Tháng 4 năm 2025, có nhiều chính sách quan trọng đối với người lao động, giáo viên. Ban Nghiệp vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh tổng hợp một số chính sách để đoàn viên, người lao động được biết.
Ngày 28/2/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2025/NĐ-CP quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước. Nghị định có nhiều điểm mới quan trọng sau đây:
- Nguyên tắc quản lý tiền lương: Tiền lương trong doanh nghiệp được xác định gắn với nhiệm vụ, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường; thực hiện cơ chế tiền lương phù hợp để doanh nghiệp thu hút, khuyến khích đội ngũ nhân lực công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được Nhà nước ưu tiên phát triển.
- Xây dựng thang, bảng lương: Doanh nghiệp xây dựng thang, bảng lương và phụ cấp lương cho người lao động, Ban điều hành, Thành viên hội đồng và Kiểm soát viên chuyên trách. Các mức lương phải đảm bảo tổng tiền lương không vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch tương ứng. Khi xây dựng hoặc sửa đổi thang, bảng lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động và công khai trước khi thực hiện.
- Tiền lương của Ban điều hành: Tiền lương của Ban điều hành được trả theo chức danh, chức vụ và kết quả kinh doanh. Đặc biệt, mức tiền lương của Tổng giám đốc, Giám đốc (trừ trường hợp được thuê theo hợp đồng lao động) tối đa không vượt quá 10 lần so với mức tiền lương bình quân của người lao động. (điểm b khoản 1 Điều 19 Nghị định 44/2025/NĐ-CP)
- Mức lương cơ bản của Thành viên hội đồng và Kiểm soát viên chuyên trách: Mức lương cơ bản được quy định theo nhóm và mức cụ thể, với mức cao nhất là 80 triệu đồng/tháng. Đối tượng và điều kiện áp dụng các mức lương này được quy định chi tiết trong phụ lục kèm theo nghị định.
- Phân phối tiền lương: Người lao động và Ban điều hành được trả lương theo quy chế trả lương do doanh nghiệp ban hành. Tiền lương của người lao động được trả theo vị trí chức danh hoặc công việc, gắn với năng suất lao động và mức đóng góp vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Nghị định 44/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2025. Các chế độ quy định tại nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Bấm vào đây để xem chi tiết Nghị định 44/2025/NĐ-CP
Ngày 07/3/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông và trường dự bị đại học. Thông tư này xác định nhiệm vụ, thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm, định mức tiết dạy và các chế độ giảm định mức tiết dạy cho giáo viên, nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy và quyền lợi của giáo viên. Theo đó, Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT có nhiều điểm quan trọng sau:
- Bổ sung quy định về nguyên tắc xác định chế độ làm việc của giáo viên
Theo Điều 3 của Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT, thời gian làm việc của giáo viên được quy định dựa trên số tiết dạy trong một năm học và số tiết dạy trung bình trong mỗi tuần. Thời gian làm việc của hiệu trưởng và phó hiệu trưởng là 40 giờ/tuần, bao gồm cả số tiết giảng dạy. Các hiệu trưởng cần phân công nhiệm vụ cho giáo viên sao cho hợp lý, bảo đảm công khai và công bằng giữa các giáo viên trong trường.
Nếu có trường hợp phải phân công giáo viên kiêm nhiệm, hiệu trưởng phải ưu tiên những giáo viên chưa đủ định mức tiết dạy trung bình trong một tuần.
Khoản 3, Điều 3 Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT cũng quy định mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 02 nhiệm vụ trong một năm học. Theo đó từ ngày 22/4/2025 là mỗi giáo viên chỉ được kiêm nhiệm tối đa 02 nhiệm vụ theo quy định tại Điều 9, Điều 10 và Điều 11 của Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT. Việc này nhằm tránh tình trạng quá tải cho giáo viên, đồng thời giúp họ có đủ thời gian để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính của mình.
- Bổ sung quy định về định mức tiết dạy cho giáo viên giáo viên dạy cấp THPT ở trường lớp, dành cho người khuyết tật là 15 tiết/tuần (điểm c khoản 3 Điều 7).
