Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn, đội ngũ công nhân, người lao động tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong sáng tạo, đổi mới, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, hướng đến mục tiêu xây dựng nền công nghiệp hiện đại trong tương lai gần.
Thủ tướng Chính phủ chủ trì chương trình gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022 Ảnh: Như Ý/Tiền Phong.
Sáng nay (12/6) tại tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì chương trình gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương tham gia đối thoại cùng Thủ tướng.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Văn Danh cùng đại diện các doanh nghiệp và công nhân, người lao động tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã không ngừng quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động. Nhiều địa phương đã triển khi chính sách, cơ chế hỗ trợ cho công nhân, người lao động như: nhà ở cho công nhân, mái ấm công đoàn; người sử dụng lao động đã quan tâm đến đời sống người lao động như: tăng lương, hỗ trợ tiền ăn ca, tổ chức khám, chữa bệnh định kỳ, xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao cho công nhân lao động vui chơi, giải trí…
Công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà - HTX Mây Tre Lá Ba Nhất, TP. Hồ Chí Minh: Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân khi mới 40 - 45 tuổi. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi các quy định pháp luật để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Ảnh chụp màn hình trực tuyến.
Các cuộc đối thoại giữa công nhân, người lao động và người sử dụng lao động được quan tâm và tổ chức thường xuyên. Các cuộc đối thoại đã tạo ra sự thấu hiểu, chia sẻ giữa người lao động và người sử dụng lao động, từ đó có các chính sách, giải pháp để đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa 2 bên.
Chị Trần Thị Toan, cán bộ Công đoàn cơ sở Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam (tỉnh Bình Phước): Đề nghị Chính phủ có chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động, để công nhân không phải đi vay nặng lãi hoặc hỗ trợ vốn cho Quỹ CEP một mô hình của Công đoàn. Ảnh chụp màn hình trực tuyến.
Tại cuộc đối thoại, công nhân, người lao động đã trao đổi với Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành những băn khoăn liên quan đến những bất cập trong Luật Bảo hiểm xã hội; chế độ, chính sách cho công nhân lao động bị nhiễm COVID-19; chính sách trợ cấp đối với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu tổng hợp kiến nghị của công nhân lao động gửi tới Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các ý kiến cũng đề cập đến nội dung về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động; công tác quy hoạch, xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động; tình trạng vi phạm pháp luật của chủ doanh nghiệp như: nợ lượng, chậm đóng BHXH, vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, thời giờ làm việc…
Nhiều ý kiến cũng mong muốn Chính phủ sớm quy hoạch phát triển bệnh viện tại các khu công nghiệp, tổ chức cơ sở khám chữa bệnh trong các khu công nghiệp; các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động; chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các biện pháp đảm bảo ANTT, TTATXH tại nơi làm việc, nơi ở, nhất là tại các khu công nghiệp, khu nhà trọ tập trung đông công nhân lao động…
Chuẩn bị chương trình gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022, Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai lấy ý kiến các đoàn viên, công nhân viên, người lao động để tập hợp kiến nghị lên Tổng LĐLĐ Việt Nam, Đảng, Chính phủ bằng văn bản với các nội dung như: rà soát, hoàn thiện chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, BHXH; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách về việc làm, an toàn vệ sinh lao động; hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở cho công nhân lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách hỗ trợ chế độ phụ cấp đối với lao động hợp đồng làm nhiệm vụ nuôi dưỡng các cháu trong trường mầm non; quan tâm xây dựng, thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, nhất là khu vực ngoài nhà nước...
Thủ tướng Chính phủ tiếp thu, trao đổi một số nội dung liên quan đến những câu hỏi mà công nhân, người lao động phản ánh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp trả lời các câu hỏi, đồng thời chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, BHXH Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ GD&ĐT… làm rõ thêm các nội dung liên quan đến các kiến nghị, những tâm tư, nguyện vọng của công nhân, người lao động phản ánh tại buổi đối thoại.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao Tổng LĐLĐ Việt Nam, tỉnh Bắc Giang và các bộ, ngành đã tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại đầy ý nghĩa. Các ý kiến của công nhân, người lao động là hết sức xác đang, đúng, trúng và cần được xem xét, giải quyết. Trên cơ sở các ý kiến của công nhân, người lao động, Chính phủ sẽ tập trung rà soát lại các cơ chế, chính sách để có thay thế, sửa đổi phù hợp với thực tiễn.
Đông đảo công nhân, người lao động Hà Tĩnh lắng nghe Thủ tướng giải đáp các vấn đề liên quan đến công nhân.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn đội ngũ công nhân, người lao động tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong sáng tạo, đổi mới, phản ánh kịp thời các bất cập, vướng mắc để các ngành, các cấp nắm bắt, xem xét giải quyết kịp thời, qua đó, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, hướng đến mục tiêu phát triển nền công nghiệp hiện đại trong tương lai gần.
Đối với các bộ, ngành và địa phương, cần phải nhìn nhận, rút kinh nghiệm, khắc phục những mặt chưa được, phát huy những thành quả đã đạt được để tiếp tục đoàn kết, tập hợp và phát huy vai trò, sức mạnh của công nhân, người lao động trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Tại buổi gặp gỡ, đối thoại, Ban Tổ chức đã trao 25 suất quà cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. Đồng thời, ra mắt chương trình “Giờ thứ 9+”. Đây là chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức nhằm tạo sân chơi để công nhân thể hiện tài năng của bản thân, tinh thần học hỏi, sáng tạo; khích lệ tinh thần thi đua của người lao động, vun đắp truyền thống và xây dựng một thế hệ công nhân mới.
Hôm nay : 2135
Tháng này : 37813