Tuyên truyền, giáo dục là hoạt động xã hội đặc biệt có mục đích của một chủ thể nhằm truyền bá những tri thức, giá trị tinh thần, tư tưởng đến đối tượng, biến thành nhận thức, niềm tin, tình cảm, cổ vũ cho đối tượng hành động theo những định hướng do chủ thể tuyên truyền đặt ra.
I. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC
1. Khái niệm
Tuyên truyền, giáo dục là hoạt động xã hội đặc biệt có mục đích của một chủ thể nhằm truyền bá những tri thức, giá trị tinh thần, tư tưởng đến đối tượng, biến thành nhận thức, niềm tin, tình cảm, cổ vũ cho đối tượng hành động theo những định hướng do chủ thể tuyên truyền đặt ra.
Tuyên truyền, giáo dục là bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng [1].
Trong điều kiện bùng nổ thông tin, công tác tuyên truyền, giáo dục càng trở nên quan trọng trong việc định hướng thông tin, làm cho công nhân, viên chức, lao động tiếp nhận các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước một cách đầy đủ, đúng đắn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Công tác tuyên truyền, giáo dục của Công đoàn thực chất là công tác chính, trị, tư tưởng trong công nhân, viên chức, lao động.
2. Vị trí của công tác tuyên truyền, giáo dục
Tuyên truyền, giáo dục là phương tiện quan trọng để phố biến, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, những vấn đề thời sự, chính trị của đất nước và quốc tế, qua đó nâng cao nhận thức chính trị của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
Tuyên truyền gắn liền với cổ động, nên tuyên truyền còn là sự cổ vũ, động viên, thúc đẩy đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động hăng hái tham gia các phong trào, biến nhận thức, niềm tin thành nhiệt huyết của quảng đại quần chúng, thành hành động cách mạng.
Công tác tuyên truyền uốn nắn những nhận thức lệch lạc, đấu tranh với những quan điểm, hành động sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Tuyên truyền góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, hình thành và củng cố niềm tin, giáo dục lý luận, đạo đức, lối sống, lẽ sống; bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng hành động cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
Tuyên truyền, giáo dục là một trong ba chức năng cơ bản của tổ chức Công đoàn [2]. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục để giác ngộ, tập hợp, vận động công nhân, viên chức, lao động, tạo nên sự thống nhất trong nhận thức, tư tưởng và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
II. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC TRONG CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG
1. Nội dung chủ yếu của công tác tuyên truyền:
- Tuyên truyền chính trị: Tuyên truyền chính trị là nội dung chủ yếu của công tác tuyên truyền. Tuyên truyền chính trị tập trung vào việc phổ biến, truyền bá hệ tư tưởng của Đảng, bao gồm:
+ Tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
+ Tuyên truyền về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
+ Tuyên truyền về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, của Đảng qua các hoạt động kỷ niệm, các đợt vận động chính trị lớn của đất nước và địa phương.
- Tuyên truyền kinh tế: Tuyên truyền kinh tế nhằm thực hiện đường lối phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm trong giai đoạn hiện nay.
Nội dung chủ yếu của tuyên truyền kinh tế là:
+ Tuyên truyền về đường lối phát triển kinh tế của Đảng, các chính sách, kế hoạch, chương trình kinh tế lớn của Nhà nước.
+ Tuyên truyền về những thành tựu kinh tế - xã hội, tiềm năng phát triển của đất nước, địa phương, những thuận lợi và khó khăn, những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của địa phương trong từng thời kỳ.
- Tuyên truyền văn hóa: Tuyên truyền về văn hóa nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm nền tảng tinh thần của xã hội, gắn chặt với nhiệm vụ phát triển kinh tế và xây dựng đảng
- Tuyên truyền quốc phòng, an ninh: Tập trung tuyên truyền toàn dân trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Nội dung chủ yếu là:
+ Tuyên truyền về đường lối, quan điểm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.
+ Tuyên truyền về những truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc, tự hào về những chiến công hiển hách trong đấu tranh giành và bảo vệ nền độc lập.
