Ngày 05/02, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Luật Công đoàn 2024 và Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Hội nghị được tổ chức ở cấp toàn quốc, hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với gần 90 điểm cầu. Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu chính có đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các đồng chí Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện các bộ, ngành liên quan; cán bộ chuyên trách Tổng LĐLĐ Việt Nam và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc; các công đoàn ngành Trung ương, công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh
Tại điểm cầu LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh có đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ tỉnh, cán bộ công đoàn chuyên trách toàn hệ thống, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh, Ban Giám đốc Công ty TNHH Khách sạn Công đoàn Hà Tĩnh.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn (Báo Lao động)
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh năm 2024 là thời điểm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của Công đoàn Việt Nam trong tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật, xây dựng và tham gia xây dựng các dự án Luật quan trọng trong lĩnh vực lao động, an sinh xã hội như: Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Việc làm, đặc biệt là Luật Công đoàn (sửa đổi) do Tổng LĐLĐVN là cơ quan đề nghị và chủ trì soạn thảo. Luật Công đoàn 2024 và Luật Bảo hiểm xã hội 2024 là 2 đạo luật quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn đã tạo hành trang pháp lý quan trọng để cán bộ công đoàn, tổ chức công đoàn các cấp thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Tại Hội nghị, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp trong công tác xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi).
Các đại biểu tại điểm cầu LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh lắng nghe nội dung quán triệt, triển khai Luật Công đoàn 2024
Hội nghị đã nghe đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam quán triệt, triển khai các nội dung của Luật Công đoàn 2024. Theo đó, Luật Công đoàn được sửa đổi, bổ sung đúng thời điểm, nhằm thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp, hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn. Luật Công đoàn 2024 có 12 nội dung, chính sách mới quan trọng bao gồm: (1) Mở rộng quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn cho "người làm việc không có quan hệ lao động", (2) Mở rộng quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài, (3) Bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, (4) Bổ sung nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam và làm rõ hơn nguyên tắc, nội dung hợp tác quốc tế, (5) Quy định cụ thể hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam, (6) Bổ sung và quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, (7) Quy định cụ thể hơn quyền, trách nhiệm đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động, (8) Bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của tổ chức Công đoàn, (9) Bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn, (10) Bảo đảm cho cán bộ công đoàn, (11) Bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn, (12) Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.
Hội nghị cũng được nghe đồng chí Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày những nội dung cơ bản, điểm mới quan trọng liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn của Luật Bảo hiểm Xã hội 2024 như: bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhằm gia tăng quyền lợi cho người lao động; bổ sung chế độ hưởng BHXH bắt buộc với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng xuống còn 15 năm; bổ sung các quy định theo hướng gia tăng quyền lợi, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần; bổ sung quy định tính lương hưu đối với người lao động Việt Nam tham gia BHXH ở nước ngoài; gia tăng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, quy định về các điều kiện thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật và Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt nam đã triển khai Kế hoạch thực hiện Luật Công đoàn 2024 và Luật Bảo hiểm xã hội 2024 trong tổ chức Công đoàn.
Hội nghị quán triệt, triển khai 2 luật liên quan đến người lao động lần này nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ công đoàn về nội dung Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2024; thể hiện vai trò, trách nhiệm của Tổng Liên đoàn trong việc triển khai thi hành Luật, bảo đảm các quy định của Luật được triển khai kịp thời, hiệu quả trên thực tế.
Hôm nay : 8031
Tháng này : 38057