Thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là việc làm cần thiết, thường xuyên để mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động, khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn trong việc xây dựng mối quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp, góp phần cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động và giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội XIX Công đoàn Hà Tĩnh đều xác định “Đẩy mạnh, tập trung đối thoại, thương lượng tập thể” là khâu đột phá đầu tiên. Cụ thể hóa nội dung này, ngày 09/8/2024, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-LĐLĐ về “Đổi mới và nâng cao chất lượng thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể” (Nghị quyết số 05/NQ-LĐLĐ).
Việc thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện TƯLĐTT vẫn còn những khó khăn
Thời gian qua, các cấp Công đoàn Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT đúng với chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động của tổ chức công đoàn. Từ đó, các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động đã có nhận thức ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn về tầm quan trọng của công tác thương lượng tập thể và ký kết, thực hiện TƯLĐTT.
LĐLĐ tỉnh giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động và Thỏa ước lao động tập thể tại Công ty CP Vật liệu xây dựng Hồng Lĩnh
Đến nay, có 89% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đã thương lượng thành công và ký kết TƯLĐTT, trong đó có 60% TƯLĐTT đạt loại A, 33% TƯLĐTT đạt loại B, 7% TƯLĐTT đạt loại C. Qua kết quả giám sát của LĐLĐ tỉnh tại các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, thực tế nhiều doanh nghiệp đã duy trì việc ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể; đồng thời, thường xuyên xem xét sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa ước cho phù hợp với khả năng, điều kiện của doanh nghiệp cũng như người lao động. Nhiều bản TƯLĐTT được thương lượng đạt được nhiều điều khoản cao hơn quy định của pháp luật về quyền lợi của người lao động tập trung vào những vấn đề tiền lương, chế độ phúc lợi, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, thăm hỏi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất, hỗ trợ phụ cấp, tiền thường,…. Qua đó, góp phần chăm lo, đảm bảo quyền lợi của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ tại doanh nghiệp.
Tại Công ty CP Cảng Quốc tế Lào - Việt, nhiều điều khoản có lợi cho người lao động được đưa vào TƯLĐTT nổi bật là: Doanh nghiệp bố trí nhà ở miễn phí cho người lao động; mua bảo hiểm rủi ro cho người lao động; hỗ trợ chi phí gửi trẻ cho người lao động có con từ 1 đến 5 tuổi, hỗ trợ bữa ăn ca 40.000 đồng/suất (2 bữa ăn chính); người lao động là giáo dân được nghỉ 02 ngày có hưởng lương vào dịp Giáng sinh,….
Đồng chí Lê Văn Bạo, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cảng Quốc tế Lào - Việt chia sẻ: “TƯLĐTT đóng vai trò rất quan trọng trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp, giúp người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Tại Công ty chúng tôi, người lao động được thụ hưởng những điều khoản có lợi từ TƯLĐTT đã tạo nên sự đoàn kết, nhất trí cao trong nội bộ, quyền và nghĩa vụ của người lao động được tôn trọng”.
Mặc dù đạt những kết quả khả quan bước đầu, tuy nhiên thực tế việc thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện TƯLĐTT ở một số doanh nghiệp vẫn còn những bất cập như: Chất lượng nhiều cuộc thương lượng còn hạn chế; nhiều bản TƯLĐTT còn mang tính hình thức, sao chép luật, nhiều đơn vị có ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhưng không lấy ý kiến của người lao động; hình thức công khai TƯLĐTT chưa phù hợp nên người lao động khó nắm bắt thông tin, có nơi người sử dụng lao động không thực hiện các cam kết đã ký, năng lực và kỹ năng đàm phán, thương lượng của một số cán bộ công đoàn cơ sở còn yếu, chưa thật sự đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của người lao động. Thực tiễn giải quyết các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trên địa bàn tỉnh cho thấy nguyên nhân cơ bản đều do các doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt việc thương lượng tập thể và đối thoại tại nơi làm việc.
Nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp phải bảo đảm “4 thật”
Với mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững, bảo đảm đời sống, thu nhập cho người lao động, Nghị quyết số 05/NQ-LĐLĐ đã xác định nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp phải bảo đảm “4 thật”: “Đối tác thật, thương lượng thật, nội dung thật, thực hiện thật”. Từ đó sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong công tác đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết, thực hiện TƯLĐTT; xây dựng, củng cố và phát huy tối đa vai trò của công đoàn cấp trên để chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở thực hiện hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể, góp phần tạo việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, đảm bảo thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho đoàn viên, người lao động và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.
Bệnh viện Đa khoa Sài gòn Hà Tĩnh ký kết TƯLĐTT tại Hội nghị Người lao động
Để TƯLĐTT thực sự là tiếng nói của công nhân lao động và trở thành chỗ dựa cho người lao động, cần có sự vào cuộc của các cấp các ngành và quan trọng nhất là của người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn. Nghị quyết số 05/NQ-LĐLĐ đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của các cấp công đoàn để nâng cao hiệu quả tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại các doanh nghiệp, cụ thể như sau:
- Các cấp công đoàn tham gia có chất lượng việc góp ý xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật về lao động, việc làm và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động.
- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ công đoàn, người sử dụng lao động, người lao động về tầm quan trọng của thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, ứng dụng hiệu quả mạng xã hội tuyên truyền, giới thiệu các mô hình điển hình, cách làm hay trong hoạt động phối hợp đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện hiệu quả TƯLĐTT.
- Phối hợp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và đối thoại tại nơi làm việc, nâng cao chất lượng công đoàn tham gia tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc. Thí điểm đối thoại tại các doanh nghiệp trong cùng một địa phương, một ngành về một hoặc một số nội dung, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, thời giờ làm việc, bữa ăn ca, an toàn vệ sinh lao động.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập công đoàn thương lượng, ký kết TƯLĐTT, hướng dẫn công đoàn cơ sở thương lượng lại, sửa đổi, bổ sung các bản TƯLĐTT có nội dung chưa phù hợp.
- Xây dựng và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ công đoàn có kỹ năng về đối thoại, thương lượng tập thể. Thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc về thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT, thành lập Tổ tư vấn và hình thành mạng lưới hỗ trợ công đoàn cơ sở về thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện TƯLĐTT từ tỉnh đến cơ sở. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thương lượng tập thể, đối thoại, xây dựng TƯLĐTT cho cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và cán bộ công đoàn cơ sở.
- Thường xuyên phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về lao động; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát về thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT.
- Tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của các cấp chính quyền, chuyên môn về công tác đối thoại, thương lượng tập thể; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả hoạt động thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại doanh nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách cho hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Nghị quyết số 05/NQ-LĐLĐ của Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh về “Đổi mới và nâng cao chất lượng thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể” được ban hành vào thời điểm rất có ý nghĩa, tỉnh nhà đã và đang thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, lực lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang tăng nhanh. Vì vậy, vai trò của tổ chức công đoàn trong việc thương lượng với người sử dụng lao động nhằm đưa các điều khoản có lợi cho người lao động về việc làm, tiền lương, nhà ở, đời sống vật chất, tinh thần, đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp vào TƯLĐTT là rất quan trọng. Tin tưởng rằng, Nghị quyết 05/NQ-LĐLĐ sẽ tạo bước đột phá trong việc phát huy tối đa vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động của các cấp công đoàn Hà Tĩnh”.
Hôm nay : 0
Tháng này : 48004