Trong suy nghĩ của không ít người, việc của công đoàn là vô thưởng vô phạt và cán bộ công đoàn chỉ quanh quẩn với thăm hỏi, hiếu hỷ. Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/ 1929 - 28/7/2019), hãy nghe cán bộ Công đoàn Hà Tĩnh chia sẻ công việc nhiều trăn trở, lắm chông gai của họ.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh Hồ Sỹ Quốc: Làm công tác công đoàn trong doanh nghiệp nước ngoài phải hiểu biết về tập quán sinh hoạt, văn hóa của hai nước.
Anh Hồ Sỹ Quốc trao phần thưởng cho đoàn viên công đoàn công ty trong giải đấu thể thao được tổ chức thường niên
Lãnh đạo doanh nghiệp (DN) chấp hành khá tốt pháp luật lao động nên phúc lợi của 6.400 đoàn viên/6.800 công nhân lao động (CNLĐ) tại công ty chúng tôi luôn được đảm bảo; công đoàn được tạo điều kiện hoạt động. Đó là thuận lợi lớn cho chúng tôi trong quá trình hoạt động.
Tuy nhiên, cán bộ công đoàn trong DN nước ngoài thì ngoài trình độ chuyên môn, ngoại ngữ còn phải có sự nhạy cảm, hiểu biết nhất định về tập quán sinh hoạt, văn hóa riêng của hai nước… để có sự tham mưu phù hợp trong tổ chức thực hiện các vấn đề liên quan đến đời sống, quyền lợi của CNLĐ. Muốn làm tốt được điều đó, cán bộ công đoàn vừa phải sâu sát để kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ, vừa phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo DN. Mục đích cuối cùng vẫn là chăm lo cho đời sống của CNLĐ; xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định trong DN.
Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh Phan Mạnh Hùng: Khó định hướng tư tưởng cho công nhân nếu cán bộ công đoàn không tự nâng cao trình độ.
Công nhân lao động giờ hiểu biết rộng, nắm tình hình sâu, cán bộ công đoàn không giỏi về lý thuyết, vững về kỹ năng tuyên truyền, vận động thì khó mà thuyết phục được họ. Do đó, cán bộ công đoàn không thể chỉ giáo điều những kiến thức cũ kỹ, theo lối mòn mà phải thay đổi cách thức tiếp cận và truyền đạt; thường xuyên cập nhật tình hình, biến động kinh tế - chính trị - xã hội và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Những năm gần đây, bên cạnh tổ chức các lớp truyền thông pháp luật lưu động, gặp gỡ đối thoại trực tiếp với người lao động (NLĐ), các cấp công đoàn ở Hà Tĩnh đã tận dụng tuyệt đối tiện ích của các phương tiện truyền thông như mạng xã hội, cơ quan thông tấn báo chí… Việc thay đổi cách thức hoạt động đã mang lại hiệu quả rõ nét trong tiếp cận, tuyên truyền, góp phần định hướng, ổn định tư tưởng cho đoàn viên, lao động trước những biến động của tình hình thời kỳ mới.
Chủ tịch LĐLĐ huyện Vũ Quang Lê Văn Hùng: Coi đoàn viên, người lao động như người thân, đặc biệt là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.
Chủ tịch LĐLĐ huyện Vũ Quang Lê Văn Hùng và cán bộ công đoàn cơ sở thăm quà, thăm hỏi cô Lê Thị Thu Phương - đoàn viên công đoàn Trường Mầm non thị trấn Vũ Quang.
Trong suốt những năm tháng làm công đoàn, tôi đã đi nhiều, gặp gỡ nhiều hoàn cảnh gia đình đoàn viên, lao động khó khăn, bị tai nạn, ốm đau bệnh tật. Kinh phí công đoàn thì có hạn, trong khi số lượng đoàn viên, NLĐ cần hỗ trợ nhiều, mỗi người một hoàn cảnh và luôn làm chúng tôi đau đáu khi chưa làm được gì giúp đỡ họ.
Mỗi suất quà sẻ chia khó khăn, mỗi một căn nhà mái ấm được công đoàn góp sức xây dựng không chỉ là món quà vật chất mà còn là món quà tinh thần to lớn đối với họ. Chúng tôi coi họ như người thân, thường xuyên đi lại, thăm hỏi mỗi dịp lễ tết, và họ cũng coi chúng tôi như người nhà. Đó là động lực để cán bộ công đoàn nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác chăm lo đời sống cho NLĐ.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Hải Linh (TP Hà Tĩnh) Ngô Thị Ngọc: Cán bộ công đoàn là trung gian để hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động.
Trước khi chúng tôi xây dựng thành công thỏa ước lao động tập thể vào năm 2016, mối quan hệ giữa chủ DN và NLĐ thường phát sinh những bất cập. Chủ DN chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc xây dựng thỏa ước và vai trò của công đoàn; NLĐ thì lại có những đòi hỏi về quyền lợi vượt quá khả năng đáp ứng của DN. Trước tình hình đó, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn, tôi đã tham mưu lãnh đạo công ty về các quy định pháp luật lao động, đàm phán nhiều điều khoản; đồng thời, tuyên truyền cho NLĐ hiểu, chia sẻ với DN.
Trên cơ sở tôn trọng quyền, lợi ích của hai bên, tôi đã xây dựng một bản thỏa ước lao động tập thể. Sau một thời gian thực hiện, quan hệ lao động trong DN đã trở nên hài hòa: Lãnh đạo quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của nhân viên; nhân viên tin tưởng và tâm huyết hơn với công ty.
Hôm nay : 519
Tháng này : 56036