Nhân dịp Kỷ niệm 109 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910-8/3/2019); kỷ niệm 70 năm Ban Nữ công Công đoàn Việt Nam (tháng 2/1949-2019), Ban Tuyên giáo - Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh biên soạn nội dung tuyên truyền, với mục đích giúp đoàn viên, CNVCLĐ hiểu sâu sắc lịch sử ra đời, truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam nói chung, ý nghĩa của việc ra đời Ban Nữ công Công đoàn các cấp nói riêng...
1. LỊCH SỬ NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8-3 VÀ KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG
Lịch sử ngày 8-3 bắt đầu từ phong trào nữ công nhân nước Mỹ. Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng bọn chủ tư bản trả lương rất rẻ mạt, giờ giấc làm việc không hạn định cốt sao thu được nhiều sản phẩm cho chúng. Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8-3 năm 1899, nữ công nhân nước Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào bắt đầu từ nữ công nhân ngành dệt và ngành may tại hai thành phố Chi-ca-gô và Nữu Ước. Mặc dù bị bọn tư bản thẳng tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ. Cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới, đặc biệt phụ nữ ở nước Đức, một nước có kỹ nghệ tiên tiến lúc bấy giờ. Trong phong trào đấu tranh giai cấp lúc đó đa xuất hiện hai nữ chiến sỹ lỗi lạc, đó là bà Cla-ra Zet-kin (Đức) và bà Rô-gia Lúc-xăm-bua (Ba Lan). Nhận thức được sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ và sự cần thiết phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ nên năm 1907, hai bà đã cùng phối hợp với bà Crup-xkai-a (vợ đồng chí Lê-nin) vận động thành lập Ban "Thư ký phụ nữ quốc tế". Bà Cla-ra Zet-kin được cử làm Bí thư.
Năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế XHCN họp tại Cô-pen-ha-gen (Thủ đô nước Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8-3 làm ngày "Quốc tế Phụ nữ", ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: Ngày làm việc 8 giờ, việc làm ngang nhau, bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Từ đó ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.
Ở nước ta, vào ngày 8/3 còn là dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng - Hai vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn đất Việt.
Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa. Lời hịch thiêng liêng “Đền nợ nước, trả thù nhà” đã nhận được sự hưởng ứng của các Lạc hầu, Lạc tướng, của những người yêu nước ở khắp các thị quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi nghĩa. Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), bà Lê Chân (Hải Phòng), bà Bát Màn (Thái Bình), bà Lê Thị Hoa (Thanh Hóa), bà Thánh Thiện (Hà Bắc)… ý chí kiên cường và lòng yêu nước của Hai Bà đã được đúc kết lại bằng những vần thơ bất hủ:
“Một xin rửa sạch nước thù Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng Ba kẻo oan ức lòng chồng Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã lan rộng khắp nơi. Trong một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai Bà, nghĩa quân đã đập tan chính quyền đô hộ. Tên tướng đô hộ là Tô Định phải cải trang bằng cách cắt tóc, cạo râu tìm đường tẩu thoát về nước.
Bà Trưng Trắc được các tướng lĩnh và nhân dân suy tôn làm vua. Bà lên ngôi và lấy niên hiệu là Trưng Nữ Vương; đóng đô ở Mê Linh (huyện Mê Linh - TP. Hà Nội ngày nay).
Năm 42, nhà Hán lại kéo quân sang xâm lược nước ta. Hai Bà lại một lần nữa ra quân, phất cờ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa lần này chỉ kéo dài được 2 năm do thế và lực của ta và địch chênh lệch quá lớn. Hai Bà đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh anh dũng để giữ tròn khí tiết của mình, bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc.
Mặc dù chỉ giành độc lập trong thời gian ngắn nhưng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần dân tộc cao cả. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn là một minh chứng cho sức mạnh lớn lao, khả năng dồi dào của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trang sử oanh liệt này sẽ mãi mãi được lưu truyền cho muôn đời con cháu mai sau.
2. BAN NỮ CÔNG CÔNG CÔNG ĐOÀN, 70 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển của mình, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn cụ thể hóa đường lối phụ vận của Đảng, ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động cụ thể về công tác vận động nữ CNVCLĐ phù hợp yêu cầu từng giai đoạn và quan tâm chỉ đạo có hiệu quả phong trào nữ CNVCLĐ và hoạt động nữ công ở công đoàn các cấp.