- Bổ sung quy định chế độ giảm định mức tiết dạy với giáo viên kiêm nhiệm công tác giáo vụ, tư vấn học sinh, văn thư, thư viện (Điều 11 Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT). Tại khoản 3, 4, 5, 6 Điều 11 Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT cũng bổ sung quy định giảm 3 tiết/tuần đối với giáo viên kiêm nhiệm vị trí việc làm văn thư, công nghệ thông tin, thư viện, hỗ trợ giáo dục người khuyết tật.
- Bổ sung quy định về thời gian nghỉ hằng năm của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng
Theo đó, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được nghỉ hè như giáo viên, thời gian nghỉ hè này được bố trí linh hoạt trong năm học và trong thời gian nghỉ hè. Tuy nhiên, để bảo đảm hoạt động bình thường của nhà trường, tránh trường hợp tất cả các cán bộ quản lý đều nghỉ cùng thời điểm thì lịch nghỉ hè của cán bộ quản lý phải được báo cáo cơ quan quản lý.
- Bổ sung quy định về thời gian nghỉ thai sản đối với giáo viên, trong đó có quy định việc thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè
Tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT quy định Trường hợp thời gian nghỉ hè và thời gian nghỉ thai sản của giáo viên nữ có giai đoạn trùng nhau, ngoài thời gian nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội thì thời gian nghỉ của giáo viên bao gồm:
a) Thời gian nghỉ thai sản theo quy định;
b) Thời gian nghỉ hè ngoài thời gian nghỉ thai sản (trước hoặc sau thời gian nghỉ thai sản);
c) Trường hợp thời gian nghỉ hè quy định tại điểm b khoản này ít hơn số ngày nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động thì giáo viên được nghỉ thêm một số ngày. Tổng số ngày nghỉ thêm và số ngày nghỉ quy định tại điểm b khoản này bằng số ngày nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động. Thời gian nghỉ thêm được sắp xếp linh hoạt theo thỏa thuận giữa giáo viên với hiệu trưởng.
Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT cũng quy định trường hợp giáo viên nam được nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, trong thời gian nghỉ chế độ giáo viên nam được tính dạy đủ định mức tiết dạy theo quy định và không phải dạy bù. Trường hợp thời gian nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con của giáo viên nam trùng với thời gian nghỉ hè thì không được nghỉ bù.
Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 22/4/2025.
Bấm vào đây để xem chi tiết Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT.
Ngày 11/02/2025, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 03/2025/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động. Theo đó, hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động và cách tính điểm trong phân loại lao động theo điều kiện lao động tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 03/2025/TT-BLĐTBXH.
Theo đó, điều kiện lao động gồm 6 loại và phân chia như sau:
- Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại I, II, III là nghề, công việc không nặng nhọc, không độc hại, không nguy hiểm;
- Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại IV là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại V, VI là nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Điều kiện lao động được đánh giá, xếp loại theo 03 phương pháp:
- Phương pháp đánh giá, tính điểm thực hiện theo quy trình: Xác định tên nghề, công việc cần đánh giá, xác định điều kiện lao động, quy mô lấy mẫu. Sau đó, đánh giá điều kiện lao động theo hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động.
- Phương pháp thống kê, kinh nghiệm: Căn cứ vào đặc điểm điều kiện lao động đặc trưng của mỗi nghề, công việc của Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để xác định loại điều kiện lao động cho các nghề, công việc được đánh giá.
- Phương pháp kết hợp: Kết hợp phương pháp đánh giá, tính điểm với phương pháp thống kê, kinh nghiệm và lấy ý kiến của bộ quản lý ngành lĩnh vực, các chuyên gia, nhà khoa học để tổng hợp kết quả.
Thông tư 03/2025/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/4/2025.
Bấm vào đây để xem thông tin chi tiết Thông tư 03/2025/TT-BLĐTBXH
Hôm nay : 300
Tháng này : 2268