Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về cán bộ công đoàn: “Muốn phong trào công đoàn mạnh cần có cán bộ công đoàn tốt. Cán bộ công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu về quản lý kinh tế, khoa học kĩ thuật. Cán bộ công đoàn phải giỏi về chính trị, thạo về kinh tế thì mới lãnh đạo được đội ngũ công nhân ngày càng phát triển lại có trình độ cả về tư tưởng văn hoá, kĩ thuật. Cán bộ công đoàn phải tham gia lao động, gần gũi công nhân, viên chức, phải biết dựa vào quần chúng, phát huy sức sáng tạo của quần chúng, học tập kinh ngiệm của quần chúng, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng bàn bạc với công nhân. Có như thế mới có thể biết được công nhân muốn gì, nghĩ gì, lo gì?... Phải lắng nghe sáng kiến và lời phê bình của công nhân, phải thật sự dựa vào công nhân, đi đúng đường lối quần chúng, nắm vững chính sách của Đảng”.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/11/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã chỉ rõ: “Chú ý hơn nữa công tác bồi dưỡng, phát triển đảng trong công nhân. Có cơ chế, chính sách đẩy mạnh việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng những cán bộ ưu tú xuất thân từ công nhân, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất, tăng dần tỉ lệ cán bộ xuất thân từ công nhân trong bộ máy lãnh đạo các cấp của Đảng, Nhà nước, Công đoàn và các tổ chức chính trị- xã hội khác. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và tạo cơ hội phát triển cho những cán bộ công đoàn trẻ, cán bộ thanh niên có năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức tốt xuất thân từ công nhân.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của công nhân và công đoàn, tôn trọng và phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của tổ chức công đoàn. Chú trọng lãnh đạo, tạo điều kiện để công đoàn phát huy tốt vị trí, vai trò của mình.”
LĐLĐ tỉnh tập huấn nghiệp vụ công đoàn năm 2024
Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp về “xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”; “Bảo đảm về số lượng, chất lượng, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, có năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết người lao động”.
Tại lớp tập huấn đội ngũ cán bộ công đoàn chủ chốt năm 2019, do Tổng Liên đoàn tổ chức, đồng chí Trương Thị Mai- Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức TW (khi đó là Trưởng ban Dân vận Trung ương) đã quán triệt quan điểm của Đảng về công tác công đoàn trong tình hình mới, đã nói: “…Trong các tổ chức chính trị- xã hội, Đảng, Nhà nước và xã hội luôn dành cho tổ chức Công đoàn một vị trí đặc biệt; nhất là khi Việt Nam bước vào xây dựng nền kinh tế thị trường, Công đoàn phải là tổ chức đầu tiên có sự đột phá để bảo vệ người lao động. Nếu công đoàn không mạnh thì không đại diện, bảo vệ đoàn viên, người lao động được, rủi ro của người lao động sẽ lớn. Vì vậy, từng cán bộ công đoàn cũng phải mạnh để bảo vệ được quyền lợi của người lao động”. Đồng chí khẳng định: “Trong 10 năm tiếp theo, công đoàn vẫn là tổ chức lớn nhất, mạnh nhất, nhưng đòi hỏi công đoàn phải liên tục đổi mới để thích nghi, phát triển; để lựa chọn đầu tiên của người lao động là tổ chức công đoàn… Cán bộ công đoàn phải linh hoạt, cơ động để bất cứ khi nào đoàn viên, người lao động cần là có mặt...”.
LĐLĐ tỉnh tặng hoa chúc mừng đồng chí Tăng Thị Linh Chi về nhận nhiệm vụ tại LĐLĐ tỉnh, được bầu giữ chức Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh
Từ những quan điểm trên để thấy rằng tổ chức Công đoàn và công tác cán bộ công đoàn dù trong thời kỳ nào cũng có vai trò, vị trí rất quan trọng, nhất là giai đoạn hiện nay, khi thực thi các cam kết quốc tế, khi tổ chức của người lao động khác ngoài tổ chức công đoàn ở doanh nghiệp được pháp luật cho phép thành lập.
Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy việc quản lý, sử dụng, bố trí cán bộ công đoàn chưa thống nhất, một số địa phương việc quản lý, sử dụng cán bộ công đoàn còn bất cập, rất khó khăn cho hoạt động công đoàn. Cán bộ công đoàn chuyên trách ở cơ quan liên đoàn lao động cấp huyện do Liên đoàn Lao động tỉnh quản lý hồ sơ, nhận xét, đánh giá cán bộ hàng năm, chi trả tiền lương, thực hiện chế độ, chính sách cán bộ và cấp kinh phí hoạt động cho liên đoàn lao động cấp huyện… nhưng một số nơi cán bộ chuyên trách liên đoàn lao động cấp huyện hoàn toàn do cấp ủy huyện quyết định, từ số lượng đến phân công điều động, bố trí công tác… coi việc quản lý cán bộ công đoàn cũng như cán bộ đoàn thể khác, thậm chí có nơi cấp ủy chỉ định cán bộ làm chủ tịch liên đoàn lao động huyện nhưng không bàn bạc, trao đổi, thống nhất với Liên đoàn Lao động tỉnh?.
Ở Hà Tĩnh, hoạt động công đoàn nói chung, công tác cán bộ công đoàn nói riêng khá thuận lợi. Trên cơ sở quy định của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất quan tâm đến hoạt động công đoàn và công tác cán bộ công đoàn; Tỉnh ủy quản lý về số lượng cán bộ, tuyển dụng cán bộ công đoàn chuyên trách, nhưng giao Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về đánh giá xếp loại cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, điều động, bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ trong hệ thống; đối với chức danh chủ tịch, phó chủ tịch liên đoàn lao động cấp huyện phải có sự bàn bạc, thống nhất, đồng thuận của cấp ủy huyện và Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh.
LĐLĐ tỉnh tăng cường công tác tập huấn cho cán bộ công đoàn chuyên trách
Để công tác cán bộ công đoàn đảm bảo quy định của Đảng, cán bộ công đoàn thực sự là nhân tố quyết định phong trào công nhân và hoạt động công đoàn, đòi hỏi phải có sự nhận thức đúng và đầy đủ về tổ chức công đoàn trong tình hình mới.
Thứ nhất. Khẳng định tổ chức công đoàn có tính đặc thù so với các tổ chức chính trị- xã hội khác; do đó, cán bộ công đoàn cũng có tính đặc thù so với cán bộ của các tổ chức khác. Tất nhiên không có tổ chức nào giống tổ chức nào, mỗi tổ chức đều có tính đặc thù riêng. Tuy vậy, từ đối tượng tập hợp, chức năng, nhiệm vụ đến việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên trách đều có khác biệt đáng kể.
Nói đến bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên thì tổ chức nào cũng có chức năng này, nhưng với tổ chức công đoàn thì đây vừa là chức năng bẩm sinh vừa là nhiệm vụ rất khó khăn và nặng nề, là sự sống còn của tổ chức công đoàn nếu không thực hiện tốt chức năng này. Hay như phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp hiện đã khó khăn chưa nói đến khi có tổ chức đại diện người lao động khác cạnh tranh…
Về cán bộ công đoàn chuyên trách. Cán bộ chủ chốt các cấp công đoàn chủ yếu do Đảng bố trí, chưa có kinh nghiệm hoạt động công đoàn, chưa qua thực tiễn phong trào công nhân. Đáng quan tâm nhất là công đoàn cấp huyện, cán bộ chủ chốt tham gia quá nhiều việc không liên quan đến hoạt động công đoàn… Cán bộ công đoàn chuyên trách thì việc tuyển dụng theo quy định chung của Đảng, do vậy đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách có thể có trình độ ngoại ngữ, trình độ tin học, kết quả đào tạo khá tại trường Đại học…nhưng không am hiểu doanh nghiệp, không hiểu được khó khăn, vất vả của công nhân lao động…để lắng nghe, chia sẻ thì không thể có được đội ngũ cán bộ công đoàn chất lượng, hiệu quả trong hoạt động công đoàn (việc tuyển dụng cán bộ công đoàn hiện tại ngược với quan điểm của Bác Hồ khi nói về cán bộ công đoàn). Cán bộ chủ chốt công đoàn tham gia cấp ủy là để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng về chủ trương, đường lối, về công tác quản lý cán bộ của Đảng, để tham mưu cho Đảng chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến phong trào công nhân và hoạt động công đoàn, để phản ánh tiếng nói của công nhân lao động với Đảng, chứ cán bộ công đoàn tham gia cấp ủy không phải để tham gia các ban, các hội đồng không liên quan đến công nhân, viên chức, lao động và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn… Cán bộ chủ chốt công đoàn tham gia Hội đồng nhân dân cùng cấp cũng để nói tiếng nói của đoàn viên, của công nhân lao động, chứ không phải tham gia để làm nông thôn mới, để chỉ đạo sản xuất nông nghiệp…, tham gia các ban, các hội đồng không liên quan đến công nhân, viên chức, lao động và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn…
Nói tóm lại: Cán bộ công đoàn chỉ nên cơ cấu tham gia thành phần các Ban chỉ đạo, Hội đồng… khi và chỉ khi các hoạt động của Ban chỉ đạo đó, Hội đồng đó có liên quan đến phong trào công nhân và hoạt động công đoàn của địa phương.