+ Tuyên truyền về những chủ trương, giải pháp lớn xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
+ Tuyên truyền các văn bản pháp luật của Nhà nước về các nghĩa vụ của công dân tham gia quân đội, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng…
- Tuyên truyền đối ngoại: Trong thời đại toàn cầu hóa, thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tuyên truyền đối ngoại có vai trò quan trọng.
- Đấu tranh chống các quan điểm sai trái: Trong điều kiện phong trào cách mạng thế giới tạm thời lâm vào tình trạng thoái trào, tuyên truyền để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng càng trở nên quan trọng và cần thiết.
2. Nội dung chủ yếu trong công tác tuyên truyền, giáo dục của tổ chức công đoàn
2.l. Giáo dục chính trị - tư tưởng
Đây là nội dung cơ bản trong công tác tuyên truyền, giáo dục công nhân, viên chức, lao động của công đoàn, nhằm củng cố sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, tạo niềm tin về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
* Nội dung tuyên truyền:
- Chủ trương, đường lối của Đảng về lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công đoàn.
+ Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/01/2008 của BCH TW Đảng về “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước;
+ Kết luận số 79-KL/TW, ngày 25/12/2013 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20;
+ Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 24/9/2013 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về Xây dựng đội ngũ công nhân và tổ chức Công đoàn Hà Tĩnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo;
+ Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 05/6/2008 của Ban Bí thư TW Đảng về xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp;
+ Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thành lập tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp;
……………….
- Các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của tổ chức công đoàn.
+ Nghị định số 98/2014/NĐ-CP, ngày 24/20/2014 của Chính phủ Quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế;
+ Công văn 4265/CV-UBND của UBND tỉnh về thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp…
……………….
* Yêu cầu: Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cần quan tâm đến những vấn đề sau:
- Nắm vững những nguyên lý, cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn của vấn đề để tuyên truyền một cách sâu sắc, tránh tuyên truyền chung chung, lý thuyết suông không có căn cứ lý luận và cơ sở thực tiễn.
- Cần đặc biệt quan tâm giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, làm cho công nhân, viên chức, lao động hiểu rõ những khó khăn, thuận lợi của đất nước, đơn vị, doanh nghiệp, những âm mưu diễn biến hòa bình cửa các thế lực thù địch, trên cơ sở đó nâng cao lập trường giai cấp, củng cố lòng tin và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể, đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
2.2. Tuyền truyền, giáo dục về pháp luật
Hiện nay, chúng ta đang xây dựng, củng cố Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vì vậy, tuyên truyền, giáo dục về pháp luật để mọi công nhân, viên chức, lao động hiểu được pháp luật, sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật là vấn đề hết sức quan trọng.
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật phải được tiến hành thường xuyên với nhiều hình thức thiết thực, linh hoạt phù hợp với từng đối tượng. Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Công đoàn cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục về pháp luật lao động để mọi công nhân, viên chức, lao động hiểu được quyền, nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động đã được pháp luật quy định, từ đó mọi người tự giác thực hiện tốt nghĩa vụ của mình và tự bảo vệ mình trước pháp luật.
Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến người lao động:
- Hiến pháp năm 2013;
- Bộ luật Lao động năm 2012;
- Luật Công đoàn năm 2012;
- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
- Luật Bảo hiểm y tế năm 2014;
- Luật cán bộ, công chức năm 2008;
- Luật Viên chức năm 2010;
- Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015;
- Luật việc làm năm 2013;
- Các văn bản của Nhà nước về hướng dẫn thi hành pháp luật liên quan lao động …
2.3. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp cho công nhân, viên chức, lao động
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh ngày càng gay gắt, nâng cao trình độ học vấn chuyên môn nghề nghiệp cho công nhân, viên chức, lao động là nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sức lao động và để bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định, tạo cơ hội phát triển.
Tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức, lao động không ngừng học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học, kiến thức pháp luật, nhanh chóng tiếp thu và làm chủ khoa học công nghệ hiện đại, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả sản xuất - kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.
