Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh Lê Minh Đạo, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Tấn Linh là người thứ 2 đăng đàn trả lời chất vấn.
Sáng 12/12, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp lần thứ 23 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, cùng với lãnh đạo Sở Nội vụ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Tấn Linh đã đăng đàn trả lời chất vấn.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp.
Mở đầu phần chất vấn và trả lời chất vấn của ngành, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Tấn Linh làm rõ một số hạn chế, chưa tương xứng trong đầu tư nguồn lực và bất cập về học phí ở các trường nghề (chưa có hướng dẫn về học phí đối với các trường thực hiện cơ chế tự chủ 100%), trong khi đó tỷ lệ tuyển sinh hằng năm các trường nghề chiếm hơn 50%; giải pháp bảo đảm quyền lợi cho người lao động, nhất là chế độ BHYT, BHXH; nguyên nhân vì sao đến nay người có công ở tỉnh ta vẫn chưa nhận được mức trợ cấp mới theo Quy định tại Nghị định số 77/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Tấn Linh đăng đàn trả lời chất vấn.
Người đứng đầu Sở LĐ-TB&XH cho biết: Từ khi Luật Giáo dục ra đời và có hiệu lực từ năm 2019, việc bất cập trong đầu tư nguồn lực cho các trung tâm GDTX được Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên, chi phí quản lý, lương giáo viên và các phúc lợi khác, trong khi đó các trường dạy nghề tự chủ hoặc tự chủ một phần thì phải liên kết với các trung tâm GDTX để hoàn tất hồ sơ cấp bằng tốt nghiệp, phải tự lo lương giáo viên và các phúc lợi khác. Trong khi học phí được quy định thực hiện chung như nhau, do đó việc đầu tư cho các trường nghề lâu nay hết sức bất cập.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư cho các trường nghề, tuy nhiên, nguồn kinh phí hạn chế nên việc đầu tư vẫn chưa đạt yêu cầu. Sở đang xin ý kiến UBND tỉnh chủ trương xây dựng đề án nâng cao chất lượng đào tạo nghề giai đoạn 2025-2030. UBND tỉnh đã giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì tham mưu phối hợp các sở liên quan bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cơ sở đầu tư cho các trường nghề.
Về vấn đề học phí ở các trường nghề thuộc thẩm quyền giải quyết các cơ quan trung ương, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang có các văn bản để đề xuất Chính phủ sửa đổi phù hợp.
Đối với giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người lao động, ông Phan Tấn Linh cho biết, bên cạnh việc tham gia BHYT, BHXH, hiện nay, trên địa bàn vẫn còn tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động và đặc biệt nợ đọng BHXH của 2.925 đơn vị DN, HTX làm ảnh hưởng đến quyền lợi thiết thực đối với 25.265 người lao động.
Để đưa chính sách BHXH, BHYT thực sự đi vào đời sống, việc phối hợp liên ngành giữa BHXH tỉnh và các sở, ngành liên quan, tổ chức đoàn thể cần được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế tỉnh, Sở KH&ĐT và các đơn vị có liên quan chia sẻ dữ liệu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động, giải thể, phá sản, ngừng hoạt động làm căn cứ để có giải pháp triển khai công tác thu BHXH, BHYT, BHTN.
Căn cứ dữ liệu quyết toán thuế của các đơn vị sử dụng lao động, BHXH tỉnh rà soát, đối chiếu đơn vị chưa tham gia BHXH hoặc còn lao động chưa tham gia, gửi văn bản đến đơn vị yêu cầu tham gia BHXH cho người lao động; theo dõi chặt chẽ việc đăng ký tham gia của các đơn vị để đôn đốc, xử lý. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT và thực hiện hiệu quả chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN. Tiếp tục phối hợp liên ngành giám sát thực hiện các chính sách, pháp luật về BHXH; khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động ra tòa án để thu hồi, xử lý "nợ xấu" hoặc khoanh nợ đối với một số doanh nghiệp không có khả năng chi trả.
