Ngày 07/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh tổng hợp một số nội dung quan trọng để đoàn viên, người lao động được biết.
Tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP đã bổ sung thêm quy định về các đối tượng và điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức như sau:
“Cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân: Được cộng 1,5 điểm vào kết quả vòng 2”.
Như vậy, ngoài các đối tượng được công điểm ưu tiên như quy định cũ, bao gồm: (1) Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B (được cộng 7,5 điểm); (2) Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động (được cộng 5 điểm); (3) Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong (được cộng 2,5 điểm); thì đối tượng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân cũng được cộng điểm ưu tiên khi thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức.
Theo quy định mới tại Nghị định 85/2023/NĐ-CP, phần thi tin học trong thi tuyển viên chức đã được bãi bỏ.
Tại khoản 4, Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP quy định Vòng 1 thi tuyển viên chức vẫn được thực hiện bằng hình thức trắc nghiệm trên máy tính, tuy nhiên chỉ còn lại 02 phần thi kiến thức chung và ngoại ngữ. Trong đó:
- Phần I (Kiến thức chung): gồm 60 câu hỏi hiểu biết về pháp luật viên chức, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực tuyển dụng. Thời gian thi 60 phút.
- Phần II (Ngoại ngữ): gồm 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm bằng một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc lựa chọn 01 ngoại ngữ khác theo yêu cầu của vị trí việc làm. Thời gian thi 30 phút.
Ngoài ra, Khoản 4, Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP cũng quy định:
- “Trường hợp đã đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thì được miễn thi Phần I”.
- “Đối với vị trí việc làm không yêu cầu ngoại ngữ trong tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và theo bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm thì không phải tổ chức thi Phần II”.
Tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP đã bổ sung quy định:
“Người tốt nghiệp tiến sĩ trở lên (được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo quy định) đang làm việc ở cơ quan, tổ chức có trụ sở hoặc chi nhánh được thành lập ở nước ngoài hoặc tạicơ quan, tổ chức nước ngoài có trụ sở hoặc chi nhánh được thành lập ở Việt Nam, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đủ 03 năm công tác trở lên làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận”.
Nghị định 85/2023/NĐ-CP đã chính thức bãi bỏ quy định về thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, chỉ còn quy định về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp.
Theo quy định cũ tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP, việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và phù hợp với cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Viên chức được đăng ký xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nếu đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật.
Kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được tổ chức theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
Viên chức được đăng ký dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật;
- Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;
- Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng.
- Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu cùa tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng, trừ trường hợp xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà chức danh nghề nghiệp đó theo quy định tại thời điểm xét không có hạng dưới liền kề.
Theo Khoản 12 Điều 1 Nghị định 83/2023/NĐ-CP sửa đổi các trường hợp không phải tập sự nếu đáp ứng đủ điều kiện:
+ Được bố trí làm việc đúng chuyên ngành được đào tạo và theo đúng chuyên môn nghiệp vụ của công việc trước đây đã đảm nhiệm;
+ Thời gian công tác làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng. Trường hợp chưa đủ thời gian này thì thời gian đã công tác được trừ vào thời gian tập sự theo quy định.
Đối với các trường hợp phải tập sự được hưởng 100% lương và phụ cấp (nếu có).
Khoản 31, Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung thêm quy định về các trường hợp viên chức quản lý được xem xét từ chức như sau:
- Do viên chức quản lý bị hạn chế năng lực/không còn đủ uy tín để hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao.
- Do viên chức quản lý đó không có đủ sức khỏe hoặc vì lý do chính đáng khác.
- Theo yêu cầu của nhiệm vụ.
- Do viên chức đó làm cơ quan thuộc quản lý xảy ra sai phạm nghiệm trọng hoặc đơn vị thuộc quyền quản lý/cấp dưới trực tiếp tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.
- Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu.
Trong khi đó theo quy định cũ tại khoản 1 Điều 54 Nghị định 115/2020/NĐ-CP chỉ có 03 trường hợp được xem xét thôi giữ chức vụ gồm:
- Do viên chức quản lý tự nguyện, chủ động xin.
- Do viên chức quản lý không đủ sức khỏe, bị hạn chế về năng lực/không đủ uy tín để hoàn thành nhiệm vụ, chức trách.
- Do viên chức quản lý có các lý do chính đáng không.
Khoản 32 Điều 55 Nghị định 85/2023/NĐ-CP đã sửa đổi về các trường hợp miễn nhiệm như sau:
* Bổ sung thêm các trường hợp miễn nhiệm:
- Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà cấp có thẩm quyền xác định là năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.
- Bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo 02 lần trở lên trong cùng thời hạn bổ nhiệm (quy định cũ chỉ ấn định là 02 lần).
- Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.
- Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín bản thân và đơn vị nơi đang công tác.
- Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm (quy định cũ chỉ nêu vi phạm vi định của Đảng về chính trị nội bộ).
- Viên chức quản lý là người đứng đầu để đơn vị sự nghiệp công lập thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.
* Giữ nguyên trường hợp: Có 02 năm liên tiếp xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
* Bãi bỏ trường hợp bị kỷ luật nhưng chưa đến mức cách chức và do yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế.
Nghị định 85/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 07/12/2023.
Hôm nay : 912
Tháng này : 48950