Năm 1948, Ban Phụ vận Trung ương được thành lập. Khi đó, tổ chức Công đoàn chưa có bộ phận chuyên trách vận động nữ CNVCLĐ. Để đáp ứng yêu cầu của phong trào nữ CNVCLĐ, tháng 2 năm 1949 (cách đây 70 năm), Tổng Liên đoàn đã quyết định thành lập Ban Cán sự phụ lão lao động (tiền thân của Ban Nữ công Tổng Liên đoàn ngày nay), gồm có 03 người, chị Lê Tâm làm Trưởng ban. Sau đó, nhiều liên hiệp Công đoàn tỉnh và Công đoàn cơ sở đông lao động nữ đã có cán bộ nữ công chuyên trách và thành lập được ban nữ công quần chúng cử một động chí ủy viên ban chấp hành phụ trách. Giai đoạn từ 1954-1960 đáp ứng yêu cầu về công tác tổ chức, chưa có riêng Ban Nữ công ở cấp Tổng Công đoàn, cán bộ phụ trách công tác nữ công sinh hoạt trong văn phòng tổng hợp, có nhiệm vụ theo dõi và giúp Ban Thư ký chỉ đạo phong trào nữ công.
Tháng 2/1955, hội nghị Ban chấp hành Tổng Liên đoàn đã đề ra nhiệm vụ nữ công tập trung vào động viên phụ nữ lao động hăng say sản xuất, lập nhiều thành tích trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thực hiện nam nữ bình đẳng, tránh tự ti, ỷ lại; quan tâm đến quyền lợi phụ nữ lao động, giúp chị em thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng bệnh, chữa bệnh, bảo vệ thai sản và nuôi giữ trẻ trong các cơ quan, xí nghiệp. Vấn đề “Phụ nữ và gia đình” lần đầu tiên được đề cập trong các nội dung hoạt động nữ công.
Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II (năm 1961), đã xác định: “Sự nghiệp giải phóng phụ nữ phải gắn liền với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân. Công tác vận động nữ công nhân viên chức phải đặt trong toàn bộ công tác công đoàn”. Năm 1961, Ban Nữ công Tổng Công đoàn có 04 người, đến năm 1963, Ban Nữ công có 09 người, gồm hai bộ phận: Phong trào và nhà trẻ. Từ năm 1965 đến năm 1971, Ban Nữ công có 14 người gồm hai bộ phận: Phong trào nữ CNVC và theo dõi công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ em, vận động xây dựng gia đình văn hóa mới. Năm 1971, cả nước có 82 cán bộ chuyên trách công tác nữ công. Giai đoạn này Ban Chấp hành Tổng Công đoàn đã xác định rõ nội dung vận động nữ công nhân viên chức lao động là tất cả các nội dung của công tác công đoàn, trong đó nội dung trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất và công tác, đồng thời khẳng định vị trí và vai trò của chị em trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ngày 27/12/1966, Ban Chấp hành Tổng Công đoàn ban hành Nghị quyết số 02/NQ-TLĐ là nghị quyết chuyên đề đầu tiền về “Tăng cường công tác vận động phụ nữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới”, Nghị quyết đã tiếp tục khẳng định quan điểm của Tổng Công đoàn từ Đại hội lần thứ hai là “Công tác vận động nữ công nhân không tách rời các mặt công tác của công đoàn”; “Mọi biểu hiện trong suy nghĩ và hành động có tính chất tách rời sự phát triển của nữ CNVCLĐ với phong trào chung của giai cấp đều là sai lầm”.
Cán bộ nữ công đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, từ Đại hội IV Công đoàn Việt Nam (năm 1978) đến Đại hội V Công đoàn Việt Nam (năm 1983) số cán bộ nữ công đã tăng lên 127 cán bộ chuyên trách. Cả nước có 29/40 Liên hiệp Công đoàn tỉnh, thành phố và 15/20 công đoàn ngành đã có ban nữ công, các tỉnh, ngành còn lại tạm thời ghép chung với các ban nghiệp vụ khác. Hệ thống ban nữ công từ trung ương đến cơ sở tiếp tục được kiện toàn với 25.412 Ban Nữ công quần chúng. Ban Nữ công thời kỳ này đã tham gia đề xuất thành công chính sách cho lao động nữ ngành cao su, duy trì xây dựng mô hình gia đình văn hóa mới, tập thể văn minh, tổng kết toàn quốc 5 năm phong trào “Sinh đẻ có kế hoạch”, “Phong trào người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc” và lần đầu tiên xuất bản cuốn sách “Con đường chị đã chọn” để biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt trong nữ CNVCLĐ.