Về thực trạng hiện nay người có công trên địa bàn chưa được nhận mức trợ cấp mới, ông Phan Tấn Linh cho biết: UBND tỉnh đã giao Sở LĐ-TB&XH phối hợp UBND các địa phương rà soát, tổng hợp nguồn kinh phí tăng thêm theo mức trợ cấp, phụ cấp mới. Tổng kinh phí tăng thêm theo mức mới là 204 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kinh phí còn thiếu thực hiện theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ là 82 tỷ đồng. Như vậy, tổng kinh phí Trung ương chưa cấp cho tỉnh Hà Tĩnh để thực hiện chi trả trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh là 286 tỷ đồng. UBND tỉnh đã giao Sở có văn bản đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cấp nguồn kinh phí để chi trả trợ cấp, phụ cấp cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, Bộ vẫn chưa thực hiện. Sau khi Bộ cấp nguồn kinh phí bổ sung theo quy định, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương thực hiện ngay việc chi trả trợ cấp, phụ cấp cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Nghĩa – Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh về việc đảm bảo nguồn lao động cho khu công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Tấn Linh cho hay: Hà Tĩnh hiện có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN); trong đó có 4 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 2 trung tâm GDNN, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, 1 cơ sở có tham gia hoạt động GDNN, 1 phân hiệu Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại trực thuộc Bộ Công thương.
Đại biểu Phạm Nghĩa – Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu câu hỏi về việc đảm bảo nguồn lao động cho khu công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh
Chất lượng đào tạo nghề ngày càng được nâng cao với tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm đạt hơn 80%. Trong những năm qua, các cơ sở GDNN đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế trên cơ sở nhân rộng mô hình đào tạo nghề theo chương trình được chuyển giao từ các nước và tăng cường liên kết, phối hợp, đào tạo giữa doanh nghiệp và các cơ sở GDNN để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động... Để chủ động nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu các khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn trên địa bàn, UBND tỉnh đã giao cho đơn vị xây dựng đề án đảm bảo nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Và hiện Sở LĐ-TB&XH đang tập trung triển khai nội dung này.
Chất vấn tư lệnh ngành LĐ-TB&XH, đại biểu Thái Sinh - Phó Trưởng ban VH-XH (HĐND tỉnh) đề nghị ngành cho biết có hay không thực trạng quân nhân sau xuất ngũ được hưởng chế độ đào tạo nghề nhưng không được trường nghề nhận và không được tham gia lớp đào tạo nghề? Tại sao có tình trạng đó?
Đại biểu Thái Sinh - Phó Trưởng ban VH-XH (HĐND tỉnh) chất vấn tư lệnh ngành LĐ-TB&XH.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Thái Sinh, ông Phan Tấn Linh cho biết, sở có nhận được một đơn phản ánh về nội dung này, tuy nhiên, quá trình xác minh nhận thấy là đơn nặc danh, vì vậy chưa có cơ sở xử lý và giải quyết. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra làm rõ có hay không thực trạng như đại biểu trao đổi để có giải pháp xử lý phù hợp. Ngoài ra, nếu trường hợp nào đề nghị đại biểu chỉ rõ để sở giải đáp cụ thể.
Đại biểu Đào Thị Anh Nga – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội (HĐND tỉnh) đặt câu hỏi về tình hình tuyển dụng lao động.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đào Thị Anh Nga – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội (HĐND tỉnh) về tình trạng một số doanh nghiệp chỉ tuyển được ít lao động trong khi có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Tấn Linh cho hay: Sở đã nắm được vấn đề này và đang phối hợp với các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp có phương án giải quyết.
Theo tư lệnh ngành LĐ-TB&XH, hiện nay, lao động có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm và người dân sẽ ưu tiên hơn cho các doanh nghiệp, đơn vị trả lương cao. Đơn cử như việc xuất khẩu lao động, người dân hiện sẽ chọn thị trường các nước châu Âu, thay vì các nước ở châu Á như trước, điều này cũng xuất phát từ mức thu nhập các nước châu Âu cao hơn ở châu Á.
Đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động ngày càng cao của doanh nghiệp, trong đề án đang được UBND tỉnh giao xây dựng, sở sẽ tham mưu, đề xuất các chính sách hỗ trợ đầu tư thêm cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo nghề, nâng cao tay nghề lao động cho người dân.