Từ nhận thức trên, công đoàn cần tham gia, phối hợp chặt chẽ với chuyên môn và các ngành chức năng trong việc tổ chức, tuyên truyền, vận động, tạo mọi điều kiện cho công nhân, viên chức, lao động được học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp. Đặc biệt, quan tâm xây dựng thế hệ công nhân trẻ có học vấn, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao, ngang tầm khu vực và quốc tế. Tổ chức, nâng cao hiệu quả phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi, phát huy sáng kiến, sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất, công tác của công nhân, viên chức lao động.
Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp:
- Quyết định 231/QĐ-TTg ngày 13/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020 và những năm tiếp theo”;
- Quyết định số 281/QĐ-TTg, ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020";
- Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dường cán bộ, công chức, viên chức;
- Thông tư số 01/2018/TT-BNV, ngày 08/01/2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dường cán bộ, công chức, viên chức;
- Chương trình số 1464/CTr-TLĐ, ngày 08/10/2103 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về Nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động...
…………………………….
2.4. Tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân, dân tộc Việt Nam
Tuyên truyền, giáo dục công nhân, viên chức, lao động về lịch sử đấu tranh anh dũng và truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn và của dân tộc Việt Nam. Công đoàn tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động về vai trò, “sứ mệnh lịch sử” của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam và những đóng góp của giai cấp công nhân vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
* Sứ mệnh lịch sử giai cấp công nhân:
- Lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến;
- Tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
- Lực lượng lao động nòng cốt, quan trọng, trực tiếp tạo ra khối lượng vật chất to lớn cho xã hội, đất nước;
- Nắm giữ chủ yếu các ngành, lĩnh vực huyết mạch của nền kinh tế;
- Cơ sở của khối đại đoàn kết, liên minh giai cấp.
Thông qua việc tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động về những giá trị văn hóa, truyền thống yêu nước, đạo đức cách mạng của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam; khẳng định giai cấp công nhân là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuyên truyền về tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc ta, gắn liền với truyền thống lao động cần cù sáng tạo, tinh thần tương thân, tương ái, đạo lý uống nước nhở nguồn của dân tộc Việt Nam và tinh thần đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đấu tranh phòng chống tệ quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh.
2.5. Tuyên truyền, giáo dục lối sống văn hóa, kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp
Tuyên truyền, giáo dục lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật nhằm giữ vững trật tự, kỷ cương, chấp hành nghiêm nội quy, quy định, kỷ luật lao động, xây dựng tác phong công nghiệp trong công nhân, viên chức, lao động. Xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế dân chủ cơ sở, chống chủ nghĩa cá nhân.
Đẩy mạnh công tác giáo dục, học tập, bồi dưỡng công nhân lao động về nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc, gắn bó thiết tha với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc; ý chí vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, có tinh thần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quyết tâm chiến thắng trong cạnh tranh, có tinh thần đấu tranh xây dựng, rèn luyện tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động.
Tuyên truyền về vai trò cùa việc xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân, viên chức, lao động đối với việc xây dựng giai cấp công nhân, xây dựng đơn vị, doanh nghiệp phát triển. Tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức, lao động tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, xây dựng lối sống lành mạnh, rèn luyện sức khoẻ, có kỹ năng sống, phòng chống HIV/AIDS, ma túy và các tệ nạn xã hội. Tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ của công nhân, viên chức, lao động trong việc chấp hành nội quy, quy định, kỷ luật lao động của đơn vị, doanh nghiệp; giáo dục về tác phong công nghiệp cho công nhân, viên chức, lao động.
2.6. Giáo dục thẩm mỹ, thể chất
Công đoàn tuyên truyền, giáo dục thẩm mỹ, thể chất cần hướng vào việc giáo dục nâng cao năng lực, nhận thức thẩm mỹ, năng lực sáng tạo và cảm thụ văn hóa nghệ thuật của công nhân, viên chức, lao động.
Xây dựng mối quan hệ thẩm mỹ đúng đắn, lành mạnh, tiến bộ của người lao động trong lao động sản xuất, công tác cũng như trong cuộc sống, mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với tập thể và xã hội, tạo môi trường lao động, công tác thân thiện, hài hòa, với phương châm mình vì mọi người, mọi người vì mình.
