Hơn 17 năm làm việc, dù ở vị trí nào, nữ công nhân Nguyễn Thanh Huệ, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Nam Hà Tĩnh vẫn luôn nỗ lực làm tròn nhiệm vụ được giao, là tấm gương tích cực học tập, lao động, sáng tạo để mọi người học tập.
Nữ CNLĐ Nguyễn Thanh Huệ thực hành sáng kiến mình
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Thủy sản Hải Phòng, chị Nguyễn Thanh Huệ (SN 1984) được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Nam Hà Tĩnh. Bằng những kiến thức và trải nghiệm thực tế trong quá trình làm việc, với tinh thần cầu thị, cố gắng học hỏi, trau dồi kỹ năng chuyên môn, chị Huệ đã trở thành chỗ dựa cả về chuyên môn và tinh thần cho đồng nghiệp.
Đặc thù lao động trong ngành chế biến thuỷ sản là công việc thủ công, nặng nhọc, đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì, chịu khó. Công nhân chủ yếu là nữ, làm việc nhiều giờ trong tư thế đứng, hai bàn tay luôn tiếp xúc với nước lạnh, nước đá và mùi tanh của nguyên liệu thuỷ sản, môi trường nhà xưởng ẩm ướt, nhiệt độ thấp nên nhiều người không gắn bó dài lâu. Điều kiện lao động khó khăn, trong khi đó, đối tác của Công ty chủ yếu là Nhật Bản, yêu cầu về chất lượng, quy chuẩn sản phẩm hết sức khắt khe.
Khó khăn nhất đối với người lao động đó đối tác yêu cầu rất cao về sự đồng đều trong chất lượng sản phẩm, trong khi đó, tại công đoạn cào sản phẩm (cào mực), do làm bằng thủ công nên tuỳ thuộc nhiều vào tay nghề, kinh nghiệm của từng công nhân tham gia chế biến. Không ít lần, sản phẩm không đáp ứng yêu cầu của khách hàng và Công ty đã bị đối tác phạt hàng chục triệu đồng.
Là một công nhân tại bộ phận kiểm soát chất lượng sản phẩm, chị Huệ thấm thía sự vất vả của chị em công nhân lao động nên luôn trăn trở làm sao để cải tiến khâu cào sản phẩm. Chị đã dành thời gian tìm hiểu từ kinh nghiệm thực tế và những kiến thức, kinh nghiệm trên mạng internet, từ đó sáng chế ra “Bộ dao cào 7 lưỡi bằng Mika lắp lưỡi lam’’ để cào mực, làm hàng xuất khẩu. Đưa vào áp dụng, sáng kiến đã đạt hiệu quả rõ rệt, các sản phẩm đồng đều nhau về kích cỡ, độ sâu, giúp giảm thời gian và công sức cho các công nhân. Tuy nhiên, thời gian đầu “Bộ dao cào 7 lưỡi’’ của chị sáng chế có độ bền không lâu, lưỡi dao dễ bị gãy và khó trong việc cầm nắm sử dụng. Chị Huệ lại tiếp tục nghiên cứu, sửa chữa, qua 3 lần cải tiến, tháng 2/2019, sáng kiến được áp dụng đại trà, công nhân dễ thao tác, chất lượng sản phẩm đồng đều, được khách hàng đánh giá cao; năng suất sản xuất phân xưởng chị tăng 2,5 lần so với trước đây với cùng số lượng công nhân thao tác. Sáng kiến của chị Huệ đã làm tăng lợi nhuận cho công ty từ 70-90 triệu đồng/năm. Ngoài sáng kiến trên, chị còn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, điều kiện làm việc, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm sức lao động cho công nhân.
Trong các hoạt động phong trào do Công đoàn Công ty phát động, chị Huệ luôn nhiệt tình, tích cực tham gia và vận động đoàn viên tham gia; là lực lượng nòng cốt tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước, quy định quy chế công ty, hoạt động của tổ chức công đoàn tới người lao động của đơn vị. Chị cũng hết sức quan tâm đến đời sống của đoàn viên và người lao động Công ty; tiên phong trong các đợt vận động quyên góp hỗ trợ đoàn viên và người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Với những nỗ lực vượt bậc, chị Nguyễn Thanh Huệ nhiều lần được biểu dương, khen thưởng. Sáng kiến “Bộ dao cào 7 lưỡi bằng Mika lắp lưỡi lam” của chị được công ty khen thưởng năm 2020 và được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen năm 2021 trong chương trình ‘‘75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển’’ do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động.
Hôm nay : 1555
Tháng này : 43999