Công đoàn Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh sau 5 năm thành lập, hiện nay có 70 CĐCS, với gần 10.000 đoàn viên. Đội ngũ cán bộ CĐCS có 190 đồng chí, trong đó 155 đồng chí trình độ Cao đẳng, Đại học (tỷ lệ 82%).Thời gian qua tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn các Khu kinh tế tỉnh tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động. Đội ngũ cán bộ, đoàn viên, CNLĐ tiếp tục phát triển về số lượng, chất lượng được nâng cao, hoạt động công đoàn từng bước tập trung hướng về cơ sở, chăm lo thiết thực lợi ích đoàn viên, người lao động, tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức đại diện của người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ; thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, kịp thời thăm hỏi những CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, hoạn nạn. Chương trình “Tết sum vầy”, “Tháng công nhân” hàng năm tiếp tục được lan tỏa và ngày càng đi vào thực chất, xem đây là đợt cao điểm trong tổ chức các hoạt động công đoàn; vị thế của Công đoàn các Khu kinh tế tỉnh ngày càng được khẳng định và nâng cao.
Công đoàn các Khu kinh tế tỉnh tập huấn nghiệp vụ công đoàn cho cán bộ CĐCS
Để đạt được những kết quả đó, vai trò của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở chiếm vị trí quan trọng trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động của Công đoàn các Khu kinh tế tỉnh. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ và năng lực công tác, nhiệt tình, tâm huyết, có ý thức tự chủ, năng động và sáng tạo; có kiến thức, trình độ và năng lực hoạt động thực tiễn, trưởng thành trong phong trào công nhân, thích nghi nhanh với hoạt động công đoàn và được Công đoàn các Khu kinh tế tỉnh đào tạo, rèn luyện đã dần trở thành những hạt nhân nòng cốt của tổ chức công đoàn tại cơ sở. Sau khi thành lập, các đơn vị đi vào hoạt động tốt, giải quyết mối quan hệ lao động hài hoà ổn định hơn và doanh nghiệp phát triển hơn, được lãnh đạo các doanh nghiệp quan tâm và đánh giá cao nên vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp ngày càng được khẳng định.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp hoạt động cho cán bộ CĐCS được thực hiện có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 100% cán bộ công đoàn từ tổ trưởng tổ công đoàn trở lên được tập huấn, bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ công tác công đoàn. Chú trọng về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động có tính chuyên sâu, trọng tâm, trọng điểm nội dung phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng đơn vị, doanh nghiệp. Nội dung, chương trình, phương pháp bồi dưỡng, tập huấn tiếp tục được đổi mới; Đội ngũ giảng viên kiêm chức được kiện toàn, thường xuyên được bổ sung kiến thức mới về hoạt động công đoàn, thuận lợi cho công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp hoạt động cho cán bộ công đoàn cơ sở. Công đoàn các Khu kinh tế tỉnh đã tổ chức tập huấn cho 517 lượt cán bộ công đoàn tham gia với các nội dung chuyên đề: Công tác Tuyên giáo - Nữ công; công tác Chính sách - Pháp luật cho người lao động; công tác Kiểm tra, giám sát của công đoàn và công tác Tổ chức, công tác quản lý và sử dụng tài chính CĐCS; Tổ chức 5 lớp tập huấn về an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội, chính sách Dân số- KHHGĐ; Mở 08 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác nữ công có 200 lượt cán bộ công đoàn tham gia.
Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang là quốc gia thành viên của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), lần đầu tiên vấn đề nhiều tổ chức công đoàn được quy định và áp dụng tại Việt Nam. Do đó, một thách thức lớn đặt ra là công đoàn Việt Nam phải cạnh tranh, thu hút đoàn viên công đoàn với tổ chức đại diện người lao động được thành lập ở cơ sở. Điều này làm thay đổi cơ bản nhận thức, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, giá trị cốt lõi, truyền thống của tổ chức công đoàn đã được hình thành và khẳng định trong thực tế hơn 90 năm qua. Quá trình đổi mới và hội nhập của quê hương, đất nước đòi hỏi đội ngũ cán bộ công đoàn phải không ngừng nâng cao năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quan hệ lao động sẽ ngày càng phức tạp, nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích, những bức xúc của người lao động đòi hỏi tổ chức công đoàn, cán bộ công đoàn phải thể hiện rõ hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và người lao động.