Công đoàn cần quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn công nhân, viên chức, lao động đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, rèn luyện nâng cao thể chất, làm cho mỗi công nhân, viên chức, lao động phát triển cả về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức.
III. NHỮNG HÌNH THỨC CHỦ YẾU CỦA CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG
1. Tuyên truyền miệng
Tuyên truyền miệng là hình thức tuyên truyền mà người nói trực tiếp nói với người nghe về những lĩnh vực, vấn đề cần tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho người nghe, hướng người nghe hành động theo các chuẩn mực.
* Các ưu điểm của công tác tuyên truyền miệng:
- Là sự giao tiếp trực tiếp để cung cấp và trao đổi thông tin nên sử dụng được mọi ưu thế của giao tiếp trực tiếp.
- Tuyên truyền miệng qua hình thức đối thoại giữa người nói với người nghe, là một hình thức tuyên truyền dân chủ nhất, thực hiện được chức năng thông tin cả 2 chiều, không mang tính áp đặt.
- Tuyên truyền miệng có thể sử dụng triệt để nhất ưu thế của ngôn ngữ nói và "kênh" phi ngôn ngữ.
- Tuyên truyền miệng có điều kiện và nhiều khả năng tiến hành một cách thường xuyên và rộng rãi ở nhiều nơi, trong các điều kiện khác nhau.
Tuyên truyền miệng là một công đoạn không thể thiếu trong phần lớn các hình thức tuyên truyền, chủ yếu được thực hiện thông qua hội nghị, hội thảo, tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ; là hình thức tuyên truyền linh hoạt, có nhiều ưu thế, có thể tiến hành ở bất cứ nơi nào, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào với số lượng người nghe không bị hạn chế. Khi thực hiện việc tuyên truyền miệng, người nói có điều kiện thuận lợi để giải thích, phân tích, làm sáng tỏ nội dung cần tuyên truyền
* Yêu cầu của tuyên truyền miệng:
- Để thực hiện tốt nội dung tuyên truyền miệng, cán bộ công đoàn phải chuẩn bị tài liệu, làm đề cương, viết bài cẩn thận.
- Trong khi tuyên truyền miệng, cần sử dụng các hình ảnh minh họa có giá trị để lôi cuốn người nghe, có thể vận dụng văn học nghệ thuật cho bài nói đỡ khô cứng.
- Cán bộ tuyên truyền cần rèn luyện cho mình cách biểu cảm trong giọng nói, nét mặt, ánh mắt, cử chỉ; đồng thời, cần rèn luyện khả năng nắm bắt tâm lý người nghe, cách đặt câu hỏi cho người nghe vừa để đánh giá mức độ tiếp thu, vừa để người nghe tập trung.
- Bên cạnh tính sinh động của văn nói, cần chú ý tính chính xác của các từ ngữ, thuật ngữ chuyên ngành.
2. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội
Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng là công cụ, phương tiện hữu hiệu để công nhân, viên chức, lao động dễ dàng tiếp thu, nắm bắt, tìm hiểu, nâng cao nhận thức, kiến thức. Báo chí góp phần phản ánh thực tiễn tình hình đất nước, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, biểu dương người tốt, việc tốt, lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội.
So với các hình thức tuyên truyền giáo dục khác thì loại hình tuyên truyền, giáo dục thông qua báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng có lợi thế là có đông đảo bạn đọc, khán thính giả ở trong nước và nước ngoài.
Báo chí có nhiều loại: Báo in, tạp chí, bản tin, báo nói, báo hình, báo điện tử. Trong mỗi loại hình đó lại có rất nhiều cách thể hiện như: Tin, bài, tọa đàm, diễn đàn, truyện ngắn, tiểu phẩm, phim truyền hình, phim tài liệu...
* Hiện nay tổ chức Công đoàn đang tập trung tuyên truyền hoạt động công đoàn rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt là các cơ quan truyền thông của tổ chức Công đoàn như:
- Báo Lao Động - Báo giấy và Báo Lao Động điện tử (laodong.vn);
- Tạp chí Lao động và Công đoàn;
- Trang Thông tin điện tử Tổng LĐLĐ Việt Nam (congdoan.vn)...
