Cuối phần làm việc buổi chiều, lãnh đạo các sở, ngành Hà Tĩnh làm rõ các vấn đề cử tri quan tâm về lĩnh vực thông tin – truyền thông, an ninh trật tự, thể thao thành tích cao...
Chiều nay (12/12), tại Kỳ họp thứ 23 HĐND tỉnh khóa XVIII, sau phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn, đại diện lãnh đạo các sở: TT&TT, VH-TT&DL và Công an tỉnh làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, phong trào thể dục - thể thao thành tích cao và thực trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, lừa đảo qua mạng...
Các đồng chí chủ tọa kỳ họp.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở TT&TT Đậu Tùng Lâm về việc phát động phong trào “Bình dân học vụ số”.
Giám đốc Sở TT&TT Đậu Tùng Lâm cho biết, năm 2021, theo xếp hạng của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia, Hà Tĩnh xếp thứ 59/63 tỉnh, thành. Để đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn, cuối năm 2021, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05 NQ/TU, ngày 22/10/2021 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Chỉ sau 2 năm (2023), Hà Tĩnh đã tăng 10 bậc về xếp hạng chuyển đổi số.
Giám đốc Sở TT&TT Đậu Tùng Lâm trả lời câu hỏi liên quan đến chuyển đổi số.
Người đứng đầu Sở TT&TT cũng thừa nhận, hiện nay, Hà Tĩnh đã đạt 21 chỉ tiêu đặt ra theo Nghị quyết 05 nhưng quá trình triển khai 5 nhiệm vụ còn gặp khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn và đạt chỉ tiêu Nghị quyết 05 đặt ra, năm 2025, ngành sẽ tập trung xây dựng hạ tầng số để phục vụ Nhân dân; tập trung chuyển đổi số trên các lĩnh vực: GD&ĐT, y tế, TN&MT, giao thông vận tải, NN&PTNT, VH-TT&DL. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của tổ chuyển đổi số cộng đồng; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho người dân, tiến tới xây dựng phong trào “Bình dân học vụ số”.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng khẳng định tỉnh sẽ ban hành công văn chỉ đạo về “Bình dân học vụ số” để triển khai trên địa bàn Hà Tĩnh.
Trao đổi về tình hình vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên, Đại tá Nguyễn Xuân Thao - Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh, thời gian gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên có chiều hướng gia tăng và xu hướng phức tạp, trong đó, liên quan đến các vụ việc về tụ tập đánh nhau, trộm cắp… Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xảy ra 77 vụ, 155 đối tượng phạm tội, ngoài ra còn có hơn 300 đối tượng xử lý vi phạm hành chính.
Đại tá Nguyễn Xuân Thao - Giám đốc Công an tỉnh làm rõ các vấn đề về an ninh trật tự.
Theo Đại tá Thao, có 4 nguyên nhân chính xảy ra thực trạng đó là: tâm lý lứa tuổi; quản lý của gia đình; bùng bổ thông tin và quản lý thông tin, nhất là thông tin trên mạng; việc thực hiện triết lý giáo dục về đạo đức, văn hóa, ứng xử còn hạn chế… Đại tá Thao chỉ ra một số giải pháp như: tiếp tục phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội và các cấp, ngành tăng cường công tác giáo dục, đặc biệt quan tâm giáo dục, phát triển nhân cách cho học sinh; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; tăng cường quản lý mạng xã hội, thông tin truyền thông. Lực lượng công an sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng để tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của tỉnh liên quan đến chương trình phòng chống tội phạm, các biện pháp chuyên ngành để phòng ngừa, ngăn chặn các sự vụ…
Đại tá Nguyễn Xuân Thao – Giám đốc Công an tỉnh cũng đã thông tin về biện pháp, giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan tới công nghệ cao. Theo Đại tá Nguyễn Xuân Thao, tội phạm liên quan tới công nghệ cao không chỉ là vấn đề riêng của tỉnh Hà Tĩnh mà là vấn đề nhức nhối chung của cả nước và trên thế giới trong thời đại công nghệ hiện nay.
