Ngày 4.7, Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN lần thứ 6 (khoá XII) tiếp tục diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải; các Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN: Phan Văn Anh, Ngọ Duy Hiểu cùng điều hành Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn
Tại Hội nghị, các Uỷ viên Ban Chấp hành tiến hành thảo luận tại hội trường; đồng chí Nguyễn Đình Khang quán triệt tới Hội nghị Kết luận số 160-TB/TW ngày 15.1.2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 62-KL/TW, ngày 8.12.2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải - đại diện Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN lần thứ 6 (khoá XII); thông qua Nghị quyết Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN lần thứ 6 (khoá XII…
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn
Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nhận xét: “Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Các đồng chí dự Hội nghị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, thẳng thắng thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, tâm huyết vào các tờ trình, Báo cáo và các nội dung của Hội nghị. Đoàn Chủ tịch đã tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành đã thống nhất cao thông qua Nghị quyết của Hội nghị”.
Trong bối cảnh đại dịch COVID -19 còn diễn biến phức tạp, có thể còn kéo dài, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, việc duy trì sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước còn khó khăn; trực tiếp gây ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ người lao động về việc làm, thu nhập, có thể phát sinh những diễn biến phức tạp trong quan hệ lao động, nhất là vào dịp cuối năm…
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại Hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn
Đồng chí Nguyễn Đình Khang cho rằng, để hoàn thành được mục tiêu kép - đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, chăm lo cho người lao động và tiếp tục thực hiện việc phòng, chống dịch..., phải tập trung củng cố các công đoàn cơ sở còn yếu, chủ động rà soát cắt giảm, điều chỉnh các nội dung, nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết; phấn đấu thực hiện tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra năm 2020; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính…
Về nhiệm vụ đại diện, chăm lo bảo vệ quyền lợi người lao động, các cấp công đoàn tiếp tục triển khai thực hiện gói hỗ trợ từ nguồn tài chính công đoàn theo Quyết định số 643 đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng; tham gia giám sát việc hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ theo quy định; kịp thời báo cáo về khó khăn, vướng mắc liên quan trong quá trình triển khai thực hiện; khuyến khích các cấp công đoàn tích cực huy động nguồn lực xã hội, mở rộng các đối tác phúc lợi để mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên và người lao động.
Đánh giá chính xác tình hình mất việc, giãn việc, giảm thu nhập; kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo chăm lo cho đoàn viên, người lao động, nhất là dịp Tết Tân Sửu 2021 sắp tới.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN chỉ đạo, các cấp công đoàn tăng cường nắm tình hình quan hệ lao động, đặc biệt là thời điểm cuối năm 2020. Tích cực tham mưu cấp ủy đảng và phối hợp với chính quyền cùng cấp dự báo, đánh giá tình hình và có các giải pháp ổn định tình hình quan hệ lao động. Tập trung cho công tác thương lượng, đối thoại để giải quyết các vấn đề bức xúc của người lao động, đảm bảo các chế độ chính sách với người lao động. Tổ chức các hình thức lấy ý kiến của đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động sửa đổi. Có các giải pháp về truyền thông, thông tin để tạo sự đồng thuận cao trong quá trình sửa đổi luật công đoàn.
Ngoài ra, công đoàn cần tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp trong việc sắp xếp lại sản xuất, nhân sự, đổi mới quy trình, tìm kiếm thị trường; phát động phong trào thi đua nâng cao năng suất, chung tay cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Phát động phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống công đoàn để dành nguồn lực cho việc thực hiện nhiệm vụ chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ đoàn viên và người lao động, giúp họ ổn định việc làm, thu nhập và đời sống.
Hôm nay : 2307
Tháng này : 44206