Dịch bệnh COVID-19 đã thực sự trở thành “phép thử” đối với tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm công dân. Những khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch đang ngấm ngày càng sâu vào từng người lao động và từng doanh nghiệp. Do đó, quyết định của Đảng, Nhà nước tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh mới thực sự là một quyết sách rất kịp thời và hợp lòng dân.
Covid-19 đã tấn công vào thành trì rất quan trọng
Phát biểu trước Quốc hội sáng 25/7, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, các chính sách xã hội, an sinh xã hội của chúng ta được triển khai tương đối đồng bộ và có hiệu quả. Nhìn chung đời sống nhân dân, an sinh xã hội được đảm bảo.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2021, nhất là đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư từ ngày 27/4 đến nay, diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng mạnh, tạo áp lực lớn đến phát triển kinh tế và đời sống xã hội.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tỷ lệ thất nghiệp cả nước hiện là 2,52%, trong đó khu vực dịch vụ ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Một số ngành đã suy giảm năm 2020, nay tiếp tục suy giảm sâu hơn như khu vực lữ hành giảm sâu 54,8%, doanh nghiệp dịch vụ, lưu trú giảm tiếp 2,7%, khu vực vận tải giảm 0,7%. Có 70.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Đặc biệt, dịch bệnh đã tấn công vào thành trì rất quan trọng, đó là khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp sử dụng lực lượng lớn lao động, nơi có đóng góp nhiều cho kinh tế, thu ngân sách, nơi chiếm tỷ lệ lớn lực lượng lao động( xấp xỉ 4 triệu người); như Thành phố Hồ Chí Minh 1,6 triệu người, Bình Dương 1,2 triệu người, Đồng Nai 1,2 triệu người và một số địa phương như Long An, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội có tỷ lệ lớn lực lượng lao động trực tiếp.
Một số khu công nghiệp, doanh nghiệp tạm thời phải dừng hoạt động, như Bắc Giang phải đóng cửa 4 khu công nghiệp với 322 doanh nghiệp, 150.000 người lao động tạm ngừng việc, Bắc Ninh 42.000 lao động.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc và nhiều địa phương đã phải phong tỏa, giãn cách toàn bộ hoặc từng khu vực, phải đóng cửa hầu hết các dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm của hàng chục triệu lao động.
Xúc động trước những hình ảnh nơi tuyến đầu chống dịch
Bài học kinh nghiệm quý giá trong 6 tháng đầu năm 2021 khi cả nước thực hiện chống chọi với dịch bệnh COVID-19 được nhiều đại biểu nhấn mạnh là bài học “huy động sức dân”. Thực tế, trong suốt thời gian chống dịch, nhiều hoạt động kinh tế bị chậm lại, nhưng phong trào tương thân tương ái, đóng góp cho phòng, chống dịch thì lại nở rộ khắp nơi trên khắp cả nước.
Những câu chuyện về tấm lòng thơm thảo nghĩa cử cao đẹp trong chống dịch không thể kể hết được và không chỉ có các cá nhân, doanh nghiệp mà cả các cụ già, em nhỏ và những người lao động vốn mưu sinh còn nhiều khó khăn cũng đều chung tay đỡ đần. Đặc biệt, quỹ vaccine quốc gia càng cho thấy tấm lòng của người dân, doanh nghiệp. Không chỉ là chung tay đóng góp về vật chất mà còn là sự đồng lòng của người dân trong việc chấp hành “5K” suốt hơn một năm qua.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, bà rất xúc động trước sự chấp nhận gian khổ hy sinh của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, sự sẻ chia giữa các địa phương. Hình ảnh những “chiến sĩ áo xanh” ngày đêm bám chốt canh gác nghiêm ngặt từ biên cương để chặn nguồn lây và tận tụy chăm lo cho bà con trong khu cách ly càng thấy được sự hy sinh thầm lặng của bộ đội ta. Công an các cấp cũng đã siết chặt quản lý địa bàn để bảo đảm nghiêm yêu cầu chống dịch. Lực lượng y tế chưa bao giờ được đặt vào tình thế khẩn cấp như hiện nay. Hàng chục nghìn nhân viên y tế đã và đang gồng mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít, dưới cái nắng như thiêu đốt ngày hè, với những bữa cơm ăn vội diễn ra suốt thời gian chống dịch. Có người ngủ gục bên hộp cơm ăn dở...
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, sự sẻ chia chi viện kịp thời giữa các địa phương đã giúp những tỉnh có dịch bước đi nhiều phần khó khăn. Đặc biệt, chúng ta đã có được một ban chỉ đạo quốc gia rất giỏi và giàu kinh nghiệm. Đây là những yếu tố “tạo thành lá chắn vững chắc cho người dân”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho biết: Trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, đã có nhiều ngôi chùa trở thành nơi nương tựa, giãn cách xã hội giúp những gia đình, phật tử có hoàn cảnh khó khăn chọn là điểm cách ly. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ trong cuộc chiến phòng chống COVID-19, đóng góp vào Quỹ phòng chống COVID-19 hàng tỷ đồng. Nhiều tăng ni, đại đức, tu sĩ đã cởi áo cà sa, khoác áo blue chung tay phòng chống dịch bệnh...
“Trong giai đoạn và bối cảnh này rất cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động đảm bảo kịp thời. Khi con người là trung tâm sẽ tạo được xung lực tích cực mới để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.
