Những nốt thăng trầm của cuộc đời và những khoảnh khắc muốn buông bỏ là lúc những người lao động chất phác, hồn hậu đi đến tận cùng của mệt mỏi, bi quan. “Tiếp tục hay buông bỏ?” là cuộc đấu tranh thầm lặng nhưng đầy day dứt… Nhưng cuối cùng, vượt lên tất cả, chính tình người, sự ấm áp của tổ chức công đoàn đã thắp lên niềm tin, nghị lực sống.
Chị Lan với niềm vui trong công việc hàng ngày
Biến cố cuộc đời và ý định buông xuôi…
Những đêm giao thừa, mọi người quây quần sum họp bên gia đình, thời điểm vui nhất, hạnh phúc nhất, đủ đầy các thành viên gia đình nhất sau một năm với bao nhiêu bộn bề toan lo của cuộc sống…
Vậy nhưng, thời điểm ấy, chị Trần Thị Lan, công nhân Công ty Cổ phần môi trường Đô thị Hà Tĩnh cũng như những đồng nghiệp của mình vẫn cần mẫn với công việc làm sạch đẹp phố phường...
Với chị, gắn bó với công việc này đồng nghĩa phải hy sinh hạnh phúc riêng, hy sinh những niềm vui cá nhân để mùa xuân của thành phố thêm đẹp… Thế nhưng, cũng đã có những lúc quá mệt mỏi, chị muốn buông xuôi… Đặc biệt vào năm 2019, lúc chồng chị - anh Hồ Phi Hiệp cũng là công nhân tổ thu gom rác của Công ty, trong lúc thu gom rác, anh không may bị tai nạn lao động, bị mất sức lao động hơn 50%, phải nghỉ việc…
Tai nạn đến với anh đã khiến cuộc sống của chị Lan xáo trộn bội phần, những gánh nặng lo toan chất đầy lên đôi vai gầy; thương chồng đau yếu, phải nằm một chỗ dài ngày, lại thêm mất đi một nguồn thu nhập chính cho gia đình… Thêm một lần chị muốn buông bỏ!
Anh Lê Mạnh Hùng, công nhân Công ty Cổ phần phát triển Nông lâm Hà Tĩnh đã trải qua cuộc sống là những tháng ngày cơ cực nối tiếp. Là con trai cả trong một gia đình thuần nông nghèo thuộc thôn Thượng Tiến, xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, bố là thương binh hạng nặng, mất sớm. Từ nhỏ, anh và hai em gái đã phải lăn lộn phụ giúp mẹ việc đồng áng.
Năm 2001, anh kết duyên cùng chị Trần Thị Minh, cuộc sống vốn khó khăn thêm một lần nữa không mỉm cười với anh: Vợ anh, sau khi sinh con thứ nhất được 5 năm thì đau ốm thường xuyên, chị bị viêm khớp nặng phải thường xuyên điều trị dài ngày ở bệnh viện tuyến huyện, tỉnh. Lần lượt 2 con ra đời, những tưởng từ đây, cuộc sống sẽ được phần an ủi với tiếng cười con trẻ, nhưng số phận trớ trêu thêm một lần nữa như muốn dồn vợ chồng anh đến bước đường cùng.
Khi con trai thứ 2 chào đời, anh chị thêm 1 lần “chết lặng” khi bác sĩ thông báo con bị chứng tự kỷ tăng động. Bệnh tình của con và vợ ngày càng trở nặng. Nhìn về tương lai, người chồng, người cha ấy cảm thấy bất lực, giọt nước mắt cứ thế chảy dài, ngước nhìn lên trời với câu hỏi không lời giải “Sao cuộc sống này lại bất công, nhiều gian nan đến thế?”.
Lầm lũi tiến tới những tháng ngày tiếp theo một cách mất phương hướng, bệnh tình 2 mẹ con ngày càng xấu đi, anh cố gắng gom góp, vay mượn những nơi có thể để 2 mẹ con ra Hà Nội điều trị. Trong cảnh xa con, xa vợ mang trên vai gánh nặng gia đình…, anh đã thức biết bao đêm trằn trọc với ý định: Buông bỏ…
Cả gia đình anh Hùng sống lay lắt trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng trống trước, dột sau
Thắp lên ngọn lửa của yêu thương
Đúng vào những thời khắc bất hạnh nhất của cuộc đời thì những bàn tay nóng ấm của đồng nghiệp, của tổ ấm công đoàn lại siết chặt, vực dậy tinh thần của những thân phận hẩm hiu.
