Ngày 3.7, tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN lần thứ 6 (khoá XII), đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN cho rằng, bối cảnh hiện nay đòi hỏi công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam phải có sự đột phá về nội dung, phương thức theo hướng chủ động, nhạy bén, toàn diện và hiệu quả hơn. Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác truyền thông trong thời gian tới, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN sẽ ban hành chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023” (Chương trình).
Nhân dịp Tháng Công nhân 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Hải Nguyễn
Mục tiêu của Chương trình là nâng cao nhận thức của cán bộ công đoàn, các cấp công đoàn về công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam; xây dựng và bảo vệ hình ảnh Công đoàn Việt Nam là “tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động”; thúc đẩy sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, người sử dụng lao động đối với Công đoàn Việt Nam và hoạt động của các cấp công đoàn.
Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn
Quảng bá hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam, hoạt động thiết thực của các cấp công đoàn, các hành động sâu sắc, hiệu quả của cán bộ công đoàn vì đoàn viên, người lao động. Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam tập trung vào việc sử dụng công nghệ và kỹ thuật truyền thông hiện đại gắn với tổ chức nghiên cứu xây dựng hoạt động trọng tâm, trọng điểm của các cấp công đoàn trong truyền thông. Tập trung các nguồn lực đầu tư cho công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam, ưu tiên các hoạt động tạo lan tỏa rộng đến đoàn viên, người lao động.
Chương trình sẽ tập trung vào 4 kênh truyền thông gồm: Các kênh truyền thông báo chí trong và ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam; các kênh truyền thông trực tiếp; những người có uy tín trong tổ chức Công đoàn Việt Nam; các sự kiện như Tết Sum vầy, Tháng Công nhân, Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam…
Bạn đọc với Báo Lao Động. Ảnh: Hải Nguyễn
Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN cho rằng cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí thuộc hệ thống Công đoàn trong chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng thông tin dư luận. Trong đó, Báo Lao Động - cơ quan của Tổng LĐLĐVN, Tiếng nói của công nhân viên chức lao động Việt Nam - cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng phạm vi hoạt động Trung tâm truyền thông đa phương tiện đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức cung cấp thông tin cho đoàn viên, người lao động, bảo đảm thông tin nhanh chóng, chính xác, bằng các hình thức hiện đại, sinh động, phù hợp với nhu cầu và năng lực tiếp nhận thông tin của đại đa số đoàn viên, người lao động và các cấp công đoàn; chú trọng xây dựng và phát triển kênh truyền hình Lao Động, từng bước chủ động sản xuất bản tin hàng ngày 5 – 7 phút, tiến tới tin tổng hợp hàng tuần 15 phút...
Nhân dịp Tháng Công nhân 2020, đồng chí Trương Thị Bích Hạnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - trao quà cho công nhân gặp khó khăn tại doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Trung
Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Cổng thông tin/trang thông tin điện tử (sau đây gọi chung là website) của Tổng LĐLĐ Việt Nam và các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Phát triển kênh truyền thông trực tiếp có tác động nhanh, sức lan tỏa rộng để đưa thông tin đến đoàn viên, người lao động; Phát huy vai trò của những người có uy tín, báo cáo viên cùng tham gia các hoạt động của tổ chức công đoàn, thu hút sự chú ý của đoàn viên, người lao động và truyền thông; Đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng mạng xã hội phổ biến và ứng dụng trên điện thoại di động; thí điểm theo dõi và nắm bắt xu hướng thông tin về đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn qua các công cụ lắng nghe mạng xã hội; Hình thành bộ phận tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin; Xây dựng các sản phẩm văn hóa - truyền thông phục vụ đông đảo đoàn viên, người lao động; xây dựng đội ngũ làm công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm…
Chương trình sẽ chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 2019 - 2020 - Công đoàn Việt Nam tập trung tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hoạt động công đoàn cơ sở với 7 nhóm vấn đề chủ yếu. Trong giai đoạn này, Chương trình thực hiện thí điểm chương trình truyền thông Công đoàn Việt Nam; đào tạo, tập huấn nhân lực chuyên nghiệp để thực hiện công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam, kỹ năng truyền thông, quảng bá hình ảnh tổ chức và hoạt động công đoàn; hình ảnh cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo công đoàn các cấp…
Giai đoạn 2021-2023, Công đoàn Việt Nam nâng cao vai trò đại diện của đoàn viên, người lao động theo pháp luật, hoạt động ngày càng thực chất, thực sự là điểm tựa vững chắc, là sự chựa chọn đầu tiên của người lao động đối với tổ chức đại diện cho mình…
Công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn này là tiếp tục triển khai công tác truyền thông theo mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp đảm bảo đạt được kết quả đề ra; hoàn chỉnh cơ cấu, xây dựng lực lượng, kết nối các kênh truyền thông từ Tổng Liên đoàn đến công đoàn cơ sở để bảo đảm truyền thông các cấp vừa chủ động, sáng tạo vừa có sự nhất quán, tập trung; đẩy mạnh các hoạt động tương tác, kết nối với đoàn viên công đoàn, người lao động; tăng cường sự hiện diện của Công đoàn Việt Nam trên mọi lĩnh vực liên quan đến đoàn viên, người lao động trên báo chí và mạng xã hội…
Hôm nay : 2593
Tháng này : 44327