Liên quan tới việc lao động Hà Tĩnh lựa chọn đi xuất khẩu lao động hoặc chọn làm việc ở các địa phương khác thay vì ở Hà Tĩnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng cho hay: Việc tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp về đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn nhằm giải quyết tốt việc làm cho người dân tỉnh nhà. Tuy vậy, hiện số lượng lao động Hà Tĩnh lựa chọn làm việc ở các tỉnh, thành phố khác hoặc xuất khẩu lao động. Điều này xuất phát từ việc chưa làm tốt công tác tuyên truyền tới người lao động. Có thể chế độ đãi ngộ khi làm việc cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với các tỉnh, thành phố lớn, tuy nhiên, người lao động không phải thuê nhà, được ở gần gia đình để chăm sóc con cái.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng yêu cầu Sở LĐ-TB&XH cần phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh giải pháp hiệu quả xử lý vấn đề này. Đồng thời phối hợp với đơn vị tuyển dụng tăng cường tuyên truyền cho người dân, lao động trong việc lựa chọn nơi làm việc.
Đặt câu hỏi đối với người đứng đầu Sở LĐ-TB&XH, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng đề nghị sở cho biết tỷ lệ khám sức khỏe cho người lao động trong doanh nghiệp và ngành giáo dục?
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng đề nghị tư lệnh ngành LĐ-TB&XH tiếp tục nghiên cứu, giải trình đối với những vấn đề chưa trả lời rõ.
Ông Phan Tấn Linh cho biết: theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ khám sức khỏe trong các doanh nghiệp đạt trên 80%, 20% còn lại thuộc vào nhóm doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Cũng theo thống kê, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 80% trên địa bàn toàn tỉnh; người sử dụng lao động trong nhóm này phần lớn chưa thực hiện nghiêm các quy định luật lao động, BHYT, BHXH; một số doanh nghiệp thực hiện đối phó, có doanh nghiệp không lập sổ theo dõi lao động, khai khống việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động… Với nội dung này, cần sự phối hợp của địa phương, ngành chức năng liên quan mới có thể kiểm soát được.
Hằng năm, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp thực hiện nhưng hình thức xử phạt chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở, chưa có hình thức khác nghiêm minh hơn, do đó tình trạng này chưa được cải thiện nhiều. Ngành sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động; đẩy mạnh kiểm tra giám sát, tăng cường kiểm tra đột xuất, tập trung xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm…
Tiếp tục chất vấn lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng nêu, hiện nay, tình trạng xuất khẩu lao động (XKLĐ), du học vẫn còn nhiều qua khâu trung gian chi phí cao; lao động chưa tuân thủ hợp đồng và các quy định tại nước sở tại; với vai trò của mình, ngành tham mưu giải pháp như thế nào?
Trả lời nội dung này, ông Phan Tấn Linh cho biết: Về việc đưa người làm việc ở nước ngoài theo hình thức XKLĐ, Hà Tĩnh là 1 trong 3 địa phương có số lượng người đi XKLĐ nhiều nhất trong cả nước. Quá trình đi làm việc ở nước ngoài được tiến hành theo hợp đồng, người lao động trực tiếp ký kết với các công ty XKLĐ, doanh nghiệp dịch vụ việc làm được cấp phép theo quy định. Tuy vậy, thời gian qua, vẫn còn tình trạng người dân đi XKLĐ trái phép. Để giải quyết tình trạng này, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về việc đưa người đi lao động nước ngoài, góp phần nâng cao nhận thức, giúp người lao động nhận diện, đánh giá khách quan vấn đề để XKLĐ theo đường chính ngạch. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương tăng cường giám sát công tác XKLĐ để kịp thời phát hiện các đơn vị vi phạm và nghiêm túc chấn chỉnh.
Nhấn mạnh thêm nội dung này, bên cạnh thực hiện các giải pháp về công tác XKLĐ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng đề nghị sở tập trung giải pháp để thu hút lao động về làm việc tại Hà Tĩnh, trong đó cần quan tâm, tổ chức tốt công tác tuyên truyền cho người lao động có điều kiện tiếp cận với thông tin tuyển dụng; tăng cường phối hợp với các đơn vị tuyển dụng lao động...
Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng khẳng định, thời gian qua, XKLĐ được xem là lợi thế của Hà Tĩnh khi góp phần giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho nhiều gia đình và làm giàu cho quê hương. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là phải làm thế nào để tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người lao động, tránh việc qua trung gian, lựa chọn quốc gia phù hợp, phát huy tốt năng lực, sở trường, tăng thu nhập.
Tại phiên chất vấn, đã có 4 đại biểu đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đối với những vấn đề chưa trả lời rõ, đề nghị tư lệnh ngành tiếp tục nghiên cứu, giải trình vào phiên làm việc chiều nay.
Hôm nay : 2148
Tháng này : 50172