Đối với Liên đoàn Lao động các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị, các cấp Công đoàn cần tuyên truyền rộng rãi và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, nhất là đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt để đoàn viên, người lao động an tâm "ai ở đâu ở đấy".
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 31/7 đã có Công văn gửi Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc về việc triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong các cấp Công đoàn.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh thăm, tặng quà người lao động Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long, động viên người lao động chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và yên tâm sản xuất. Ảnh: B.D |
Công văn nêu rõ: Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn yêu cầu các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc triển khai một số nhiệm vụ cấp bách. Cụ thể:
Cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung chỉ đạo, phối hợp thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả các biện pháp cụ thể phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, địa phương, ngành, Tập đoàn, Tổng Công ty đã ban hành trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, cần quan tâm chăm lo đời sống, kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm, động viên tinh thần đoàn viên, người lao động. Không để đoàn viên, người lao động thiếu ăn, thiếu mặc. Triển khai thực hiện khẩn trương gói hỗ trợ và các chính sách chăm lo người lao động của Tổng Liên đoàn. Tham gia đôn đốc, giám sát và triển khai thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ. Tham mưu với chính quyền địa phương ưu tiên và sớm thực hiện việc tiêm vắc xin cho công nhân và cán bộ công đoàn, nhất là những đồng chí tham gia tuyến đầu chống dịch.
Chỉ đạo Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở tuyên truyền, vận động người lao động ở lại sản xuất tại những doanh nghiệp có đủ các điều kiện đảm bảo sản xuất an toàn, thể hiện trách nhiệm chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp.
Đối với Liên đoàn Lao động các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị, các cấp Công đoàn tuyên truyền rộng rãi và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, nhất là đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt để đoàn viên, người lao động an tâm "ai ở đâu ở đấy". Công đoàn phối hợp với các cấp, các ngành và người sử dụng lao động tuyệt đối không để đoàn viên, người lao động di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ ngày 1/8/2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).
Đối với đoàn viên, người lao động đã rời khỏi tỉnh, thành phố xuất phát đến địa bàn tỉnh, thành phố khác: Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố trên cung đường người lao động đi qua, báo cáo cấp ủy, chính quyền, tham gia cùng Mặt trận Tổ quốc địa phương hỗ trợ người lao động căn cứ theo mức hỗ trợ chung của địa phương, tối đa không quá 60.000 đồng/người, từ nguồn kinh phí Công đoàn tích lũy.
Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố nơi người lao động trở về, tham gia cùng chính quyền địa phương tổ chức đón, đưa về địa phương đảm bảo an toàn.
Đối với đoàn viên, người lao động đăng ký trở về địa phương thuộc đối tượng được chính quyền nơi đi, nơi đến cho phép: Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố nơi đi lập danh sách, báo cáo, tham mưu với cấp ủy, chính quyền tổ chức theo đoàn đảm bảo an toàn. Nếu có đoàn viên, người lao động gặp khó khăn, cần hỗ trợ, căn cứ các quy định hiện hành của Tổng Liên đoàn để áp dụng và giải quyết kịp thời. Thông báo cho Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố nơi đến biết và phối hợp thực hiện.
Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố nơi đến báo cáo, tham mưu với cấp ủy, chính quyền tổ chức đón, tiếp nhận người lao động trở về địa phương an toàn, tổ chức cách ly, giám sát y tế theo đúng quy định. Đối với người lao động đặc biệt khó khăn cần hỗ trợ, phải phối hợp, lấy thông tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố nơi đi để xem xét, quyết định việc hỗ trợ.
Đối với những địa phương chưa thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, Tổng Liên đoàn yêu cầu Công đoàn cần nắm bắt tình hình đoàn viên, người lao động có nhu cầu trở về địa phương; tuyên truyền, vận động để đoàn viên, người lao động không rời địa bàn; trong trường hợp cần thiết phải rời địa bàn, Công đoàn lập danh sách, nghiên cứu kỹ các quy định cho phép của nơi đi và nơi đến để tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với người sử dụng lao động để có các giải pháp kịp thời, cụ thể.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp Công đoàn kịp thời vận động, chia sẻ để đoàn viên, người lao động bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng; đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước, quyết tâm cao, nỗ lực vượt khó, chia sẻ với khó khăn chung của doanh nghiệp, địa phương và đất nước, tin vào thắng lợi cuối cùng; không để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, lôi kéo đoàn viên, người lao động gây mất an ninh - trật tự và an toàn xã hội.
Đối với Công đoàn ngành Y tế, Công đoàn Công an, Công đoàn Quân đội, Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố đang có dịch diễn biến phức tạp, cần tiếp tục chăm lo động viên tinh thần, hỗ trợ nguồn lực và đảm bảo các điều kiện an toàn cho cán bộ, đoàn viên đang ngày đêm nỗ lực tham gia phòng, chống dịch.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc cả nước tiếp tục quan tâm động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất và các điều kiện chống dịch cho các địa phương đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Hôm nay : 600
Tháng này : 42458