…………………….
* Đối với các cấp Công đoàn Hà Tĩnh đang tập trung tuyên truyền chủ yếu trên:
- Báo Lao động - Báo giấy và Báo Lao Động điện tử (laodong.vn);
- Báo Hà Tĩnh - Báo giấy và Báo Hà Tĩnh điện tử (hatinh.vn);
- Đài PT-TH Hà Tĩnh (hatinhtv.vn);
- Trang Thông tin điện tử Công đoàn Hà Tĩnh (congdoanhatinh.org.vn)...
- Trang Facebook Công đoàn Hà Tĩnh; nhóm Zalo Công đoàn Hà Tĩnh.
…………………….
Tổ chức công đoàn hiện nay đang chuyển hướng tuyên truyền bằng cách ứng dụng rộng rãi, kịp thời để tuyên truyền các hoạt động công đoàn thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber... Đây là phương tiện dễ ứng dụng, phù hợp với xu thế hiện nay dùng để thông tin, tuyên truyền nhanh chóng, rộng rãi, kịp thời các thông tin liên quan, các hoạt động công đoàn đến với đoàn viên, công nhân viên chức lao động.
3. Tuyên truyền thông qua tài liệu và công cụ trực quan khác
Đây là hình thức tuyên truyền, giáo dục được sử dụng thường xuyên tại cơ sở. Tài liệu tuyên truyền được thể hiện dưới nhiều dạng: Đề cương tuyên truyền, sổ tay, tài liệu bỏ túi, tờ gấp, panô, bảng tin, áp phích, đĩa CD, VCD... Thông qua các tài liệu tuyên truyền, công nhân, viên chức, lao động có thể tận dụng thời gian để tìm hiểu về các vấn đề cần tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi.
Việc biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền cho công nhân, viên chức, lao động cần phù hợp với trình độ, nhu cầu, quỹ thời gian của công nhân, viên chức, lao động.
Ví dụ: + Tờ gấp có thể dùng phát đại trà cho công nhân, viên chức, lao động trong quá trình tuyên truyền miệng.
+ Tài liệu bỏ túi có thể chuyển tới từng tổ, dây chuyền sản xuất để người lao động tranh thủ đọc những lúc rảnh rỗi.
+ Thiết bị CD/DVD... có thể dùng cho hệ thống loa truyền thanh nội bộ vào giờ nghỉ giữa ca, nghỉ ăn trưa hay trên xe đưa đón công nhân, lao động.
+ Pa-nô, khẩu hiệu, tranh cổ động, bảng tin là những phương tiện tuyên truyền mang tính trực quan sinh động, thông qua hình ảnh để công nhân, viên chức, lao động nắm bắt nội dung.
4. Tủ sách và phòng đọc
Đây là nơi lưu giữ, khai thác và sử dụng sách, báo, tài liệu để phục vụ nhu cầu công tác, nghiên cứu và tìm hiểu của công nhân, viên chức, lao động.
Nhiệm vụ của tủ sách, phòng đọc, thư viện là tập hợp, lưu giữ, phổ biến và quản lý tài liệu, sách, báo; giúp cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động tiếp cận, tìm hiểu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó vận dụng để giải quyết công việc của đơn vị, doanh nghiệp cũng như giúp công nhân, viên chức, lao động tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa, giải trí lành mạnh, góp phần xây dựng và nâng cao nhận thức, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, văn hóa xã hội cho công nhân, viên chức, lao động, góp phần xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh.
Hiện nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đang chỉ đạo các Công đoàn cơ sở xây dựng “Tủ sách pháp luật”, “Giỏ sách pháp luật” tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho CNVCLĐ tìm hiểu, nghiêm cứu pháp luật sau giờ làm việc.
5. Tuyên truyền, giáo dục thông qua các cuộc thi tìm hiểu
Các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, truyền thống quê hương, đất nước, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... là một trong những hình thức tuyên truyền giáo dục nhằm chuyển tải những nội dung cần tuyên truyền một cách trực quan, hiệu quả đến công nhân, viên chức, lao động.
