Sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành chính quyền, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Những mốc son chói lọi có ý nghĩa lịch sử đã khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền với 3 cao trào cách mạng có ý nghĩa to lớn đưa đến thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đó là:
Cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh: Làm rung chuyển chế độ thống trị của đế quốc Pháp và tay sai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng cách mạng đã vùng dậy trừng trị bọn cường hào, phản động, tay sai thực dân Pháp, thành lập chính quyền cách mạng ở một số nơi theo hình thức Xô-viết. Cao trào cách mạng 1930-1931 đã khẳng định đường lối cách mạng Việt Nam do Đảng đề ra là đúng đắn và để lại những bài học quý báu về xây dựng liên minh công - nông, về xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất, về phát động phong trào quần chúng đấu tranh giành và bảo vệ chính quyền.
Xô viết Nghệ Tĩnh là sự phát triển tất yếu của cao trào đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân cả nước trong những năm 1930-1931. Ảnh tư liệu.
Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939): Bằng sức mạnh đoàn kết của quần chúng, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã buộc chính quyền thực dân phải nhượng bộ một số yêu sách về dân sinh, dân chủ; quần chúng được giác ngộ về chính trị và trở thành lực lượng chính trị hùng hậu của cách mạng; Đảng đã tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất, kinh nghiệm tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh công khai, hợp pháp...
Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945) dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng với sự đoàn kết, chiến đấu ngoan cường và hy sinh to lớn của biết bao đảng viên cộng sản, chiến sĩ và đồng bào yêu nước đã kết thúc thắng lợi bằng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã phá tan sự thống trị của thực dân gần một trăm năm và lật đổ chế độ phong kiến đè nặng lên Nhân dân ta, mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới; kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc.
2.1. Xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954)
Trong những năm 1945-1946, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền Nhân dân, bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 6/1/1946); xây dựng và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên (ngày 9/11/1946); chăm lo xây dựng chế độ mới, đời sống mới của Nhân dân, chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ với sự ủng hộ và chi viện của cả nước; kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng, bảo vệ chính quyền và thành quả Cách mạng tháng Tám; đồng thời thực hành sách lược khôn khéo, đưa cách mạng vượt qua những thử thách hiểm nghèo. Đảng đã chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp trên phạm vi cả nước.
Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp giành thắng lợi mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta. Trong ảnh: Bộ đội ta từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Bằng đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp giành thắng lợi mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta.
2.2. Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng CNXH ở miền Bắc (1954-1975)
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Nhân dân ta bắt tay vào xây dựng, khôi phục kinh tế - văn hóa, xây dựng CNXH; ở miền Nam, đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng. Nhiệm vụ của Đảng ta trong giai đoạn này hết sức nặng nề, đó là phải lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến hành đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược gồm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng XHCN ở miền Bắc.
Trưa 30/4/1975, xe tăng của Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu
Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân nêu cao quyết tâm đánh Mỹ, thực hiện đường lối chiến tranh Nhân dân bằng tầm cao khoa học và nghệ thuật. Với một đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới, Đảng ta chủ trương đánh lâu dài; kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và hoạt động binh vận; kết hợp tiến công và nổi dậy, tiến hành đấu tranh trên cả 3 vùng (đồng bằng, thành thị và miền núi); kết hợp mặt trận quân sự, chính trị với mặt trận ngoại giao; phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh thời đại. Bằng đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và tinh thần đấu tranh anh dũng kiên cường, bất khuất, bất chấp mọi gian khổ hy sinh của Nhân dân ta, cùng với sự giúp đỡ to lớn của các nước XHCN và Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, giành nhiều thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc, là một sự kiện có tầm quốc tế và có tính thời đại sâu sắc.
Song song với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân miền Bắc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục KT-XH, tiến hành cải tạo XHCN và đưa miền Bắc quá độ lên CNXH. Sau 21 năm xây dựng CNXH, miền Bắc đã giành được những thành tựu quan trọng, chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật ban đầu cho CNXH; vừa sản xuất, vừa chiến đấu và chi viện sức người, sức của, hoàn thành vai trò hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam.