Biết chị Lan đang túng quẫn, khó khăn dồn dập, lãnh đạo, ban chấp hành công đoàn công ty đã luân phiên đến động viên chị, thăm hỏi, chăm sóc anh Hiệp - chồng chị. Họ ôn lại cùng chị về những tháng ngày chị em cùng nhau tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ tại công ty, thủ thỉ tâm tình về những đêm khuya trời rét mướt, chị em chia nhau nắm xôi vắt… Họ cần chị, người chị cả thực thụ của họ…
Và rồi, tình yêu thương chân thành đã thắp lên ngọn lửa niềm tin trong chị… Chị nói: “Chị vẫn còn yêu nghề lắm, vẫn còn yêu cuộc sống này lắm!”.
35 tuổi, người chồng, người cha Lê Mạnh Hùng với dáng thấp, nhỏ, gương mặt lúc nào cũng chứa đựng ưu tư, phiền muộn đến làm việc tại Công ty Cổ phần phát triển Nông lâm Hà Tĩnh vào năm 2010. Điều may mắn còn sót lại mà ông trời ban cho anh đó là sức khỏe và nghị lực. Vốn tính chịu thương chịu khó cùng với sự quan tâm, động viên của Ban Chấp hành Công đoàn công ty, năm 2014, anh được công ty giao nhiệm vụ kỹ thuật của tổ, ngoài công việc chuyên môn, anh đảm nhận vai trò quản lý, phân công, điều hành công việc của 10 thành viên trong tổ, năm 2015 anh được bầu làm tổ trưởng. Chính sự tin tưởng, động viên của cơ quan, đồng nghiệp và tổ chức công đoàn đã giúp anh lấy lại niềm tin, nghị lực sống.
“Những đêm mưa gió một mình ở lại trại, nỗi nhớ vợ, thương con dày vò tâm can, không làm sao chợp mắt được, từ đó đến nay cũng thấm thoắt hơn 6 năm rồi. Nghĩ không biết giờ này chân vợ có đỡ đau không? Con còn ốm và mệt nhiều không? Không có người đàn ông bên cạnh, 2 mẹ con có tủi hổ nhiều không? Tôi chợt nảy ý định bỏ lại tất cả để đến bên 2 mẹ con, kiếm việc gì đó ở Hà Nội để được gần vợ, gần con…, nhưng rồi giống như cái nghề chọn mình, có lẽ tôi không từ bỏ nghề này, mảnh đất này mà ra đi được và chờ đợi một ngày nào đó 2 mẹ con bình an trở về”.
Anh Hùng lấy lại niềm tin, tận tình hàng ngày với công việc.
Ánh sáng cuối con đường
Không phụ niềm tin, tình yêu thương của đồng nghiệp, tổ ấm Công đoàn, chị Lan trở lại với công việc của mình ở công ty. Chị tiếp tục hát, hát như cảm ơn cuộc đời, cảm ơn những tấm chân tình, hát để vượt lên những khổ đau, bất hạnh... Nhìn thấy chị tham gia các tiết mục văn nghệ, các sân chơi do công đoàn công ty hay địa phương chị tổ chức… lúc này chị như trở thành con người hoàn toàn mới: Xinh đẹp, dịu dàng, tâm hồn chị cũng như thảnh thơi hơn theo từng tiếng hát, điệu múa… mới thấy được niềm lạc quan sống trong chị đáng để ngưỡng mộ, trân quý biết nhường nào.
Chị Lan miệt mài với công việc làm sạch đẹp phố phường
Tiếp tục với những nỗ lực và cống hiến, chị là đoàn viên công đoàn xuất sắc của công ty nhiều năm liền, đối với đồng nghiệp, vắng chị Lan thì các hoạt động sẽ chưa trọn vẹn niềm vui. Chị không chỉ tham gia các hoạt động bằng nhiệt huyết, đam mê mà còn là người chị cả truyền tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong công ty lại với nhau thông qua từng hoạt động lớn nhỏ trong đơn vị.
