Về phía tỉnh Hà Tĩnh, ông Dương Tất Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì buổi làm việc, tham dự còn có đại diện một số sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Hà Tĩnh.
Mở đầu cuộc làm việc, ông Lê Đình Quảng – Phó Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN thay mặt đoàn đã báo cáo nhanh kết quả kiểm tra thực tế một ngày trước đó tại 2 đơn vị là Tổng kho khí hóa lỏng Bắc Trung Bộ và Ban quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh với nhận xét: Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải tại 2 đơn vị này được quan tâm và thực hiện khá tốt.
Ông Phan Lam Sơn – Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh báo cáo cho biết, thời gian qua Sở TNMT đã chủ trì, phối hợp với sở, ngành tham mưu để tỉnh Hà Tĩnh ban hành nhiều văn bản về tăng cường quản lý công tác bảo vệ môi trường nói chung, hoạt động quản lý chất thải công nghiệp nói riêng. Đồng thời tăng cường tuyên truyền về nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.
Hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp tại xã Kỳ Tân huyện Kỳ Anh với công suất 1060 tấn/ngày. Công ty đang hoàn thiện thủ tục để nâng cấp công suất lên 3.300 tấn/ngày; 2 Dự án Nhà máy xử lý rác khác ở Lộc Hà và Hương Khê đang thực hiện các bước đầu tư.
Theo thống kê, khối lượng chất thải công nghiệp thông thường hiện lớn nhất tại Hà Tĩnh là của Cty Formosa Hà Tĩnh với hơn 3,5 triệu tấn/năm ở giai đoạn 1; lớn thứ hai là Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 với hơn 1 triệu tấn/năm.
Trừ 2 doanh nghiệp nói trên, toàn tỉnh lượng chất thải công nghiệp thông thường tăng hàng năm, từ hơn 71.000 tấn năm 2011, đã tăng lên hơn 146.000 tấn vào năm 2016.
Về chất thải nguy hại năm 2018 này là 8.481 tấn/năm. Trong đó riêng của Formosa chiếm 91%.
Các thành viên đoàn giám sát đã đặt ra một số câu hỏi để rõ hơn về công tác công khai các đơn vị vi phạm trong xả thải, quản lý chất thải thế nào, bị xử phạt ra sao? Trong thực hiện quản lý có những khó khăn, vướng mắc thế nào về chính sách, về các quy định của pháp luật…
Ông Dương Tất Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, hiện nay tỉnh Hà Tĩnh đã tăng cường kiểm tra và xử phạt rất nghiêm đối với hành vi vi phạm về môi trường. Cụ thể, có doanh nghiệp nuôi tôm vi phạm đã bị phạt hơn 400 triệu đồng.
Theo ông Thắng, hiện nay Hà Tĩnh đang vướng mắc với khối lượng rất lớn tro, xỉ thép của Cty Formosa Hà Tĩnh. Việc này dù đã có nhiều kiến nghị nhưng Bộ, ngành trung ương vẫn chưa có hướng dẫn xử lý cuối cùng gây khó khăn cho quản lý của địa phương cũng như của doanh nghiệp. Do vậy, tỉnh kiến nghị đoàn giám sát sẽ kiến nghị đến Bộ, ngành trung ương để sớm có quyết định tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, địa phương.
Kết luận buổi làm việc, ông Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - đánh giá: Cả hệ thống chính trị tỉnh Hà Tĩnh đã nhận thức nghiêm túc về công tác bảo vệ môi trường, nhất là từ sau sự cố môi trường biển.
Việc này thể hiện rõ thông qua hàng loạt văn bản về chủ trương, hướng dẫn, chỉ đạo trong công tác quản lý bảo vệ môi trường. Tuy vậy, việc chấp hành pháp luật về môi trường đây đó vẫn còn một số tồn tại, vi phạm.
Do vậy đề nghị Hà Tĩnh tăng cường hơn hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm; Kiểm soát và hạn chế nguồn thải; Lựa chọn công nghệ tốt để giảm thiểu tác động môi trường.
Đồng thời cần nâng cao nhận thức cộng đồng và phát huy vai trò giám sát của cộng đồng. Kiến nghị tỉnh Hà Tĩnh các ban ngành cũng dành sự quan tâm nhiều đến môi trường làm việc ,đảm bảo ATVSLĐ và các chế độ chính sách, phúc lợi tốt hơn cho công nhân lao động.
Cuối cùng, đồng chí Ngọ Duy Hiểu mong muốn tỉnh Hà Tĩnh phát triển công nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường thật tốt.