3.1. Từ năm 1975-1986
Sau giải phóng miền Nam, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân vừa ra sức khôi phục KT-XH vừa chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cùng với quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng; đồng thời tập trung lãnh đạo xây dựng cơ sở vật chất của CNXH, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế mới trong cả nước, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân lao động.
Tuy nhiên, việc duy trì lâu dài mô hình, cơ chế kinh tế tập trung bao cấp không còn phù hợp và đã bộc lộ những hạn chế, nhược điểm; việc hoạch định và thực hiện đường lối cách mạng XHCN, có lúc, có nơi đã mắc sai lầm khuyết điểm chủ quan, duy ý chí. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, khủng hoảng KT-XH trong những năm đầu cả nước đi lên CNXH. Trước những thách thức của thời kỳ mới, Đảng ta đã tổng kết thực tiễn, tìm tòi, hoạch định đường lối đổi mới, ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20/9/1979 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa IV) về “Phương hướng nhiệm vụ phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp địa phương”; Chỉ thị số 100-CT/TW ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong HTX nông nghiệp”; Quyết định số 25/QĐ-CP ngày 21/1/1981 của Chính phủ về đổi mới quản lý kinh tế quốc doanh; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa V (tháng 6/1985) thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa; Kết luận của Bộ Chính trị (tháng 8/1986) về 3 quan điểm kinh tế trong tình hình mới...
3.2. Từ năm 1986 đến nay
Trên cơ sở đánh giá tình hình đất nước và qua quá trình tìm tòi, khảo nghiệm, Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta.
Nước ta đã trở thành nước đang phát triển, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu. Ảnh internet
Trước bối cảnh mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, hệ thống XHCN thế giới tạm thời lâm vào thoái trào, Đại hội VII của Đảng (tháng 6/1991) khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, triệt để trên các lĩnh vực với những bước đi, cách làm phù hợp và giữ vững định hướng XHCN. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, xác định những quan điểm và phương hướng phát triển đất nước, khẳng định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.
Các nghị quyết của Đảng từ Đại hội VIII đến nay tiếp tục khẳng định sự kiên định, kiên trì thực hiện đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới không ngừng được bổ sung và phát triển. Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước hoàn thiện và cụ thể hóa toàn diện các định hướng đổi mới, phát triển, xác định rõ trọng tâm trong từng giai đoạn. BCH Trung ương Đảng các khóa đã ban hành nhiều nghị quyết về những vấn đề quan trọng; lãnh đạo để Quốc hội không ngừng bổ sung, hoàn thiện, thể chế hóa Hiến pháp, hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý ngày càng đồng bộ, phù hợp cho quá trình đổi mới; lãnh đạo Chính phủ cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và giải pháp quản lý, quản trị phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Gần 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (1991) và 40 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; với ý chí độc lập, tự chủ, tự cường, khát vọng xây dựng và phát triển đất nước, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân quyết tâm xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, nước ta đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, lợi ích quốc gia dân tộc được bảo đảm. Quy mô nền kinh tế nước ta đã tăng 96 lần so với năm 1986, lọt top 40 nền kinh tế hàng đầu, quy mô thương mại top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) gắn kết 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực; thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có toàn bộ các thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nền kinh tế nhóm G7. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, KH&CN, QP-AN không ngừng nâng cao; tham gia đóng góp tích cực duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới. Từ Đại hội lần thứ I (1935), Đảng ta có khoảng 500 đảng viên; từ đầu Đại hội XIII đến nay (2024), Đảng ta có khoảng hơn 5 triệu đảng viên và hơn 54.000 tổ chức cơ sở đảng.
Những thành tựu vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo là kết quả của một quá trình nỗ lực, phấn đấu liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của Đảng, phù hợp với thời đại và thực tiễn Việt Nam, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Hôm nay : 3908
Tháng này : 29854