Bộ luật Lao động 2019, lần đầu tiên quy định người lao động được thành lập tổ chức đại diện cho mình tại doanh nghiệp, ngoài Công đoàn Việt Nam. Đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Việc cho phép thành lập “Tổ chức đại diện người lao động” là xu thế tất yếu khi Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, nhằm đảm bảo quyền của người lao động, tuy nhiên việc núp bóng tổ chức này nhằm lôi kéo người lao động thực hiện những việc làm phi pháp, đi ngược lại với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, âm mưu chống phá, lật đổ Đảng Cộng sản tại Việt Nam, từ đó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, tổ chức Công đoàn, người lao động nhìn nhận, đấu tranh không khoan nhượng.
“Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng”
Nền tảng tư tưởng của Đảng là hệ thống lý luận, là cơ sở khoa học và thực tiễn về xây dựng Đảng, về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, về định hướng phát triển của Đảng, về mục tiêu đấu tranh cách mạng của Đảng. Một đảng chính trị (chính đảng) nhất thiết phải có một nền tảng tư tưởng riêng và không được tách rời nền tảng tư tưởng đó, V.I. Lênin chỉ rõ: “Chỉ đảng nào có được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”. Nền tảng tư tưởng của Đảng là bộ phận quan trọng, là nhân tố căn bản, cốt lõi, tạo cơ sở, tiền đề quyết định mọi hoạt động xây dựng, sinh hoạt và lãnh đạo của một Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.
Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, nền tảng tư tưởng của Đảng ta là Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nội dung nền tảng đó vừa mang tính cách mạng vừa có tính khoa học sâu sắc. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, quyết định sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
“Tổ chức đại diện người lao động” - Xu thế tất yếu
Đảng ta nhận định thành lập tổ chức đại diện người lao động là xu thế tất yếu để đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta xác định “Bảo đảm sự ra đời, hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phù hợp với quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp luật…đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội”; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định “Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn hiện nay”. Xu thế chung này đồng thời phản ánh quá trình nhận thức lâu dài của Đảng, Nhà nước ta trong vấn đề tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân qua việc nước ta đã ký kết, phê chuẩn một số văn bản, văn kiện quốc tế và quy định cụ thể trong Hiến pháp và các đạo luật khác về quyền tự do liên kết, quyền tự do lập hội.
Điều 170, Bộ luật Lao động nưm 2019 về Quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tai cơ sở, quy định: “Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn; Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”. Theo quy định của Bộ luật Lao động, Công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.
Tuy nhiên, giữa Công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có những điều khác nhau rất cơ bản. “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, trong khi đó, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được xác định là tổ chức xã hội/nghề nghiệp đơn thuần, làm chức năng đại diện bảo vệ quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của người lao động trong phạm vi quan hệ lao động.
Mưu đồ núp bóng “Tổ chức đại diện người lao động”
Lợi dụng Điều 170, Bộ luật Lao động, các thế lực thù địch, phản động đang ra sức tuyên truyền, lôi kéo, kích động công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp đứng ra thành lập “tổ chức đại diện người lao động” nhằm biến tướng thành các tổ chức “nghiệp đoàn độc lập” tại Việt Nam; từng bước tập hợp lực lượng, kích động biểu tình, đình công, đòi tự do, dân chủ…Đài Phát thanh quốc tế Pháp (RFI) cho rằng, việc Việt Nam sửa đổi Bộ luật Lao động chỉ là hình thức: “Thường là người ta phê chuẩn công ước rồi thì mới thực hiện cái sửa đổi. Thường người ta hay kéo dài việc sửa đổi những cái gì mang tính bất lợi. Vấn đề thành lập hiệp hội tự do, ở đây là công đoàn độc lập, vẫn là chuyện nhạy cảm đối với xã hội Việt Nam, nên người ta hay có tâm lý kéo dài”; RFI còn nêu đề xuất cần phải có sự giám sát, đôn đốc của quốc tế để Việt Nam thực hiện tốt việc thành lập “nghiệp đoàn độc lập” nhằm bảo vệ quyền của người lao động được tốt hơn. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân, tổ chức phản động, chống phá ở nước ngoài đã và đang tìm cách tác động, can thiệp, gây sức ép với Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, nhất là nghị định quy định về quy trình, thủ tục thành lập các tổ chức đại diện người lao động, hòng tạo tiền đề cho việc hình thành những đảng phái chính trị đối lập trong nước.
Fanpage của tổ chức Công đoàn Độc lập Việt Nam
Đài BBC Tiếng Việt xuyên tạc, phủ nhận vai trò của Tổng LĐLĐ Việt Nam và ca ngợi sự ra đời của Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (VIU). Mục tiêu trước mắt là xây dựng các mô hình tổ chức đại diện người lao động để cạnh tranh trực tiếp với Tổng LĐLĐ Việt Nam, xóa bỏ vai trò của tổ chức công đoàn, chúng viết: “Mục tiêu độc quyền hoạt động của Công đoàn Việt Nam chẳng khác nào mong muốn trở lại chế độ bao cấp, không hiệu quả, không phù hợp với tiến trình chung của đất nước, cũng như đi ngược lại với tinh thần của các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết. Bộ Luật Lao động năm 2019 cho phép có thêm tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh Công đoàn. Bộ luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, nhưng tới nay vẫn chưa có nghị định hay văn bản nào cụ thể nào để hiện thực điều này”.
