Sáng ngày 12/10, Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên các vấn đề xã hội của Quốc hội - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn phụ trách đoàn ĐBQH tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Danh-Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đồng chủ trì Hội nghị
Cùng tham dự Hội nghị có các đồng chí đại diện Thường trực UB MTTQ tỉnh, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan, Hội Luật gia tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, Phòng Công tác Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng các Ban, thành viên Hội đồng tuyên truyền, tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh và Chủ tịch Công đoàn cơ sở một số doanh nghiệp trên địa bàn.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng đoàn phụ trách đoàn ĐBQH tỉnh đặt vấn đề, quán triệt mục đích, giới thiệu tổng quan về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn để các đại biểu đóng góp ý kiến. Đoàn Đại biểu Quốc hội đã lắng nghe, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu, đặc biệt là các đồng chí cán bộ công đoàn.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Luật quy định rõ hơn về địa vị pháp lý của tổ chức công đoàn; xác lập quyền của công đoàn trong việc đại diện người lao động khởi kiện; bổ sung các quy định về thời gian làm việc và các chế độ lương, phụ cấp của cán bộ công đoàn,…
Đồng chí Lê Văn Chí, Trưởng ban Chính sách-Pháp luật LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh cho rằng cần quy định rõ quyền của công đoàn trong công tác cán bộ, phân cấp rõ hệ thống tổ chức công đoàn Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Xuân Long - Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Tĩnh đề nghị tăng biên chế cán bộ công đoàn cấp huyện do số lượng đoàn viên, công đoàn cơ sở rất nhiều, trong khi đó biên chế công đoàn cấp huyện quá ít; đồng thời cần phân định rõ quyền của Công đoàn trong công tác cán bộ.
Đồng chí Phan Thị Mai Hoa - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Tĩnh cho rằng hiện nay các quy định về quyền khởi kiện của tổ chức công đoàn, đặc biệt là cấp công đoàn cơ sở còn rất nhiều bất cập, đề nghị Luật quy định rõ về thẩm quyền và đơn giản hóa trình tự, thủ tục khởi kiện của công đoàn.
Đồng chí Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Việc làm - ATLĐ Sở LĐ,TB&XH Hà Tĩnh đề nghị sửa đổi quy định về phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở theo hướng đổi mới, đột phá để phù hợp với thực trạng hiện nay.
Đồng chí Ngô Đình Vân - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh đề xuất bổ sung lao động người nước ngoài có quyền gia nhập vào tổ chức công đoàn, bởi thực tế nhiều lao động người nước ngoài làm việc lâu dài tại Việt Nam rất mong muốn gia nhập tổ chức công đoàn.
Đồng chí Nguyễn Thị Hoa Phượng - Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp Hà Tĩnh đề nghị Luật cần quy định rõ về khái niệm đoàn viên công đoàn và trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; đồng thời xem xét nội dung về thẩm quyền trong công tác cán bộ công đoàn phù hợp với quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Đồng chí Phan Mạnh Hùng, Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh đề nghị bổ sung thêm một số chính sách cho cán bộ công đoàn và quy định cụ thể về thời gian hoạt động của cán bộ công đoàn không chuyên trách.
Đồng chí Nguyễn Đức Thạch - Chủ tịch Công đoàn các Khu kinh tế tỉnh đề nghị giữ nguyên quy định về việc bảo đảm các điều kiện hoạt động công đoàn; đồng tình giữ nguyên mức thu 2% kinh phí công đoàn là phù hợp.
Đồng chí Trần Hậu Hùng - Chủ nhiệm UBKT LĐLĐ tỉnh đề nghị luật quy định rõ hơn việc phân cấp, phân quyền về công tác cán bộ, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, công khai tài chính công đoàn.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sơn cảm ơn những ý kiến góp ý thẳng thắn, mang tính thực tiễn của các đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý trình Quốc hội.
Hôm nay : 3324
Tháng này : 55249