Năm 1989, Tổng Liên đoàn phát động phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ trong đó khẳng định “Chúng ta không thể có tham vọng giải quyết tận gốc mọi vấn đề của nữ CNVC qua một phong trào mà chủ yếu thông qua hoạt động của mình góp phần làm cho phong trào nữ CNVC thêm phong phú, đa dạng”. Từ đó đến nay phong trào vẫn được duy trì phát động sơ, tổng kết và thu hút động đảo nữ CNVCLĐ tham gia.
Ngày 5/1/1996, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa VII đã ban hành Nghị quyết 4c/NQ-TLĐ về đổi mới và tăng cường công tác vận động nữ CNVCLĐ trong tình hình mới. Nghị quyết đã xác định quan điểm, mục tiêu, nội dung và các biện pháp nhằm tạo ra những khả năng và điều kiện để nữ CNVCLĐ nói chung và cán bộ nữ nói riêng nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng gia đình hạnh phúc. Giai đoạn này, Quỹ Tài năng sáng tạo nữ, Quỹ Bảo trợ trẻ em Công đoàn Việt Nam, Quỹ vì Nữ CNLĐ nghèo đã ra đời…
Văn kiện Đại hội Công đoàn Việt Nam qua các kỳ đại hội luôn có mục riêng về đánh giá kết quả và đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác nữ công. Điều lệ Công đoàn Việt Nam luôn có quy định về công tác nữ công, đặc biệt từ năm 2013 đến nay, Điều lệ đã dành riêng 1 Chương với 12 điều quy định về công tác nữ công.
Từ Đại hội X Công đoàn Việt Nam đến nay, Tổng Liên đoàn tiếp tục ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị quan trọng về công tác nữ công như: Chỉ thị 03/CT-ĐCT ngày 18/7/2010 về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ; Nghị quyết 6b/NQ-TLĐ ngày 29/1/2011 về “Công tác vận động nữ CNVCLĐ trong tình hình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”. Gần đây nhất, Tổng Liên đoàn ban hành Nghị quyết 12b/NQ-TLĐ ngày 12/7/2017 về thành lập Ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023, trong đó tiếp tục dành riêng chương VII với 2 điều (điều 24,25) quy định về công tác nữ công.
Chương trình hành động số 190/CT-TLĐ thực hiện Nghị quyết 11/NQ-TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác nữ công thời kỳ đẩu mạnh CNH, HĐH đất nước; Chương trình hành động số 1273/CTr-TLĐ về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, Kế hoạch số 12/KH-TLĐ thực hiện Kế haochj hành động về bình đẳng giới giai đoạn 201602020…cũng được ban hành.
Giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động trong nữ CNVCLĐ, thực hiện việc lồng ghép hoạt động Hội PN với hoạt động nữ công công đoàn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư.
Từ tháng 3 năm 2009 đến nay, Ban Nữ công Tổng Liên đoàn được kiện toàn với 02 phòng và 01 Trung tâm (Phòng Lao động nữ, Phòng Công tác giới và Trung tâm Dân số - Sức khỏe sinh sản Tổng Liên đoàn). Tính đến hết tháng 11/2018, cả nước có 71.130 Ban Nữ công quần chúng với gần 230.000 ủy viên Ban nữ công Công đoàn các cấp; Ban Nữ công, Ban Tuyên giáo - Nữ công được thành lập ở 18 Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn và 63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố với số lượng 136 cán bộ nữ công hoạt động chuyên trách góp phần nghiên cứu, tham mưu có hiệu quả về công tác vận động nữ CNVCLĐ; chính sách, pháp luật có liên quan đến nữ CNVCLĐ; những vấn đề về giới, lồng ghép bình đẳng giới trong hoạt động công đoàn; công tác cán bộ nữ và vì sự tiến bộ của nữ CNVCLĐ.
Kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển của Ban Nữ công gắn với thời mốc lịch sử 90 năm hình thành và phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam, là sự kiến có ý nghĩa quan trọng trong công tác công đoàn nói chung và công tác nữ công nói riêng nhằm tiếp tục khẳng định vai trò của công tác vận động nữ CNVCLĐ trong thời kỳ mới, thực hiện có hiệu quả công tác phụ vận của Đảng vào công tác nữ công của tổ chức công đoàn.
Qua 70 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ nữ công công đoàn các cấp đã không ngừng nỗ lực phấn đấu bằng sự tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy, năng động, sáng tạo để làm tốt vai trò, nhiêm vụ của mình, tham mưu Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ; tham gia xây dựng chế độ, chính sách góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và vị thế cho nữ CNVCLĐ, thực hiện có hiệu quả đường lối phụ vận của Đảng. BAN TUYÊN GIÁO - NỮ CÔNG LĐLĐ TỈNH HÀ TĨNH
Hôm nay : 259
Tháng này : 19610