Trên trang “Vietnamthoibao”, các thế lực thù địch lại tung ra nhiều bài viết, trong đó có bài “Việt Nam tiếp tục “độc quyền chính trị” về công đoàn” của Hoài Nguyễn. Bài viết cho rằng “sớm muộn gì thì Đảng cũng sẽ “vô hiệu hóa” giấc mơ về những “công đoàn độc lập” của giới dân chủ Việt nam”. Đây thực chất là luận điệu phản động, cổ súy cho âm mưu thành lập cái gọi là “Công đoàn độc lập” nhằm kích động, chia rẽ mối quan hệ giữa giai cấp công nhân với Đảng, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức công đoàn.
Trên thực tế, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng dân chủ, tự do, bác ái, ủng hộ việc thành lập các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp. Điều đó được quy định rõ trong Bộ luật Dân sự; Luật Tổ chức Chính phủ; các Nghị định của Chính phủ… Nói đúng hơn, việc thành lập tổ chức, hội, nhóm từ lâu không bị pháp luật Việt Nam ngăn cấm thành lập và hoạt động. Tuy nhiên, bất kỳ đảng phái, nhà nước, chế độ chính trị nào trên thế giới này đều cần có sự ràng buộc, giới hạn trong các khuôn khổ, quy định của luật pháp, đặt dưới sự điều hành, quản lý của Nhà nước. Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), một số thế lực đưa ra chiêu bài thành lập cái gọi là “công đoàn độc lập” để dụ dỗ, mua chuộc công nhân và người lao động Việt Nam, hình thành tổ chức mà bản chất tổ chức này không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân và người lao động.
Các thế lực từng bước đi đến hình thành một tổ chức đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, lôi kéo những người lao động và công nhân xa rời Đảng. Nếu những tổ chức này không được ngăn chặn thì sẽ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm lung lạc niềm tin của người lao động và công nhân đối với sự lãnh đạo của Đảng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sớm muộn cũng hình thành tổ chức đối lập với Đảng, thậm chí khi có điều kiện sẽ tổ chức biểu tình, bạo loạn. Với mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước, thời gian qua, nhiều thế lực đã tranh thủ truyền thông quốc tế, đưa ra quan điểm phiến diện, quy chụp đối với hệ thống công đoàn Việt Nam, trong khi tung hô các tổ chức công đoàn độc lập.
Thực tiễn tại nhiều nước trên thế giới cho thấy những bài học đắt giá nếu buông lỏng quản lý đối với các phong trào công nhân, đặc biệt khi nó được dẫn dắt bởi các tổ chức công đoàn độc lập với Nhà nước. Phong trào công nhân tại Ba Lan được dẫn dắt bởi “Công đoàn đoàn kết Ba Lan” vào những năm cuối thập niên 80 đã dẫn đến việc Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan mất vai trò lãnh đạo và sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Ba Lan vào thời điểm đó- đây là một bài học đắt giá đối với Việt Nam.
Đồng chí Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tặng Cờ thi đua xuất sắc của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh.
Công đoàn Hà Tĩnh: Khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn để đánh bại âm mưu của các thế lực thù địch
Dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, sự hỗ trợ phối hợp của cấp ủy, chính quyền tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, có nhiều đổi mới, sáng tạo, vượt qua khó khăn, ra sức thi đua, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác đề ra. Trong đó, tập trung chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, làm tốt công tác phòng, chống “diễn biến hòa bình”, giữ vững và không ngừng khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn trong giai đoạn hiện nay. Các cấp công đoàn Hà Tĩnh đã triển khai các hoạt động trọng tâm, cốt lõi theo chức năng, nhiệm vụ, trong đó tập trung hướng dẫn, chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp, kịp thời chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho đoàn viên, người lao động; thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương trong tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra các doanh nghiệp về thực hiện các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp tới quyền lợi người lao động. Luôn lấy người lao động làm trung tâm cho mọi hoạt động. Luôn lắng nghe tiếng nói của đoàn viên, CNVCLĐ và kịp thời phản ánh tình hình từ cơ sở: Tham mưu cấp ủy, phối hợp chính quyền, chuyên môn xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhất là các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh liên quan đến vấn đề doanh nghiệp, đoàn viên, người lao động. Chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động phối hợp chuyên môn tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, từng bước nâng cao chất lượng hội nghị người lao động. Bình quân hằng năm có trên 99% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức và 98% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động; phối hợp tổ chức tốt đối thoại tại nơi làm việc, nhiều vấn đề vướng mắc, bức xúc của người lao động được giải quyết kịp thời. Với phương châm “Ở đâu có công nhân lao động, ở đó có tổ chức công đoàn”, nhiệm kỳ 2018-2023, toàn tỉnh thành lập mới 220 công đoàn cơ sở, kết nạp mới hơn 22.000 đoàn viên. Ưu tiên đẩy mạnh Chương trình phúc lợi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động, đặc biệt, Chương trình “Tháng Công nhân”, “Tết Sum vầy” hằng năm thực sự trở thành đợt cao điểm để tổ chức công đoàn chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động, ưu tiên nguồn lực đồng thời vận động xã hội hóa để các doanh nghiệp, nhà hảo tâm…hỗ trợ trực tiếp cho đoàn viên, người lao động với số tiền hàng chục tỷ đồng (trong đó tỷ lệ xã hội hoá đạt trên 84%) để trao trực tiếp hàng ngàn suất quà cho đoàn viên, người lao động…
Hôm nay : 142
Tháng này : 43984