Nơi đây, họ không chỉ đến với nhau để cùng làm việc mà còn là nơi để họ sẻ chia mỗi câu chuyện buồn vui, cùng động viên, dẫn dắt nhau vượt qua khó khăn của cuộc sống. Từ những cống hiến hết mình cho công việc chuyên môn, từ những đóng góp tích cực cho các phong trào thi đua do lãnh đạo và công đoàn công ty phát động, tổ chức, chị đã được lãnh đạo công ty, lãnh đạo cấp trên ghi nhận với những thành tích đáng tự hào.
Liên tục từ năm 2010 đến nay, chị là lao động tiên tiến, đoàn viên công đoàn xuất sắc được lãnh đạo công ty, ban chấp hành công đoàn công ty biểu dương, khen thưởng hằng năm; được Liên đoàn Lao động Thành phố tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác vận động nữ CNVCLĐ và phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai đoạn 2010-2020; năm 2018, chị được Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phụ nữ tích cực xây dựng nhà sạch, vườn đẹp…
Anh Lê Mạnh Hùng làm việc với nỗ lực gấp 2,3 người bình thường song, gom góp mãi mà anh vẫn chưa thể cất nổi một căn nhà kiên cố để ở, về nhìn mái tranh liêu xiêu trong gió bão, lại chạnh lòng lo mẹ già trong những ngày đông, lo sau này vợ, con khỏe mạnh trở về lại co ro, cúm rúm trong ngôi nhà xập xệ, cũ kĩ…
May mắn thay, khi nguồn Quỹ Xã hội Công đoàn Hà Tĩnh đã trở thành “cứu cánh” cho những đoàn viên, người lao động hoàn cảnh khó khăn như anh Hùng. Nhận chủ trương từ Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh về việc rà soát đối tượng khó khăn có nguyện vọng làm nhà Mái ấm Công đoàn để hỗ trợ trong dịp “Tháng Công nhân” năm 2020, Công đoàn cơ sở Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đã cùng với Công đoàn cơ sở thành viên công ty, tìm đến gia cảnh của anh Hùng, động viên anh nỗ lực để thực hiện ước mơ về một ngôi nhà kiên cố… Với anh Hùng, đây như một phép màu ông trời ban cho anh, quyết tâm vay mượn thêm bạn bè, đồng nghiệp, sau hơn nửa năm khởi công, ngôi nhà chưa đầy 100 mét vuông hoàn thành đi vào sử dụng.
Gia đình anh Lê Mạnh Hùng vỡ òa niềm vui khi nhận hỗ trợ xây nhà mới từ Tổ chức Công đoàn
“40 triệu từ nguồn Quỹ Xã hội Công đoàn! Tôi biết ở trong đó, không chỉ có sự đóng góp của đoàn viên, người lao động dành cho những người hoàn cảnh khó khăn như tôi, mà trong đó còn là tấm lòng, cái tâm của những người làm công đoàn. Nhìn ngôi nhà khang trang, tôi ngỡ là giấc mơ, giấc mơ hóa hiện thực từ những tấm lòng công đoàn…, giờ tôi đã có thể ngóng trông một ngày không xa, vợ và con sẽ khỏe mạnh trở về, gia đình sẽ được quây quần, sum họp trong ngôi nhà ấm vòng tay Công đoàn” - anh Hùng rưng rưng nước mắt khi cầm trên tay số tiền được Quỹ Xã hội Công đoàn Hà Tĩnh trao hỗ trợ làm nhà.
Nhận lại những nụ cười ấm áp, hay những giọt nước mắt tri ân - người cán bộ công đoàn cảm nhận thấy tình người thiêng liêng, nghề công đoàn cũng vì thế có ý nghĩa nhân văn sâu sắc hơn. Bao vất vả khó khăn tan biến, chỉ còn lại tình người và càng trân quý hơn cái nghề đem yêu thương xoa dịu những mất mát khổ đau.
Hôm nay : 1598
Tháng này : 47350