Ngày 22/6, tại Hà Tĩnh, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Đề án “Đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả đào tạo của hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2022-2030" (sau đây gọi tắt Đề án). Đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu các vấn đề cần tập trung thảo luận tại Hội thảo. Ảnh: MAI LIỄU
Phát biểu mở đầu chương trình, đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, đây là Đề án rất quan trọng, đã được nghiên cứu, chuẩn bị công phu. Tổ chức Công đoàn muốn nâng cao tay nghề và tạo việc làm bền vững cho người lao động thì phải nâng cao chất lượng các trường nghề.
Mặc dù các trường nghề của Tổng LĐLĐ Việt Nam không nhiều nhưng nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn rất lớn. Do đó, đại diện các cơ sở giáo dục cần đánh giá lại kết quả đạt được trong thời gian qua, những thuận lợi, hạn chế và xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể.
Đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến cho Đề án. Trong đó, tập trung vào thực trạng, những khó khăn của các đơn vị hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Định nêu những khó khăn, kiến nghị từ thực tế cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn tại Bình Định. Rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến quá trình phát triển các trường nghề, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo là công tác tổ chức cán bộ. Cán bộ, nhân viên, giáo viên làm việc tại các trường nghề không nằm trong định biên viên chức của Tổng LĐLĐ cũng như của tỉnh. Do đó, họ chơi vơi, ảnh hưởng đến quyền lợi. Cơ sở vật chất của các trường nghề hiện chưa được đầu tư xứng tầm với loại hình đào tạo.
LĐLĐ tỉnh Bình Định đề nghị Tổng Liên đoàn sớm tháo gỡ 2 khó khăn trên và sớm phê duyệt đề án vị trí việc làm, triển khai xây dựng đề án sử dụng tài sản công, đề án tự chủ.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Thuận Nguyễn Xuân Phối phát biểu ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: MAi LIỄU |
Đồng chí Nguyễn Xuân Phối – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Thuận thì nhấn mạnh, Đề án cần khẳng định hơn nữa vai trò của tổ chức Công đoàn đối với các trường nghề. Cần tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền về các trường nghề trên hệ thống các cơ quan báo chí của tổ chức Công đoàn, trên các trang mạng xã hội.
Tổ chức Công đoàn phải đầu tư nâng cao chất lượng các trường nghề để tạo uy tín, niềm tin, thu hút sự lựa chọn của doanh nghiệp và người lao động và nhất định phải sớm phê duyệt đề án tự chủ của các trường để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cho rằng Đề án đã nêu nhiều thực trạng của các trường nhưng giải pháp thế nào thì cần phải bàn cho rõ ràng, bàn rồi thì phải làm sao để giải quyết được, đồng chí Nguyễn Văn Danh – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh nói: “Đề án phải xác lập rõ vị trí của các trường và các cơ quan chủ quản, rồi xác lập về quy mô và quy hoạch của các trường. Đề nghị Tổng Liên đoàn phải ban hành nghị quyết kèm theo Đề án để tập trung giải quyết hiệu quả”.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh việc xác lập vị trí của các trường. Ảnh: MAI LIỄU |
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Bắc Ninh cũng nêu mong muốn khẩn thiết nhất hiện nay là có biên chế cho các trường nghề, làm rõ nguồn kinh phí hoạt động của các trường nghề, việc phân cấp quản lý các trường và Tổng LĐLĐ Việt Nam cần sớm phê duyệt các đề án vị trí việc làm, đề án tự chủ… Ngoài ra, đại diện LĐLĐ các tỉnh cũng nêu ý kiến bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung trong Đề án.
Sau phần thảo luận, nêu ý kiến của lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, thành phố, lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng trao đổi về những khó khăn, vướng mắc mà các đơn vị đang gặp cũng như đang quan tâm, chờ đợi. Đồng thời, nêu các giải pháp để nâng cao công tác quản lý, đào tạo của các đơn vị.
Đại diện các cơ sở giáo dục đóng góp ý kiến để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo. Ảnh: MAI LIỄU |
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định các ý kiến phát biểu, tham luận của đại biểu đã đánh giá cao công tác chuẩn bị xây dựng Đề án nghiêm túc, chất lượng, sát thực tế; khẳng định tầm quan trọng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn. Đồng thời, nêu ra những vấn đề cần quan tâm, những khó khăn, vướng mắc như địa vị pháp lý của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam hay trực thuộc các LĐLĐ tỉnh, thành phố), vấn đề biên chế cho cán bộ, giáo viên trường nghề, vấn đề nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, liên doanh, liên kết, nâng cao chất lượng đào tạo nghề….
“Cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn không chỉ đào tạo nghề cho xã hội, mà còn hướng đến mục tiêu đào tạo nghề cho con công nhân, đặc biệt là con công nhân có hoàn cảnh khó khăn, đào tạo cán bộ công đoàn. Chúng ta cũng mong muốn thông qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp này để phát triển đoàn viên, để truyền cảm hứng cho những người học nghề yêu tổ chức Công đoàn và muốn làm cán bộ công đoàn.
Ban Tổ chức Hội thảo trân trọng ghi nhận, tiếp thu tất cả các ý kiến của các đơn vị để báo cáo Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam để tiếp tục hoàn thiện Đề án và các văn bản pháp lý tiếp theo nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra” – đồng chí Ngọ Duy Hiểu khẳng định.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi gắm: "Tổ chức Công đoàn mong muốn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chung tay vượt khó, chung tay thay đổi và chung tay làm sống lại chính mình".
----------------------------------------------------
Theo số liệu cập nhật, sau sắp xếp, tổ chức Công đoàn Việt Nam hiện có 3 trường cao đẳng nghề, 14 trường trung cấp nghề và 2 trung tâm giáo dục nghề nghiệp công đoàn, với đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên và giáo viên là 970 người. Giai đoạn 2019-2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh được 238.267 người tham gia học nghề, có 223.774 học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường nghề. Đề án đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 8 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp và 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ năng lực thực hiện đào tạo nghề cho trên 40.000 người/năm, 80 đến 90% người lao động sau khi được đào tạo nghề có việc làm và thu nhập ổn định. 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 90% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại. Ít nhất 70% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. 90 đến 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tập huấn nghiệp vụ công đoàn và huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. Có 3 trường cao đẳng chất lượng cao, trong đó 1 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 2 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển. Đến năm 2030, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ tài chính 100% chi hoạt động thường xuyên. |
Hôm nay : 1491
Tháng này : 37186