Trên địa bàn tỉnh ghi nhận 100 vụ đảo chiếm đoạt tài sản, thiệt hại tài sản gần 80 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã khám phá 74 vụ, 213 đối tượng, đạt tỷ lệ 74%. Trên địa bàn tỉnh, tình hình tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao nổi lên là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng; tội phạm ma túy trên tuyến biên giới có sự câu kết, móc nối chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước; các đối tượng mua bán người với thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao” và tội phạm buôn lậu, hàng cấm, vũ khí, vật liệu nổ lợi dụng hoạt động thương mại điện tử và các trang mạng xã hội.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng công an đã phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Trong đó, kịp thời ngăn chặn 152 vụ lừa đảo trên không gian mạng với số tiền gần 10,2 tỷ đồng; điều tra, khám phá 52 vụ, 299 đối tượng, trong đó triệt xóa 9 đường dây với 228 đối tượng hoạt động chuyên nghiệp liên quan đến lừa đảo, buôn người, buôn bán vũ khí…
Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như: chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác đến mọi tầng lớp Nhân dân; tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, không để sơ hở để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội. Công an tỉnh mở các đợt cao điểm phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia...
Về đề nghị của cử tri làm rõ lý do vì sao dù đã tham gia BHYT nhưng thời gian qua, bệnh nhân thuộc diện BHYT vẫn phải mua vật tư y tế để sử dụng, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Minh Đức cho biết: Theo quy định, người bệnh có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh được cấp thuốc, vật tư y tế do quỹ BHYT chi trả, tuy nhiên, đó là các thuốc, vật tư thuộc danh mục quy định tại các thông tư của Bộ Y tế. Trong một số trường hợp cần thiết để phục vụ cho chuyên môn hoặc do yêu cầu của người bệnh có sử dụng các thuốc, vật tư y tế nằm ngoài danh mục quy định thì phải tự mua.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Minh Đức trả lời câu hỏi liên quan đến khám chữa bệnh BHYT.
Bên cạnh đó, danh mục các thuốc do quỹ BHYT tại các trạm y tế còn rất hạn chế về chủng loại và số lượng nên người dân phải lên các tuyến trên mới có được đầy đủ các thuốc; điều này cũng gây thiệt thòi cho người dân khi khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại tuyển xã (hiện nay, Bộ Y tế đang sửa đổi quy định về nội dung này). Ngoài ra, hiện nay, chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh đang được cải thiện, vì vậy, số lượng bệnh nhân tăng lên, nhu cầu khám chữa bệnh với các loại thuốc, vật tư ngoài bảo hiểm cao hơn tỷ lệ thuận với việc mua các thuốc, vật tư ngoài danh mục.
Về giải pháp, Sở Y tế thực hiện việc mua sắm thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương năm 2024, đồng thời giao các cơ sở khám chữa bệnh BHYT tự chủ động mua sắm thuốc và vật tư y tế khi chưa có kết quả đấu thầu tập trung. Đồng thời, sở sẽ thực hiện kịp thời Thông tư số 22/2024/TT- BYT ngày 18/10/2024 của Bộ Y tế quy định về thanh toán chi phí, vật tư, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT ngay khi thông tư có hiệu lực.
Trả lời câu hỏi: Đội bóng chuyền Hà Tĩnh từng xếp hạng 4/10 nhưng lại xuống hạng tại mùa giải năm 2024. đề nghị cho biết nguyên nhân và giải pháp?, Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Viết Trường đã phân tích các nguyên nhân khách quan như: các tỉnh, thành đầu tư lớn cho đội bóng chuyền; Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cho phép thuê 2 vận động viên nước ngoài trong khi Hà Tĩnh chỉ được 1. Người đứng đầu ngành VH-TT&DL cũng chỉ ra nguyên nhân chủ quan do nguồn kinh phí cho đội bóng chuyền còn hạn chế, ảnh hưởng tới việc chiêu mộ và giữ chân cầu thủ.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Viết Trường trả lời câu hỏi liên quan đến đội bóng chuyền Hà Tĩnh.
Giám đốc Nguyễn Viết Trường đã đưa ra các giải pháp như: Xây dựng chế độ chính sách để nâng cao chế độ cho huấn luyện viên và cầu thủ; tham mưu UBND tỉnh thành lập Quỹ phát triển thể thao. Sở cũng sẽ hoàn thiện việc tuyển chọn, đào tạo tài năng trẻ, các thế hệ kế cận…
Liên quan đến nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng đề nghị ngành VH-TT&DL tiếp tục tham mưu UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp đội bóng chuyền Hà Tĩnh thăng hạng; lựa chọn các cầu thủ người Hà Tĩnh để đào tạo, bồi dưỡng...
Hôm nay : 686
Tháng này : 30082