Gặp lại anh công nhân Lê Mạnh Hùng, công nhân Công ty Cổ phần phát triển Nông lâm Hà Tĩnh được Quỹ Xã hội Công đoàn Hà Tĩnh hỗ trợ làm nhà Mái ấm Công đoàn vào dịp “Tháng Công nhân” năm 2020, vẫn gương mặt ấy, hình dáng ấy, nay ở anh toát lên niềm tin yêu cuộc sống lạ thường.
Cuộc sống là những tháng ngày cơ cực nối tiếp
Là con trai cả trong một gia đình thuần nông nghèo thuộc thôn Thượng Tiến, xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, bố là thương binh hạng nặng, mất sớm. Từ sớm, anh Hùng và hai em gái đã phải lăn lộn phụ giúp mẹ việc đồng áng.
Năm 2001, anh kết duyên cùng chị Trần Thị Minh lúc 26 tuổi, cuộc sống vốn khó khăn thêm một lần nữa không mỉm cười với anh: Vợ anh, sau khi sinh con thứ nhất được 5 năm thì đau ốm thường xuyên, chị bị viêm khớp nặng phải thường xuyên điều trị dài ngày ở bệnh viện tuyến huyện, tỉnh. Lần lượt 2 con ra đời, những tưởng từ đây, cuộc sống sẽ được phần an ủi với tiếng cười con trẻ, nhưng số phận trớ trêu thêm một lần nữa như muốn dồn vợ chồng anh đến bước đường cùng, sau 3 năm đứa con trai thứ 2 chào đời, anh chị thêm 1 lần “chết lặng” khi bác sỹ thông báo con bị chứng tự kỷ tăng động. Bệnh tình của con và vợ ngày càng trở nặng, nhìn về tương lai, người chồng, người cha ấy cảm thấy bất lực, giọt nước mắt cứ thế chảy dài, ngước nhìn lên trời với câu hỏi không lời giải “Sao cuộc sống này lại bất công, nhiều gian nan đến thế?”
Gia đình anh Hùng sống chật vật trong ngôi nhà xuống cấp trầm trọng
Lầm lũi tiến tới những tháng ngày tiếp theo một cách mất phương hướng, bệnh tình 2 mẹ con ngày càng xấu đi, anh quyết định gom góp, vay mượn những nơi có thể để 2 mẹ con ra Hà Nội điều trị. Tại Trung tâm Kỹ năng Tâm Việt (Hà Nội), xác định cuộc chiến này còn gian nan, lâu dài, chị Minh đã trình bày hoàn cảnh và may mắn được lãnh đạo trung tâm tạo điều kiện cho làm ở bộ phận nấu ăn của Trung tâm, phần có thêm điều kiện điều trị gần con, phần có thêm thu nhập trang trải viện phí mỗi tháng lên tới gần chục triệu đồng. Ở quê nhà, người mẹ già của anh Hùng cũng vì thương con, thương cháu, muốn đỡ đần phần nào cho cảnh túng quẫn của gia đình nên bà vượt hơn 50 cây số xin đi ở chăm trẻ cho các gia đình có con nhỏ tại Thành phố Hà Tĩnh. Bản thân anh Hùng gạt nước mắt, chấp nhận cảnh xa con, xa vợ để chuẩn bị cho hành trình của một anh công nhân chất phác, mang trên vai gánh nặng gia đình.
Vợ, con anh Hùng đang điều trị dài ngày tại Trung tâm Kỹ năng Tâm Việt
Anh Công nhân làm việc với nỗ lực gấp 2,3 người bình thường khác
35 tuổi, người chồng, người cha Lê Mạnh Hùng với dáng dấp thấp, nhỏ, gương mặt lúc nào cũng chứa đựng ưu tư, phiền muộn xin thử việc tại Công ty Cổ phần phát triển Nông lâm Hà Tĩnh vào năm 2010.
Có lẽ điều may mắn còn sót lại mà ông trời ban cho anh đó là sức khỏe và nghị lực. Không quản ngại gian nan, vất vả, anh lao đầu vào công việc chuyên môn: Chăm chuồng lợn đẻ. Ngay từ những ngày đầu bắt tay vào công việc, sự cần cù chịu thương chịu khó vốn có đã giúp anh sớm tiếp cận, thuần thục với nghề vốn được coi là nhiều rủi ro. Sau 2 tháng thử việc, với kết quả hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, anh được công ty nhận vào làm việc chính thức, 6 tháng đầu năm 2011, anh được Công ty thưởng nóng 3 triệu đồng về thành tích chăn nuôi tốt, cũng nhờ đó, uy tín của anh ngày càng được đồng nghiệp, lãnh đạo ghi nhận. Năm 2014, anh được công ty giao nhiệm vụ kỹ thuật của Tổ đẻ, ngoài công việc chuyên môn, anh đảm nhận vai trò quản lý, phân công, điều hành công việc của 10 thành viên trong tổ, năm 2015 anh được bầu làm tổ trưởng “Tổ Đẻ”.
Anh Hùng cần mẫn chăm lợn nái đẻ
...và tiêm phòng cho lợn con mới đẻ
Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trưởng Ban Nữ công của Công ty xúc động chia sẻ: “Hoàn cảnh anh Hùng đến là thương, gia đình nghèo khó, vợ con lại bệnh tật nặng, thế mà anh chịu thương, chịu khó lắm, giao việc gì làm chu đáo việc đó, tận tụy, cần mẫn hơn cả phụ nữ, ở đây chúng tôi ai cũng thương cho gia cảnh của anh bao nhiêu, lại cảm phục sự vượt khó vươn lên của anh bấy nhiêu”….Từ ngày lên làm quản lý của Tổ, Tổ anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt và vượt chỉ tiêu công ty đề ra…Với sự nỗ lực của bản thân và cả tập thể, lương của anh và các công nhân trong Tổ lúc nào cũng cao hơn mức trung bình chung của công nhân công ty (8 triệu/ tháng). Được biết, số tiền này hầu hết anh giành gửi chạy chữa bệnh tật cho vợ, con, gửi về cho mẹ già (nay đã già yếu) để phụng dưỡng.