Thi tìm hiểu có ưu thế là dễ dàng mở rộng được phạm vi đối tượng tuyên truyền (bao gồm cả người dự thi và người theo dõi cuộc thi); phát huy được tính tích cực, chủ động của đối tượng dự thi và giúp họ nhận thức sâu sắc hơn nội dung cần tìm hiểu, từ đó nâng cao nhận thức, kiến thức cho họ.
Thi tìm hiểu có thể sử dụng được nhiều loại phương tiện thông tin đại chúng, bằng nhiều hình thức khác nhau và do đó có thể tổ chức được ở nhiều nơi, nhiều lúc, với phạm vi, mức độ khác nhau tuỳ theo yêu cầu và tình hình đặc điểm cụ thể.
Thông qua các hình thức thi, những nội dung tuyên truyền được chuyển tải đến các đối tượng một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sinh động hơn, tránh được sự cứng nhắc, khô khan; làm cho đối tượng tiếp nhận các vấn đề tuyên truyền một cách thoải mái và hoàn toàn chủ động.
Thông qua thi tìm hiểu, các vấn đề tuyên truyền được truyền tải đến công nhân, viên chức, lao động một cách trực tiếp và gián tiếp (trực tiếp chính là những đối tượng tham gia dự thi phải tìm hiểu để làm bài, trả lời câu hỏi trên sân khấu; gián tiếp là tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của cuộc thi, thể lệ, câu hỏi thi trên các phương tiện thông tin đại chúng, v.v. qua đó các vấn đề tuyên truyền được tuyên truyền đến công nhân, viên chức, lao động và người dân).
Một số hình thức phổ biến hiện nay: Thi nói (thông qua các hình thức cụ thể như thi vấn đáp, sân khấu…); thi viết; thi trắc nghiệm; thi trên mạng internet...
6. Tuyên truyền, giáo dục qua các hoạt động xây dựng đời sống văn hoá cơ sở
Lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các hoạt động văn hoá truyền thống sẽ mềm mại, không khô cứng, dễ hiểu, dễ nhớ, có độ thẩm thấu cao. Bên cạnh đó sinh hoạt văn hoá cộng đồng sẽ thu hút được đông đảo các đối tượng tham gia.
Các hoạt động xây dựng đời sống văn hoá cơ sở có thể lồng ghép tuyên truyền, giáo đục như: Sinh hoạt văn hoá văn nghệ, hái hoa dân chủ, sinh hoạt nhà văn hoá, câu lạc bộ công nhân, xây dựng tủ sách, túi sách, giỏ sách chính trị, xã hội, pháp luật cho người lao động tại khu nhà trọ công nhân.
Hiện nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đang chỉ đạo các Công đoàn cơ sở thành lập và duy trì hoạt động các câu lạc bộ: Không sinh con thứ 3; Khiêu vũ; Làm kinh tế giỏi; Người mẹ thứ hai trong trường học; Nữ lãnh đạo quản lý;
7. Tuyên truyền, giáo dục qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở
Đây là phương thức truyền tải những vấn đề tuyên truyền liên quan thiết thực đến đời sống hàng ngày của người lao động, đoàn viên công đoàn ở cơ sở; những sự việc, con người được phản ánh trong thực tiễn thi hành pháp luật là những sự việc, con người có thật tại địa phương, đơn vị, doanh nghiệp; những băn khoăn, thắc mắc của người lao động, đoàn viên công đoàn ở cơ sở về chính sách, pháp luật sẽ được giải đáp kịp thời.
Ưu điểm của hình thức này là hoàn toàn chủ động về thời gian và lựa chọn nội dung, thu hút đông đảo người nghe, có thể thực hiện phát thanh được nhiều lần, tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí.
