Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là công nghiệp 4.0) tạo ra nhiều tác động tích cực về mọi mặt đối với kinh tế, xã hội, trong đó, quan hệ lao động, người lao động là đối tượng chịu tác động rất lớn và dẫn đến sự thay đổi căn bản. Sự thay đổi này dẫn đến sự xuất hiện của hàng loạt việc làm mới, gọi là “Việc làm 4.0” với một số đặc trưng sau:
Thứ nhất, khác với việc làm trước đây là sử dụng máy móc tạo ra sản phẩm, mà thay vào đó, việc làm tương tác giữa con người và máy móc, trong đó con người tạo ra máy móc, kết nối máy móc, điều khiển máy móc, cải tiến máy móc, …tạo ra hệ thống thông minh tự động hóa hoàn toàn thay cho con người vận hành máy móc như hiện nay; nói đơn giản “Việc làm 4.0” là việc làm tay chân được thay bằng việc làm trí óc.
Thứ hai, nhờ sự kết nối, việc làm không bị ảnh hưởng bởi khoảng cách địa lý, người lao động có thể làm việc tại nhà hoặc những nơi khác. Mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động sẽ trở nên phi chính thức hóa, vì vậy việc làm trong mọi lĩnh vực sẽ đều bị ảnh hưởng, vừa tích cực, vừa tiêu cực.
Công nhân ngành may đối diện với nguy cơ bị thay thế bởi máy móc thông minh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Thứ ba, người lao động có thể phải chuyển đổi nghề nghiệp, người lao động có thể sẽ không mất việc làm hàng loạt, nhưng sẽ có sự thay đổi từ từ. Vì vậy, trong tương lai gần, có thể người lao động sẽ không cảm nhận được điều này, nhưng khi giá thành máy móc rẻ, sự thay đổi sẽ diễn ra rất nhanh, có thể sẽ làm cho người lao động không kịp thích ứng và sẽ thất nghiệp.
Từ những đặc điểm trên, để đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tổ chức công đoàn cần tập trung vào những vấn đề sau:
Một là, chủ động tham gia quá trình chuyển đổi công nghệ của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp sẽ chuyển đổi công nghệ theo Công nghiệp 4.0, vì vậy tổ chức công đoàn phải chủ động đề nghị với doanh nghiệp có Chương trình hỗ trợ người lao động trong kế hoạch chuyển đổi công nghệ 4.0 của mình. Nghĩa là, doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo cho người lao động ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho áp dụng công nghệ 4.0 cũng như trong quá trình chuyển đổi công nghệ 4.0.
Hai là, tập trung tham gia hiệu quả trong công tác đào tạo cho người lao động, đặc biệt là kỹ năng mềm.
Trong quá trình chuyển đổi, một bộ phận người lao động mất việc làm, vì vậy tổ chức công đoàn cần tham gia tích cực với doanh nghiệp quan tâm đào tạo cho người lao động các kỹ năng của công việc hiện tại và các kiến thức, kỹ năng chuyên môn khác mà thị trường lao động trong tương lai cần tới. Hình thức đào tạo có thể trong nhà máy hoặc có thể luân phiên cử người lao động đi đào tạo, để hỗ trợ nâng cao khả năng có việc làm cho người lao động.
Mặt khác, các công việc đòi hỏi sức lao động cơ bắp đều có thể bị robot và trí tuệ nhân tạo thay thế, vì vậy người lao động cần có những kỹ năng mềm quan trọng như: Xử lý vấn đề phức hợp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý con người, phối hợp với người khác, trí tuệ xúc cảm, phán đoán và ra quyết định, định hướng dịch vụ, thương lượng, linh hoạt nhận thức. Vì vậy tổ chức công đoàn cùng với doanh nghiệp cần quan tâm đào tạo cho người lao động các kỹ năng mềm ngay từ bây giờ.
Ba là, giám sát thực hiện chế độ và đề xuất chính sách hỗ trợ với người lao động.
Giám sát thực hiện nghiêm chế độ, chính sách cho người lao động theo quy định của pháp luật; tham gia BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ để người lao động yên tâm trong công việc, có nguồn hỗ trợ khi mất việc do thay đổi công nghệ 4.0 từ BHXH, BHTN; đề xuất hiệp hội các doanh nghiệp nên hình thành một “Quỹ hỗ trợ người lao động trong Công nghiệp 4.0” do các doanh nghiệp đóng góp để hỗ trợ người lao động chuyển đổi việc làm phù hợp với Công nghiệp 4.0.
Bốn là, góp phần kiến tạo môi trường làm việc 4.0.
Công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn lao động sáng tạo, lao động trí thức và vì vậy đòi hỏi sự say mê nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi và sáng tạo không ngừng. Đối với việc làm 4.0, không thể ép buộc con người sáng tạo giống như ép buộc con người phải làm việc cật lực như hiện nay. Để người lao động có ý tưởng sáng tạo đòi hỏi phải thoát ra khỏi lo toan của cuộc sống hàng ngày. Vì vậy công đoàn cần phối hợp, tham gia với doanh nghiệp quan tâm đến các vấn đề về việc làm, tiền lương đủ sống cho bản thân và gia đình họ, đảm bảo thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, cải thiện điều kiện lao động và tạo môi trường làm việc thoải mái, tự do về tư tưởng, hứng thú để người lao động có cảm hứng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi cái lỗi thời, cái không phù hợp.
Năm là, Phối hợp triển khai thực hiện chuyển đổi
Ngay khi doanh nghiệp chính thức có kế hoạch và lộ trình cụ thể về chuyển đổi công nghệ 4.0, công đoàn phối hợp với doanh nghiệp và người lao động xây dựng phương án cụ thể trên cơ sở đồng thuận, để giúp người lao động chuyển đổi bền vững hoặc hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm mới. Tổ chức công đoàn cần có tác động tích cực để doanh nghiệp coi đảm bảo việc làm cho người lao động là trách nhiệm xã hội của mình, chứ không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà quên đi mục tiêu phát triển.
Để thực hiện các giải pháp nêu trên tổ chức công đoàn cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho người lao động về công nghiệp 4.0; tham gia tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích người lao động tự học tập và sáng tạo; tích cực tham gia xây dựng chính sách, nhất là chính sách đào tạo trình độ tay nghề cho người lao động, để từ đó định hướng cho người lao động về nghề nghiệp của họ trong tương lai.
Tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động đề ra lộ trình cụ thể về chuyển đổi công nghệ hoặc đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động khi có sự thay đổi về công nghệ; xây dựng phương án cụ thể trên cơ sở đồng thuận, giúp người lao động chuyển đổi bền vững hoặc định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm mới, không gây ra xáo trộn xã hội. Giảm thiểu thấp nhất những tác động tiêu cực của Công nghiệp 4.0.
Hoạt động công đoàn cần đi vào thực chất, tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; Công đoàn cần thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn trong đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng sức mạnh công đoàn thông qua thương lượng tập thể; hạn chế một số hoạt động theo kiểu hành chính, không vì quyền lợi của đoàn viên, người lao động,….từ đó tạo được niềm tin, thực sự là người đại diện, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên và người lao động.
Tham gia tích cực, cùng với các cấp, các ngành, doanh nghiệp tạo môi trường làm việc dân chủ, tôn trọng, tạo cảm hứng và khuyến khích, đặc biệt phải công nhận năng lực và sự đóng góp của người lao động bằng hành động cụ thể, thực chất, chứ không tôn vinh, biểu dương bằng lời nói.
Hôm nay : 126
Tháng này : 22947