Sáng 28.7, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.1929 – 28.7.2019) với chủ đề “Vinh quang giai cấp Công nhân và Công đoàn Việt Nam”. Sự kiện diễn ra trong không khí thi đua sôi nổi của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước đang tích cực lập thành tích, tiếp tục viết nên một hành trình vẻ vang của Công đoàn Việt Nam.
Cách đây 90 năm, ngày 28.7.1929, tại ngôi nhà số 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng, Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ chính thức được thành lập, do lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu.
Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt lớn của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn cách mạng Việt Nam, khẳng định sự lớn mạnh của phong trào công nhân Việt Nam, là kết quả tất yếu của phong trào công vận đúng đắn và sự truyền bá lý luận công đoàn cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Người đặt nền móng lý luận, tư tưởng và tổ chức cho Công đoàn Việt Nam.
Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, luôn đồng hành với sự phát triển đất nước qua các thời kỳ; đã, đang và sẽ tiếp tục có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hôm nay, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam với chủ đề “Vinh quang giai cấp Công nhân và Công đoàn Việt Nam”. Buổi lễ sẽ khái quát về lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam 90 năm qua.
Báo Lao Động tường thuật trực tiếp sự kiện này:
9h00: Chương trình nghệ thuật “Vinh quang giai cấp Công nhân và Công đoàn Việt Nam”
Chương trình nghệ thuật “Vinh quang giai cấp Công nhân và Công đoàn Việt Nam”. Ảnh: Sơn Tùng
Mở đầu lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam là chương trình nghệ thuật “Vinh quang giai cấp Công nhân và Công đoàn Việt Nam”. Chương trình được dàn dựng công phu, với 3 chương “Hành trình đỏ”, “Giai cấp Công nhân và Công đoàn Việt Nam đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Công đoàn Việt Nam – niềm tin của người lao động”, tái hiện lại những trang sử đầy hào hùng của đất nước, những dấu mốc quan trọng, chặng đường đầy tự hào của Công đoàn Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật tái hiện lại 90 năm hình thành và phát triển của Công đoàn Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn
Các ca khúc”Dậy mà đi”, “Người là Bác Tôn”, “Công Nhân Việt Nam”, “Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh”, “Kể chuyện người Cộng sản”, “Lời anh vọng mãi ngàn năm” đã “vẽ” nên phần nào về “Hành trình đỏ”, hành trình của máu, nước mắt, khát vọng hòa bình, ấm no hạnh phúc. Các tiết mục văn nghệ khiến đại biểu có mặt tại khán phòng Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô rưng rưng xúc động.
Tái hiện lại chặng đường 90 năm Công đoàn Việt Nam - “Hành trình đỏ”, hành trình của máu, nước mắt, khát vọng hòa bình, ấm no hạnh phúc. Ảnh: Hải Nguyễn
Ngày 28.7.1929, Tổng công hội đỏ Bắc kỳ được thành lập. Giữa đêm trường tăm tối, ngọn đuốc cách mạng đã bừng sáng để chỉ lối, soi đường cho giai cấp công nhân, lực lượng nòng cốt trong việc giành chính quyền, cùng cả dân tộc vùng lên lật đổ ách đô hộ của thực dân, phong kiến, làm nên cuộc cách mạng tháng tám vĩ đại giành tự do, độc lập.
Trải qua các chặng đường cách mạng, công nhân lao động và Công đoàn Việt Nam với lòng yêu nước nồng nàn, luôn phát huy vai trò là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Ðảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ảnh: Hải Nguyễn
Các ca khúc "Đi lên trong ánh bình minh", "Tiếng gọi Sông Đà", "Bài ca Xây dựng", "Đường tàu mùa xuân", "Hát về cây lúa hôm nay", "Hành khúc Công nhân Việt Nam"... tái hiện lên hành trình “Giai cấp Công nhân và Công đoàn Việt Nam đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Phần kết của Chương trình nghệ thuật “Vinh quang giai cấp Công nhân và Công đoàn Việt Nam” khẳng định mạnh mẽ “Công đoàn Việt Nam – niềm tin của người lao động”.
Các ca khúc "Niềm tin ngày mới", "Tuổi xuân dâng Đảng", "Công Đoàn ca", "Việt Nam ngày mới" đã khép lại chương trình nghệ thuật chào mừng 90 năm Công đoàn Việt Nam một cách đầy ấn tượng.
Chương trình được thực hiện với Kịch bản: Lê Doãn Tâm; Biên tập âm nhạc và Tổng đạo diễn: Trịnh Xuân Hảo; Hòa âm,phối khí: Tôn Tẫn-Xuân Hảo; Biên đạo múa: Lê Quỳnh Trang, Nguyễn Bích Ngọc; Viết lời bình và phụ trách hình ảnh: Biên kịch Doãn Tâm; Thể hiện lời bình: Hoài Anh, Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức.
Với sự tham gia của các ca sĩ: Nghệ sĩ ưu tú Quốc Hưng, Nghệ sĩ ưu tú Đăng Dương, các ca sĩ Lan Anh, Tân Nhàn, Dương Hoàng Yến, Trọng Tấn, Ngọc Ký, Thu Thủy, Đỗ Tố Hoa, Tuấn Anh và các nghệ sĩ.
8h00: Ngay từ sáng sớm 28.7, hàng nghìn đại biểu, cán bộ, đoàn viên công đoàn khắp mọi miền Tổ quốc đã có mặt tại Cung văn Hữu nghị Việt-Xô đón chờ buổi lễ.
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, bà La Thị Thanh Hiền - đại biểu Công đoàn Công Thương Việt Nam - hào hứng: “Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự khi được tham dự Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Trong không khí vui tươi, tôi thấy một phần trách nhiệm của bản thân trong việc phát triển công đoàn cơ sở nói riêng và công đoàn nói chung. 90 năm là một chặng đường dài và đáng tự hào. Hy vọng trong thời gian tới, công đoàn sẽ ngày càng phát triển, có một sự đổi mới lột xác, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mình. Chúc công đoàn ngày càng phát triển lớn mạnh, đặc biệt trong tiến trình hội nhập quốc tế".
Sự kiện được tường thuật trực tiếp từ 9h sáng 28.7 trên sóng VTV1- Đài truyền hình Việt Nam.
Hôm nay : 5665
Tháng này : 47520