“Những đêm mưa gió một mình ở lại trại, nỗi nhớ vợ, thương con dày vò tâm can, không làm sao chợp mắt được, từ đó đến nay cũng thắm thoắt đã 4 năm rồi. Nghĩ không biết giờ này chân vợ có đỡ đau không? Con còn ốm và mệt nhiều không? Không có người đàn ông bên cạnh, 2 mẹ con có tủi hổ nhiều không? Tôi chợt nảy ý định bỏ lại tất cả để đến bên 2 mẹ con, kiếm việc gì đó ở Hà Nội để được gần vợ, gần con…, nhưng rồi giống như cái nghề chọn mình, có lẽ tôi không từ bỏ nghề này, mảnh đất này mà ra đi được, đành chờ đợi một ngày nào đó 2 mẹ con bình an trở về”.
Cuộc sống sang trang từ hơi ấm ngôi nhà “Mái ấm Công đoàn”
“Mỗi năm về nhà được 1 vài chuyến, mỗi lần về được 1, 2 ngày thôi; về nhìn mái tranh liêu xiêu trong gió bão, lại chạnh lòng lo mẹ già trong những ngày đông, lo sau này vợ, con khỏe mạnh trở về lại co ro, cúm rúm trong ngôi nhà thiếu kiên cố…sao cuộc sống này lại nhiều mối lo đến thế? Mà thôi, cũng đành chịu, tiền chạy chữa cho vợ con còn không đủ, nói chi đến chuyện sửa nhà, làm nhà?”, anh buồn bã trong ngôi nhà tuềnh toàng mỗi khi được cắt phép về nhà.
“Ông trời không lấy đi của ai tất cả”! Có lẽ anh ngẫm và nhận ra điều đó! May mắn thay, khi nguồn Quỹ Xã hội Công đoàn Hà Tĩnh đã trở thành “cứu cánh” cho những đoàn viên, người lao động hoàn cảnh khó khăn như anh Hùng. Nhận chủ trương từ Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh về việc rà soát đối tượng khó khăn có nguyện vọng làm nhà Mái ấm Công đoàn để hỗ trợ trong dịp “Tháng Công nhân” năm 2020, Công đoàn Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đã làm việc với Công đoàn cơ sở công ty, tìm đến gia cảnh của anh Hùng, động viên anh nỗ lực để thực hiện ước mơ về một ngôi nhà kiên cố…Với anh Hùng, đây như một phép màu ông trời ban cho anh, quyết tâm vay mượn thêm bạn bè, đồng nghiệp, sau hơn nửa năm khởi công, ngôi nhà chưa đầy 100 mét vuông hoàn thành đi vào sử dụng vào đầu năm 2020.
Đ.c Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, lãnh đạo Công đoàn Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh trao hỗ trợ làm nhà từ Quỹ Xã hội Công đoàn Hà Tĩnh cho gia đình anh Hùng dịp Tháng Công nhân năm 2020
“40 triệu từ nguồn Quỹ Xã hội Công đoàn! Tôi biết ở trong đó, không chỉ có sự đóng góp của đoàn viên, người lao động toàn tỉnh dành cho những người hoàn cảnh khó khăn như tôi, mà trong đó còn là tấm lòng, cái tâm của những người làm công đoàn. Nhìn ngôi nhà khang trang, tôi ngỡ là giấc mơ, giấc mơ hóa hiện thực từ những tấm lòng công đoàn…, giờ tôi đã có thể ngóng trông một ngày không xa, vợ và con sẽ khỏe mạnh trở về, gia đình chúng tôi sẽ được quây quần, sum họp trong ngôi nhà ấm vòng tay Công đoàn”, anh Hùng rưng rưng nước mắt khi cầm trên tay số tiền được Quỹ Xã hội Công đoàn Hà Tĩnh trao hỗ trợ làm nhà.
Quỹ Xã hội Công đoàn Hà Tĩnh (trước đây là Quỹ Mái Ấm Công đoàn) được xây dựng từ năm 2006, trải qua 15 năm hoạt động, Quỹ trở thành người bạn đồng hành, là “Thương hiệu” gắn liền với tổ chức Công đoàn Hà Tĩnh, hàng trăm cảnh đời éo le hằng năm đã được vực dậy, lấy động lực vươn lên nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Quỹ (Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, các cấp công đoàn Hà Tĩnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 473 nhà “Mái ấm Công đoàn” với tổng số tiền 12,409 tỷ đồng). Thông qua Quỹ, đoàn viên, người lao động phát huy vai trò, trách nhiệm, tinh thần “lá lành đùm lá rách, là rách ít đùm lá rách nhiều”, san sẻ vơi bớt nỗi khó khăn của đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội.
Đồng hành với Quỹ trong mỗi chuyến đi, trao tận tay người lao động những số tiền, những món quà còn ấm nóng trái tim sẻ chia từ đoàn viên, người lao động trên địa bàn toàn tỉnh để rồi nhận lại những nụ cười ấm áp, hay những giọt nước mắt tri ân- Người cán bộ công đoàn cảm nhận thấy tình người thiêng liêng, nghề công đoàn cũng vì thế có ý nghĩa nhân văn sâu sắc hơn, có lẽ câu nói đùa về Công đoàn dí dỏm mà sâu xa: “Công đoàn là mẹ là cha, đói cơm rách áo thì la Công đoàn”.
Hôm nay : 2093
Tháng này : 54047