Theo Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, trên địa bàn Hà Tĩnh tiếp tục có mưa lớn khiến nhiều tuyến đường, cầu cống bị ngập cục bộ; nhiều cơ sở giáo dục phải cho học sinh nghỉ học.
Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, 24 giờ qua, khu vực Hà Tĩnh có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa tính từ 7h ngày 19/9 – 7h ngày 20/9 các khu vực phổ biến từ 100 – 230mm. Tại một số trạm đo mưa tự động có lượng mưa cao hơn như: Kỳ Sơn 283mm; Kỳ Lâm 280mm; Kỳ Thượng (Kỳ Anh): 240mm, Hương Lâm (Hương Khê) 287mm...
Lũ trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố đang lên nhanh. Mực nước lúc 9h ngày 20/9 tại trạm Chu Lễ 11.09m (dưới báo động (BĐ)1 0.41m), trạm Hòa Duyệt 6.41m (dưới BĐ1 1.09m), trạm Sơn Diệm 10.24m (trên BĐ1 0.24m). Sông La chịu ảnh hưởng của thủy triều và lũ.
Từ hôm nay (20/9) đến ngày 23/9, các sông ở khu vực Hà Tĩnh tiếp tục lên. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ sông Ngàn Sâu có khả năng lên mức BĐ1 – BĐ2, sông Ngàn Phố lên mức BĐ2 - BĐ3, sông La ở mức BĐ1.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi đặc biệt tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên...
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các khu đô thị, thành phố như TP Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, thị trấn Cẩm Xuyên, Thạch Hà...
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hương Khê, tổng lượng mưa từ 8h ngày 17/9 đến 6h ngày 20/9 là 318,1mm. Mưa lớn khiến nhiều đoạn đường, cầu cống trên địa bàn bị ngập cục bộ.
Mưa lớn khiến nhiều đoạn đường, cầu cống ở Hương Khê bị ngập cục bộ.
Cụ thể như: cầu sang bản Rào Tre (xã Hương Liên); cầu tràn xóm 8 (xã Hương Đô); các tuyến đường qua tràn đập Làng, đập Khe Á (xã Hương Bình); đường qua các tràn đập Miệu, đập Khe Tuần (xã Hương Vĩnh); đường giao thông tại thôn 1, thôn Thượng Sơn, thôn Trung Thành (xã Điền Mỹ)…
Các điểm ngập đã được chính quyền địa phương kiểm tra, cử người canh gác, hướng dẫn giao thông, lắp đặt biển cảnh báo. Tuy nhiên, tình hình ngập cục bộ đang gây nhiều bất tiện đối với hoạt động dân sinh, giao thông ở nhiều địa phương.
Trước thông tin tình hình thiên tai, giáo viên và học sinh ở Hương Khê đã chủ động chuyển sách vở, thiết bị, đồ dùng dạy học lên nơi cao tránh lũ.
Theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, các địa phương cũng đã có phương án dự trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu để ứng phó với thiên tai.
Tình hình mưa lũ phức tạp cũng khiến một số tuyến đường, bờ sông có nguy cơ sạt lở thêm. Đặc biệt là các tuyến đường từ đường mòn Hồ Chí Minh vào trung tâm xã Hương Thủy; đường vào trung tâm xã Hương Lâm; bờ sông tại các xã Hương Xuân, Hương Đô, Hà Linh...
Giáo viên các trường học duy trì chế độ trực để ứng phó với mưa lũ.
Thầy Phan Quốc Thanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê thông tin: "Do một số tuyến đường đến trường bị ngập nên toàn huyện có gần 11.000 học sinh ở 24 trường từ mầm non đến THCS phải nghỉ học. Trong đó, bậc mầm non gần 4.000 em; tiểu học gần 4.500 em, THCS hơn 2.500 em”.
Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê đã ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng chống bão lũ; phân công lãnh đạo, chuyên viên phụ trách các cụm trường để kịp thời nắm bắt thông tin, triển khai nhiệm vụ và phối hợp xử lí các tình huống bất thường. Chỉ đạo các trường giữ liên lạc với phụ huynh để phối hợp quản lí, hỗ trợ học sinh, xử lí các tình huống bất thường.
Tại huyện Hương Sơn, từ sáng nay, cầu tràn Phố Giang đã ngập. Lực lương Công an thị trấn Phố Châu và Công an xã Sơn Giang đã cắm biển cảnh báo, canh gác không để người và các phương tiện đi lại.
Cắm biển cảnh báo, canh gác không để người và các phương tiện qua lại cầu tràn Phố Giang. Ảnh: Ánh Dương
Mưa lớn tại nhiều địa bàn huyện cũng khiến việc đến trường của học sinh gặp khó khăn. Để đảm bảo an toàn cho các em vùng bị chia cắt do ngập lụt, đã có hơn 800 học sinh 3 trường: Mầm non Sơn Lĩnh, Mầm non Sơn Kim 2, Tiểu học Sơn Kim 2 phải nghỉ học.
Qua thông tin ban đầu tại các địa phương khác, việc học tập của học sinh vẫn tiếp tục được duy trì bình thường, tuy nhiên, tỷ lệ học sinh mầm non vắng khá lớn.
Trước tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, lãnh đạo các phòng GD&ĐT trên toàn tỉnh đã chỉ đạo các hiệu trưởng theo dõi sát tình hình mưa lũ để có các biện pháp xử lí kịp thời, đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên; bảo đảm an toàn tài sản, cơ sở vật chất, công trình trường học; chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lũ để tránh hư hại.
Cầu Trung Lưu ở xã Sơn Tây (Hương Sơn) đã ngập nước, gây nguy hiểm cho người dân khi đi lại.
Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, cập nhật, báo cáo thông tin lên trang thông tin của nhà trường, sổ liên lạc điện tử, zalo...; trường hợp cho học sinh nghỉ học phải làm văn bản báo cáo đến các tổ chức, cá nhân liên quan; phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khắc phục hậu quả kịp thời và có phương án hỗ trợ học sinh học tập, củng cố kiến thức sau khi mưa lũ kết thúc.
Hôm nay : 2017
Tháng này : 50101