IV. MỘT SỐ CHỦ ĐỀ, CHỦ ĐIỂM TẬP TRUNG TUYÊN TRUYỀN
Chủ động và phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí viết tin, bài, xây dựng phóng sự, chuyên trang tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội các đợt cao điểm tổ chức phong trào thi đua và hoạt động công đoàn:
1. Tuyên truyền phong trào thi đua
- Kế hoạch tổ chức các phong trào thi đua;
- Tuyên truyền kết quả thực hiện các phong trào thi đua;
- Tuyên truyền gương tập thể, cá nhân điển hình trong các phong trào thi đua;
- Tuyên truyền nhân rộng điển hình các phong trào thi đua;
2. “Tết Sum vầy”: Từ tháng 01 đến tháng 02 hàng năm
- Kế hoạch tổ chức “Tết Sum vầy” hàng năm;
- Tuyên truyền kết quả thực hiện “Tết Sum vầy”: Công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, CNVCLĐ; Hỗ trợ, thăm hỏi tặng quà, trao nhà “Mái ấm Công đoàn”; Hỗ trợ vé xe Tết; Kết quả thành lập CĐCS và phát triển đoàn viên; Chương trình Vui Tết - Đón Xuân cùng CNVCLĐ trực Tết...
- Tuyên truyền biểu dương các tập thể điển hình trong tổ chức “Tết Sum vầy” hàng năm.
3. Tháng Công nhân: Tháng 5 hàng năm
- Kế hoạch tổ chức “Tháng Công nhân” hàng năm;
- Tuyên truyền kết quả thực hiện “Tháng Công nhân”: Công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, CNVCLĐ; Hỗ trợ, thăm hỏi tặng quà, trao nhà “Mái ấm Công đoàn”; Kết quả thành lập CĐCS và phát triển đoàn viên; Khám sức khỏe định kỳ; Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động; Tổ chức các hoạt động “Cảm ơn người lao động”; Tổ chức diễn đàn “Nghe công nhân nói - nói để công nhân nghe”; Tổ chức đối thoại; Phối hợp tổ chức bình chọn, tôn vinh “Công nhân lao động tiêu biểu” được khen thưởng trong dịp “Tháng Công nhân”...
- Tuyên truyền biểu dương các tập thể điển hình trong tổ chức “Tháng Công nhân” hàng năm.
4. Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7): Tháng 7 hàng năm
- Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7);
- Tuyên truyền kết quả tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7): Công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, CNVCLĐ; Hỗ trợ, thăm hỏi tặng quà, trao nhà “Mái ấm Công đoàn”; Kết quả thành lập CĐCS và phát triển đoàn viên; Gắn biển các công trình chào mừng; Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao;...
- Tuyên truyền các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn các cấp.
5. Các ngày lễ kỷ niệm của quê hương, đất nước
- Tuyên truyền ý nghĩa lịch sử các ngày lễ kỷ niệm của quê hương, đất nước;
- Tuyên truyền kết quả tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân các ngày lễ kỷ niệm của quê hương, đất nước.
Trên đây là những nội dung cơ bản của công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, công nhân viên chức lao động của tổ chức Công đoàn. Để thực hiện được các nội dung trên cán bộ công đoàn trong quá trình thực hiện nhiêm vụ tuyên truyền phải am hiểu tổ chức, nắm bắt nhu cầu tiếp nhận thông tin của đối tượng cụ thể, chuẩn bị nội dung tuyên truyền chu đáo, chuẩn bị tốt các điều kiện hỗ trợ... lúc đó thực hiện công tác tuyên truyền mới đạt hiệu quả cao.
[1] Khi xem xét công tác tư tưởng như một quá trình liên tục, V.I. Lênin khẳng định công tác tư tưởng có ba hình thái: công tác lý luận, công tác tuyên truyền và công tác cổ động. Ba hình thái đó tương ứng với các quá trình tư tưởng gồm: sản xuất ra hệ tư tưởng; phổ biến, truyền bá hệ tư tưởng; cổ vũ, động viên quần chúng thực hiện. Công tác tuyên truyền là hoạt động tiếp nối công tác lý luận, nhằm phổ biến, truyền bá các nguyên lý lý luận, đường lối, chủ trương, chính sách vào quần chúng. Mục đích cao nhất của tuyên truyền là làm cho hệ tư tưởng chiếm địa vị thống trị trong xã hội.
[2]. - Chức năng chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;
- Chức năng tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, DN về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động;
- Chức năng tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (Điều 10 - Hiến pháp năm 2013).
Hôm nay : 3472
Tháng này : 51502