Tháng đầu tiên của năm mới đánh dấu nhiều chính sách mới chính thức có hiệu lực, Trong đó có nhiều chính sách đáng chú ý về Tăng tuổi nghỉ hưu, tăng lương hưu, người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
1. Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động
Thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo Bộ luật Lao động 2019, năm 2022, tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ tiếp tục được điều chỉnh tăng.
Cụ thể, năm 2022, lao động nam được nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi 06 tháng, tăng 03 tháng so với tuổi nghỉ hưu quy định của năm 2021, lao động nữ được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi 08 tháng, tăng 04 tháng so với năm 2021.
Trong trường hợp sức khỏe suy giảm hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn từ 05 - 10 tuổi so với độ tuổi quy định nêu trên.
Độ tuổi nghỉ hưu của người lao động năm 2022
2. Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Kể từ ngày 01/01/2022, khi Nghị định 108/2021/NĐ-CP có hiệu lực, những người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng chính thức được tăng mức lương hưu và mức trợ cấp.
Theo đó, mức tăng sẽ là 7,4% so với mức lương hưu, mức trợ cấp bảo hiểm xã hội của tháng 12/2021.
Ngoài ra, sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức tăng nêu trên, mà mức lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng vẫn thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng, người nghỉ hưu trước năm 1995 còn được tăng thêm với mức như sau:
- Tăng 200.000 đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống.
- Tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.
3. Được đơn phương nghỉ việc nếu bị quấy rối tình dục ở nước ngoài
Từ ngày 01/01/2022, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính thức có hiệu lực.
Luật mới có nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là quy định cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
(Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định người đi xuất khẩu lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước đến làm việc, nếu hai nước đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Đáng chú ý, Luật nghiêm cấm việc thu tiền môi giới đi xuất khẩu lao động của người lao động.
4. Lao động nước ngoài được hưởng BHXH 1 lần khi nghỉ việc
Theo Nghị định 143/2018/NĐ-CP, chế độ BHXH 1 lần của người lao động nước ngoài sẽ được áp dụng từ ngày 01/01/2022. Căn cứ khoản 6 Điều 9 Nghị định này, người lao động nước ngoài tham gia BHXH sẽ được lấy BHXH 1 lần khi có yêu cầu nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
1 - Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
2 - Đang mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
3 - Đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng không tiếp tục cư trú tại Việt Nam.
4 - Bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không được gia hạn.
Hôm nay : 2169
Tháng này : 46018