Rất nên có quy định, cơ chế đặc thù để tuyển dụng, sử dụng cán bộ công đoàn trưởng thành trong phong trào công nhân và hoạt động công đoàn khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Có như vậy mới xây dựng được đội ngũ cán bộ công đoàn như lời Bác Hồ: “…gần gũi công nhân, viên chức, phải biết dựa vào quần chúng, phát huy sức sáng tạo của quần chúng, học tập kinh ngiệm của quần chúng, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng bàn bạc với công nhân. Có như thế mới có thể biết được công nhân muốn gì, nghĩ gì, lo gì?... Phải lắng nghe sáng kiến và lời phê bình của công nhân, phải thật sự dựa vào công nhân, đi đúng đường lối quần chúng, nắm vững chính sách của Đảng”.
Với đặc thù của tổ chức công đoàn, để công đoàn hoạt động hiệu quả thì cán bộ công đoàn phải là người được đoàn viên và người lao động tín nhiệm và thừa nhận. Tuy nhiên, hiện tại cán bộ công đoàn chủ chốt công đoàn cấp trên trực tiếp trở lên do Đảng phân công, tuyển dụng cán bộ công đoàn chuyên trách thực hiện theo quy định của Đảng; tư duy chọn cán bộ công đoàn thay cho đoàn viên, người lao động đang diễn ra ở cả trong Đảng và trong tổ chức công đoàn.
Thứ hai. Xác định rõ chức năng của tổ chức Công đoàn Việt Nam để đề ra nhiệm vụ cụ thể của tổ chức công đoàn, của đội ngũ cán bộ chuyên trách công đoàn, có như vậy mới tinh gọn được số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách trong các cơ quan công đoàn.
Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn đã được pháp luật quy định cụ thể (mục 1, Chương 2, Luật Công đoàn năm 2012 có 08 điều, với 27 nội dung quy định quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn). Pháp luật đã bảo hộ cho công đoàn rất nhiều quyền và trách nhiệm, nhưng thực tiễn hoạt động công đoàn cho thấy rất khó và không thể thực hiện tốt tất cả các quyền và nhiệm vụ theo quy định được, bởi nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách không thể đáp ứng.
Từ thực tế trên, nếu vẫn quy định công đoàn vẫn có rất nhiều nhiệm vụ, quyền hạn thì số lượng cán bộ như hiện tại không những không nhiều mà còn không đủ để thực hiện nhiệm vụ- nhất là ở cơ quan liên đoàn lao động cấp tỉnh, cấp huyện. Để tinh gọn đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách, nhất thiết phải quy định lại chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, sắp xếp lại tổ chức các ban, các bộ phận ở các cơ quan liên đoàn lao động cấp tỉnh, cấp huyện.
Đảng là tổ chức quản lý toàn diện đối với công tác cán bộ công đoàn, nhưng nên xem việc tuyển dụng, sử dụng, bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách có tính đặc thù; có quy định đặc thù (riêng) việc tuyển dụng đối với cán bộ trưởng thành từ hoạt động công đoàn khu vực doanh nghiệp là những người có năng lực, tâm huyết, bản lĩnh để bố trí làm cán bộ công đoàn chuyên trách trong các cơ quan công đoàn. Nên quy định thống nhất Tỉnh ủy quản lý đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách công đoàn cấp tỉnh; phân cấp Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh là cơ quan chủ trì phối hợp cấp ủy cấp huyện trong việc quản lý, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ công đoàn chuyên trách liên đoàn lao động cấp huyện.
Hôm nay : 3454
Tháng này : 54693