Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Công đoàn, các đại biểu bày tỏ mong muốn có sự đổi mới các quy định của luật nhằm phát huy, nâng cao hiệu quả của tổ chức công đoàn tại Hà Tĩnh trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Đại biểu dự hội nghị.
Sáng 17/10, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Công đoàn (2013-2022). |
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Văn Danh và Phó Chủ tịch LĐLĐ Ngô Đình Vân chủ trì hội nghị.
Luật Công đoàn 2012 được thực hiện trong bối cảnh phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và hoạt động của tổ chức công đoàn Hà Tĩnh có nhiều đổi mới, đạt hiệu quả tích cực, là đơn vị đứng trong tốp đầu của cụm LĐLĐ các tỉnh Bắc Trung bộ.
Phó Chủ tịch LĐLĐ Ngô Đình Vân báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Công đoàn.
Qua 10 năm thực hiện, nhìn chung Luật Công đoàn đã được thực thi có hiệu quả trong việc xác lập mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp với tổ chức công đoàn; tạo điều kiện để tổ chức công đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Vai trò làm chủ của đoàn viên, người lao động được phát huy, thể hiện qua việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, tham gia quản lý nhà nước, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh phát triển mới 36.703 đoàn viên, thành lập mới 384 công đoàn cơ sở, nâng tổng số đoàn viên từ 61.297 người lên 69.805 người, với 1.535 công đoàn cơ sở (trong đó có 420 công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp, tăng hơn 300 công đoàn cơ sở).
Hệ thống tổ chức công đoàn Hà Tĩnh hiện có 3 cấp thực hiện đúng quy định của Luật Công đoàn 2012.
Ông Phạm Vũ Kỳ - Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Dược Hà Tĩnh trao đổi một số khó khăn trong thực hiện Luật Công đoàn và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, thực hiện và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể.
Các cấp công đoàn đã phát huy vai trò trong việc tham gia cùng với người sử dụng lao động giải quyết việc làm, hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ người lao động giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động. Đặc biệt là quan tâm đến nội dung việc làm và đảm bảo việc làm; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương và các khoản phụ cấp, nâng lương, thi tay nghề, nâng bậc thợ; chính sách BHXH, an toàn vệ sinh lao động cho người lao động... Đến nay, trên 90% người lao động tại các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn được giao kết hợp đồng lao động, trong đó hợp đồng lao động không xác định thời hạn chiếm trên 70%.
Toàn tỉnh có 100% doanh nghiệp nhà nước và trên 80% doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước lao động tập thể; các bản thỏa ước có nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Trung bình hàng năm có trên 85% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.
Ông Hồ Sỹ Quốc - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Formosa Hà Tĩnh trao đổi một số vấn đề về việc đối thoại với người lao động.
Cán bộ công đoàn cơ sở doanh nghiệp thường xuyên nghiên cứu, nắm vững các quy định của pháp luật, hướng dẫn xây dựng, chuyển đổi thang lương, bảng lương; thực hiện đúng các nguyên tắc, quy trình để tham gia rà soát, đánh giá từng ngạch, nhóm công việc để đề xuất sửa đổi, bổ sung xây dựng thang lương, bảng lương cho phù hợp.
Hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức công đoàn được quan tâm. Bình quân hàng năm, các cấp công đoàn tư vấn cho trên 3.000 lượt người lao động về pháp luật lao động, công đoàn, BHXH. Thông qua hoạt động tư vấn pháp luật đã kịp thời phát hiện các mâu thuẫn có thể dẫn đến tranh chấp lao động để kịp thời xử lý,
Ông Nguyễn Công Hải - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đức Thọ trao đổi về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách cho người lao động.
LĐLĐ tỉnh đã tích cực tham gia với HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan trong việc xây dựng, bổ sung các chủ trương, chính sách, pháp luật, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của CNVCLĐ. Nhiều đề xuất của công đoàn đã được tiếp thu, góp phần quan trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Hội nghị cũng đã nghe nhiều ý kiến tham luận của đại biểu về những kết quả đã đạt được cũng như khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Luật Công đoàn.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Văn Danh phân tích thêm một số những kết quả đạt được cũng như các khó khăn, bất cập trong thực hiện Luật Công đoàn hiện nay.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Văn Danh đề nghị cán bộ công đoàn cơ sở, cấp trên cơ sở phải nắm chắc các quy định của pháp luật; tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ công đoàn, người sử dụng lao động và người lao động về các quy định của pháp luật; nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động công đoàn, nhất là công đoàn cấp cơ sở, đưa hoạt động công đoàn đi vào thực chất, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Đồng thời, tiếp tục đóng góp ý kiến, nội dung để đề xuất điều chỉnh bổ sung, sửa đổi những bất cập của Luật Công đoàn hiện nay một cách phù hợp, đảm bảo tính khả thi khi đi vào cuộc sống.
Hôm nay : 491
Tháng này : 52466