cho Ban Chấp hành CĐCS; tình trạng vi phạm chính sách DS - KHHGĐ vẫn còn xảy ra. Nhiều cơ quan, đơn vị trụ sở xuống cấp, khuôn viên chật hẹp, nhiều doanh nghiệp văn phòng làm việc chủ yếu là đi thuê hoặc đóng tại nhà riêng.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, trong thời gian tới cần thực hiện những giải pháp sau:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về nếp sống văn hóa công sở; gắn phong trào với thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào thi đua xây dựng người cán bộ công chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”. Đặc biệt là các cấp ủy, chính quyền phường, xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn triển khai thực hiện có hiệu quả việc xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa gắn với xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị.
- Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần xây dựng, hoàn thiện các quy định về văn hóa công sở; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong xây dựng và thực hiện văn hóa công sở.
- Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng; tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền và các đoàn thể. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc quyết liệt việc thực hiện văn hóa công sở trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Hôm nay : 962
Tháng này : 25226