Tổ chức tập huấn nghiệp vụ Công đoàn cho cán bộ CĐCS Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh
Với quyết tâm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn trong giai đoạn mới, thực hiện thành công chủ đề năm 2021 “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở”, Công đoàn các Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh xác định xây dựng đội ngũ cán bộ CĐCS vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới là nhiệm vụ trọng tâm và cần tập trung thực những giải pháp và nhiệm vụ cơ bản sau:
Xây dựng đội ngũ cán bộ CĐCS có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực; đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu để bảo đảm hoàn thành tốt các nhiệm vụ công đoàn trong thời kỳ mới, bảo đảm đủ nguồn cán bộ cho mỗi kỳ đại hội công đoàn các cấp. Việc xây dựng đội ngũ bắt đầu từ khâu sàng lọc cán bộ, lựa chọn cán bộ hội tụ đủ bản lĩnh, trình độ, uy tín tham gia lãnh đạo công đoàn, vì sự hạn chế của công tác cán bộ sẽ là những thách thức khi người lao động tự lựa chọn “thủ lĩnh” của mình.
Quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn các cấp, đặc biệt là CĐCS, xây dựng CĐCS vững mạnh trong các doanh nghiệp. CĐCS phải thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; nâng cao vai trò của CĐCS trong việc đại diện bảo vệ NLĐ về lĩnh vực luật pháp, giải quyết tranh chấp, thương lượng, hòa giải... CĐCS phải thực sự là chỗ dựa tin cậy, làm cho người lao động thấy được quyền lợi khi vào công đoàn. Thông qua công đoàn, người lao động thể hiện ý chí, nguyện vọng bằng thương lượng tập thể và đối thoại, thúc đẩy phát triển ổn định cho doanh nghiệp và xã hội. Đồng thời CĐCS phải tạo được niềm tin cho chủ sử dụng lao động, giúp họ nhận thấy khi có công đoàn thì quan hệ lao động ổn định và thuận lợi hơn. Đồng thời, đấu tranh vạch trần bản chất các tổ chức đại diện cho người lao động được thành lập không vì mục đích bảo vệ người lao động mà vì động cơ chính trị, chống phá đất nước hoặc do giới chủ thao túng, phá hoại tổ chức công đoàn, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động.
Tranh thủ các nguồn lực cho công tác đào tạo nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ CĐCS, nhất là năng lực đối thoại, thương lượng tập thể. Hàng năm ngoài nguồn kinh phí được LĐLĐ tỉnh giao chỉ tiêu tập huấn cho các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo kế hoạch, thì Công đoàn các Khu kinh tế tỉnh tranh thủ vận động kêu gọi các nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp để tổ chức đào tạo tập huấn cho cán bộ CĐCS. Bố trí cán bộ phụ trách công tác đào tạo có năng lực, tham mưu tốt, giúp Ban Thường vụ quản lý, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống công đoàn cơ sở, hướng dẫn CĐCS tự tập huấn nghiệp vụ tại cơ sở; thành lập đội ngũ báo cáo viên là cán bộ chuyên trách, cán bộ công đoàn cơ sở nòng cốt đủ khả năng tập huấn cho cán bộ công đoàn tại cơ sở. Nghiên cứu đổi mới hình thức tập huấn, cách thức truyền đạt để cán bộ CĐCS dễ nghe, dễ tiếp nhận và vận dụng hiệu quả vào công việc.
Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt vai trò của ban chấp hành CĐCS trong tổ chức tốt hội nghị CBCCVC, hội nghị người lao động, đối thoại doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung, ký mới thỏa ước lao động tập thể; phối hợp giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, chế độ chính sách, pháp luật lao động.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn các cấp, không có nội dung nào thiết thực bằng chính những nội dung hoạt động của công đoàn tại các doanh nghiệp. Tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi mà đoàn viên, người lao động quan tâm, mang lại những lợi ích trước mắt, lâu dài, hài hòa cho người lao động, người sử dụng lao động. Nội dung hoạt động phải thiết thực, phù hợp với điều kiện làm việc, ngành nghề, nhận thức của từng đối tượng đoàn viên, người lao động. Phương thức hoạt động cần linh hoạt, đa dạng, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bám sát cơ sở và phục vụ người lao động; phong trào phải thiết thực, hấp dẫn, được người lao động đón nhận, tham gia. Tất cả các hoạt động phải thực sự có chiều sâu, có sức lan tỏa lớn để từ đó thu hút CNLĐ tự nguyện tham gia và hoạt động trong tổ chức Công đoàn.
Hôm nay : 1422
Tháng này : 49504