Năm 2000, sau khi tốt nghiệp khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, chị Trần Thị Thúy Anh về nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh. Năm 2005-2007, chị được UBND tỉnh Hà Tĩnh cử đi học Thạc sỹ tại Đài Loan. Trải qua 21 năm, hiện chị là Phó Giám đốc, Phó Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh. Qua thời gian công tác, chị đã chủ trì thực hiện 2 nhiệm vụ Khoa học công nghệ cấp Quốc Gia; 1 Dự án Khoa học công nghệ cấp Bộ; 2 Đề tài khoa học cấp tỉnh và các nhiệm vụ thường xuyên khác. Các đề tài, sáng kiến của chị được ứng dụng có hiệu quả vào đời sống xã hội.
Với tính mới, tính sáng tạo của đề tài, sáng kiến: Nghiên cứu ứng dụng các chủng vi sinh vật hữu ích và các enzyme ngoại sinh sản xuất thành công chế phẩm sinh học Hatimic có tác dụng phân giải nhanh các chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ vi sinh ngay tại các nông hộ, bổ sung hệ vi sinh vật hữu ích cải tạo đất, tăng cường phân giải chuyển hóa lân, giảm tổn thất đạm trong quá trình ủ. Sản xuất chế phẩm HatiBio giúp phân giải nhanh các hợp chất dư thừa trong chất thải chăn nuôi, rác thải và nước thải sinh hoạt, làm giảm mùi hôi và ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây hại.
Lãnh đạo Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp cùng lãnh đạo Sở KH&CN tham quan dây chuyền sản xuất chế phẩm
Sau khi sáng kiến được ứng dụng đi vào thực tiễn, từ năm 2015 lại nay, Trung tâm đã sản xuất và tiêu thụ 450.000 gói chế phẩm sinh học Hatimic (200 gam/gói) với doanh thu 13,5 tỷ đồng (từ các hợp đồng bán chế phẩm cho các Doanh nghiệp và hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ dân tại 13 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh). Việc chuyển giao công nghệ và bán các sản phẩm từ sáng kiến đã tạo nguồn thu cho đơn vị giúp Trung tâm chuyển đổi thành công sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tự trang trải 100% kinh phí chi thường xuyên; sử dụng chế phẩm sinh học đã giúp người dân sản xuất được xấp xỉ 250.000 tấn phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp, giảm phát thải 800.000 tấn CO2 do hạn chế việc đốt và phân hủy tự nhiên của các phụ phẩm nông nghiệp. Việc sản xuất và ứng dụng chế phẩm có ý nghĩa to lớn trong bảo vệ môi trường, và nâng cao ý thức cộng đồng. Giúp tiết kiệm được xấp xỉ 170 tỷ đồng tiền mua phân bón và trên 150.000 lít chế phẩm sinh học HatiBio các hộ dân, các hợp tác xã Môi trường trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố ứng dụng vào xử lý ô nhiễm các điểm tập kết rác, bãi rác, xử lý mùi hôi chuồng trại, xử lý môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Sáng kiến đã được Giải thưởng từ Dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức năm 2019 với kinh phí 653,4 triệu đồng. Hiện nay, Chế phẩm Hatimic và HatiBio đã được cấp phép lưu hành trong xử lý chất thải số 03/LH-CPSHMT cho HATIMIC và 02/LH-CPSHMT cho HATIBIO ngày 22/01/2020 của Tổng Cục Môi Trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chị là Ủy viên BCH Công đoàn Sở Khoa học và Công nghệ, phó bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, hằng năm Công đoàn Trung tâm đều đạt thành tích xuất sắc trong công tác đảng và hoạt động công đoàn. Thường xuyên tham mưu cho cấp ủy chuyên môn từng bước có các giải pháp để nâng cao đời sống cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động công tác, đóng góp nhiều ý kiến nhằm xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh toàn diện, thực hiện tốt các phong trào thi đua.
Với sự nỗ lực và cống hiến, nhiều năm liền chị đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, được UBND tỉnh tặng Bằng khen, Sở Khoa học và Công nghệ tặng nhiều bằng khen và giấy khen. Đặc biệt năm 2021, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo.
Hôm nay : 2794
Tháng này : 45234