Quan tâm hỗ trợ tới người dân, doanh nghiệp
Thực hiện mục tiêu kép với phương châm đề cao tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các địa phương, với mục tiêu hàng đầu là chăm lo bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh và lao động, các cơ sở công nghiệp đã và đang chấp nhận hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân. Các doanh nghiệp, khu công nghiệp, chế xuất và người lao động đã và đang vượt qua nhiều khó khăn, chấp nhận “ba tại chỗ”: Sản xuất tại chỗ, ăn ở tại chỗ, cách ly tại chỗ… để đảm bảo sản xuất và kinh doanh cũng như sức khỏe và an toàn tính mạng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu bên lề phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong điều kiện khó khăn đó, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo, ban hành rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho người lao động, cho doanh nghiệp và người sử dụng lao động như giảm giá điện, nước, gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, giảm một số khoản phí, lệ phí hỗ trợ khẩn cấp người dân, người lao động và chủ sử dụng lao động. Đến nay, theo Báo cáo và giám sát của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, chúng ta đã hỗ trợ 168,8 nghìn tỷ đồng cho các lực lượng trên.
Riêng Nghị quyết 42, với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng triển khai năm 2020, trong thời điểm chưa có tiền lệ, triển khai trong thời gian gấp, tuy chưa được như mong muốn, nhưng qua ngân sách nhà nước và các chính sách, chúng ta đã hỗ trợ xấp xỉ 39.000 tỷ đồng cho 14,4 triệu người thụ hưởng, trong đó, riêng ngân sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp 13.000 tỷ đồng.
Vấn đề này Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổng kết nghị quyết và đề xuất ra các chủ trương, chính sách tiếp theo. Riêng đợt dịch lần thứ tư, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các ngành chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền và Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Qua triển khai, đến nay, đúng 15 ngày cho thấy, việc ban hành 12 chính sách trong Nghị quyết 68 và Quyết định 23 là kịp thời, đúng và trúng đối tượng. Nhìn chung thông thoáng về hồ sơ, về thủ tục, rút ngắn về thời gian, giảm 2/3 thủ tục và rút ngắn 2/3 thời gian so với gói Nghị quyết 42.
“Chúng ta có những chính sách, thậm chí có những chính sách hỗ trợ không cần yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động cung cấp hồ sơ, mà căn cứu vào cơ sở dữ liệu chúng ta đã có. Do vậy, qua 15 ngày triển khai, đến nay, 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch, chủ trương và đang triển khai Nghị quyết, nhiều địa phương đạt kết quả cao. Đến ngày 24/7, kết quả cụ thể: Nhóm chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp đã hoàn thành rà soát, hỗ trợ cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động với kinh phí là 4.300 tỷ đồng, hỗ trợ cho 11 triệu người lao động được thụ hưởng. Chúng ta đã kết thúc chính sách thứ nhất”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Nhà nước cũng đã hỗ trợ kịp thời tiền ăn cho tất cả những người điều trị F0 và cách ly F1. Có 52.081 người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương tại năm 5.922 doanh nghiệp đã được hưởng chính sách. 5.500 hộ sản xuất kinh doanh được nhận tiền hỗ trợ. Ngân hàng Nhà nước đã triển khai tái cấp vốn. Qua một tuần triển khai, đã có 62 người sử dụng lao động đăng ký và giải ngân 50,4 tỷ đồng, hỗ trợ cho 13.577 lao động (gấp 10 lần gói 62.000 tỷ đồng).
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc triển khai Nghị quyết 135 Quốc hội khóa XIV, về hỗ trợ Tổng công ty Hàng không. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã ký với Tổng công ty Hàng không 4.000 tỷ đồng và đến hôm nay ngân hàng đã tái cấp vốn 2.000 tỷ đồng và đã giải ngân được 600 tỷ đồng theo yêu cầu, sang tuần sau sẽ giải ngân nốt phần còn lại. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), đây là đối tượng bị ảnh hưởng sớm nhất, sâu nhất, nhưng cũng khó triển khai nhất. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ vừa qua đặc biệt quan tâm chỉ đạo.
"Chúng ta đã đề cao tính linh hoạt, sáng tạo và phân quyền mạnh cho các địa phương xem xét, quyết định vấn đề này. Đến nay, chính sách này được triển khai nhanh, có hiệu quả, nhất là các địa phương phải giãn cách xã hội. Tất cả lực lượng lao động bán vé số dạo từ Đà Nẵng đến Cà Mau với hàng trăm nghìn người đã được các địa phương xem xét, đã và đang triển khai hỗ trợ. Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương đã ban hành và thường xuyên cập nhật, bổ sung đối tượng lao động tự do để được hưởng chính sách”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Thời gian tới, Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu tổng kết toàn diện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 để điều chỉnh, bổ sung các chính sách mới cho kịp thời.
“Với phương châm càng khó khăn, càng phải quan tâm an sinh phúc lợi, chính sách xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách với người có công với cách mạng, nhất là các chính sách trợ cấp, phụ cấp theo Nghị định 75 mà Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, triển khai Quyết định 1142 của Chủ tịch nước về trao quà tới 1,5 triệu người có công nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ. Đồng thời, cũng tập trung huy động nguồn lực xã hội để chăm lo tốt hơn đời sống người có công với cách mạng.
Hôm nay : 606
Tháng này : 42452