Sáng 1/12, tại ngày làm việc thứ nhất của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, ông Huỳnh Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Điều lệ Công đoàn Việt Nam được Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII thông qua ngày 24/9/2018, gồm 11 chương và 35 điều. Điều lệ đã xác định những vấn đề cơ bản về tính chất, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Những quy định của Điều lệ đã cơ bản phù hợp, tạo điều kiện để các cấp Công đoàn tổ chức thực hiện và đạt nhiều kết quả trong nhiệm kỳ qua.
Tuy nhiên, trước sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng của đất nước, các quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần phải khắc phục, điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu phát triển phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn.
Ông Huỳnh Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam. |
Mặt khác, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” với nhiều nội dung định hướng chiến lược cần được cụ thể hóa thành các quy định trong hoạt động công đoàn.
Đồng thời, Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định hành lang pháp lý để tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thành lập và hoạt động độc lập với hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam, đòi hỏi Điều lệ Công đoàn Việt Nam cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời để phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.
Sau khi có kế hoạch tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thành lập Tiểu ban sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam, ban hành kế hoạch nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam; chỉ đạo các cấp Công đoàn đánh giá tổng kết thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; xây dựng báo cáo kết quả thi hành Điều lệ và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ trình tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 11 (khóa XII).
Ông Huỳnh Thanh Xuân cho biết, Dự thảo Điều lệ đã nhận được hơn 1 triệu lượt ý kiến tham gia, Thường trực Đoàn Chủ tịch đã thảo luận cho ý kiến tại 5 hội nghị chuyên đề, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho ý kiến tại 8 kỳ họp, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam thảo luận và cho ý kiến trong 5 kỳ họp liên tiếp, trước khi hoàn chỉnh trình tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII.
Về những vấn đề sửa đổi, bổ sung điều lệ, Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XIII gồm 11 chương và 45 điều, tăng 10 điều so với Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII. Các điều mới, nội dung mới được bổ sung vào Điều lệ lần này đã được cụ thể hóa từ các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; những nội dung sửa đổi cơ bản đã khắc phục được các hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Điều lệ, đồng thời có những nội dung mới đáp ứng yêu cầu phát triển phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn.
Đại biểu tham dự Đại hội. |
Dự thảo Điều lệ có 22 điều có nội dung sửa đổi và 16 điều có nội dung bổ sung. Trong đó, đã gộp các nội dung tại Điều 15 Điều lệ hiện hành và Mục 13 Hướng dẫn thi hành Điều lệ để biên tập lại và bổ sung thành Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22; gộp các nội dung tại Điều 17 và Điều 18 Điều lệ hiện hành và Mục 14, Mục 15 Hướng dẫn thi hành Điều lệ để biên tập lại và bổ sung thành Điều 24, Điều 25, Điều 26, Điều 27, Điều 28; bổ sung 3 điều mới (Điều 6, Điều 8, Điều 18); tách Điều 13 Điều lệ hiện hành thành 2 điều (Điều 15, Điều 16)….
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân báo cáo, Dự thảo Điều lệ bổ sung nhiệm vụ đối với Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành quy định khung về nguyên tắc, nội dung, phương thức hoạt động, mối quan hệ công tác giữa Công đoàn ngành Trung ương và tương đương với LĐLĐ cấp tỉnh trong chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn hoạt động công đoàn theo ngành nghề trên địa bàn tỉnh, thành phố, để tạo sự thống nhất, đồng bộ (tại Khoản 6, Điều 33).
Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) kỳ này được Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu công phu, bài bản, lấy ý kiến rộng khắp, được cán bộ, đoàn viên cả nước thảo luận dân chủ, tập trung, sôi nổi từ Đại hội Công đoàn cấp cơ sở trở lên, được nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các ban, bộ, ngành trung ương, các học viện, viện nghiên cứu lý luận trung ương, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam qua các thời kỳ nghiên cứu đóng góp nhiều ý kiến làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung của Điều lệ, những ý kiến tham gia chất lượng, sâu sắc, có cơ sở lý luận, khoa học, pháp lý và cơ sở thực tiễn đã được nghiên cứu, tiếp thu và biên tập thành bản Điều lệ trình tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
“Điều lệ Công đoàn Việt Nam khi được Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII thông qua là cơ sở quan trọng để tiếp tục xây dựng, phát triển tổ chức Công đoàn lớn mạnh cả về tư tưởng và tổ chức, tạo nên bước ngoặt trong tình hình mới, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đoàn viên Công đoàn cả nước”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân báo cáo.
Hôm nay : 1176
Tháng này : 56700