Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được coi là một truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, trẻ em luôn là đối tượng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, gia đình và toàn xã hội. Điều này được khẳng định bằng việc Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em. Nhìn nhận được vấn đề này, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay đều ghi nhận và bảo đảm quyền trẻ em một cách tối đa.
Thế nhưng, việc vi phạm quyền trẻ em nói chung, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng đang là thực trạng đáng báo động bằng những con số biết nói: (theo báo cáo của Bộ Công an), tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn xảy ra nhiều, nhất là tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi tiếp tục gia tăng, mặc dù chỉ là phần nhỏ so với thực tế nhưng mỗi năm trung bình có 1.600 – 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, số vụ mà trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%. 4 tháng đầu năm 2020, số vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi tăng 29,84% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 61,22% tổng số vụ hiếp dâm, gây bức xúc trong xã hội.
Một số vụ án gây chấn động dư luận về tình trạng bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em
Nghệ sĩ Minh Béo bị bắt ở Mỹ về 3 tội danh liên quan đến hành vi xâm phạm tình dục trẻ em vào năm 2016 gồm: quan hệ tình dục bằng miệng với trẻ vị thành niên, có hành động khiêu dâm với một em bé dưới 14 tuổi và gạ gẫm trẻ nhỏ để thực hiện hành vi dâm ô. Sau 6 tháng điều tra, thụ lí hồ sơ, đến chiều 10/8 phiên xử lần thứ sáu vụ Minh Béo bị tố cáo tội lạm dụng tình dục trẻ em diễn ra ở Tòa thượng thẩm Quận Cam, California. Nam diễn viên thừa nhận tội. Anh được tòa đề nghị 18 tháng tù giam (Theo vnexpress.net)
Vụ án hiếp dâm tập thể tại trường học, tháng 3/2019 tại huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) vụ án 10 đối tượng hiếp dâm tập thể với 1 học sinh lớp 10: Khoảng 16h ngày 24/3, em NTBP xin phép gia đình đi sinh nhật, đến 21h30 tối cùng ngày, GĐ phát hiện em P nằm bất tỉnh trước sân nhà, cơ thể bầm dập, nhiều vết trầy xước… Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 10 bị cáo tổng cộng gần 49 năm tù (Theo tuoitre.vn)
Một ví dụ để thấy, không chỉ có người của công chúng, không chỉ người lạ mới có thể gây ra những hành vi xâm hại tình dục con trẻ, chính những người trong gia đình, vì thiếu kiến thức pháp luật, vì thiếu học thức, cùng với lối sống đồi trụy đã để lại nhiều hậu quả hết sức đau lòng đối với con trẻ: Tháng 3/2019, dư luận bàng hoàng với vụ án cháu N.T.L SN 2005 tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang nghi bị cha đẻ xâm hại tình dục trong nhiều năm, lúc vụ việc phát hiện em mới 14 tuổi. Vụ án được phanh phui khi giáo viên chủ nhiệm của em đã liên hệ Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để phản ánh vụ việc (Theo Tienphong.vn).
Tại Hà Tĩnh, vụ án người đàn ông 60 tuổi ở Thạch Hà, Hà Tĩnh dâm ô bé gái 9 tuổi: Người đàn ông tên Nam đã dụ dỗ bé gái đưa về nhà riêng thực hiện hành vi đồi bại. Khi mẹ cháu bé phát hiện vụ việc thì thấy con mình đang trong tình trạng con gái đang trong tình trạng không mặc quần…(Theo dantri.com.vn)
Vậy, phải chăng pháp luật VN coi nhỏ vấn đề này như dư luận gần đây lên án? Chúng ta cùng điểm những văn bản pháp luật có liên quan quy định về quyền trẻ em cũng như bảo vệ trẻ em trước tình trạng bị xâm hại tình dục:
Tính đến thời điểm hiện nay, CRC (tức là Công ước về Quyền trẻ em) là văn kiện quốc tế có giá trị pháp lý cao nhất về quyền con người của trẻ em. Công ước được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20/11/1989 và Việt Nam đã phê chuẩn Công ước ngày 20/2/1990, là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước thể hiện thái độ tích cực của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo vệ, thúc đẩy và tôn trọng quyền trẻ em theo các chuẩn mực quốc tế. Ngay sau khi phê chuẩn CRC, Việt Nam đã tiến hành đưa tinh thần và nội dung của Công ước trong chiến lược phát triển luật pháp quốc gia, đặc biệt là phát triển hệ thống pháp luật về quyền trẻ em. Hiến pháp 2013 là tiền đề, là nền tảng pháp lý để có những cải tiến mạnh mẽ, đột phá trong lĩnh vực chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bên cạnh Hiến pháp 2013 và Luật Trẻ em 2016, còn có nhiều văn bản pháp luật khác cũng chứa đựng những quy định trực tiếp hoặc gián tiếp về quyền trẻ em ở nhiều lĩnh vực (hình sự, giáo dục, y tế, lao động, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình…), đặc biệt Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mức xử phạt cụ thể đối với những tội danh như: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142): Khung hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144), Khung hình phạt cao nhất phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146), mức xử phạt cao nhất 15 năm. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147), xử phạt tối đa 12 năm, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều này cho thấy pháp luật Việt Nam không hề coi nhẹ vấn đề về vi phạm quyền trẻ em nói chung, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng.
CĐCS Phường Nguyễn Du (LĐLĐ Thành phố Hà Tĩnh) ra mắt Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc và tổ chức nói chuyện chuyên đề về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em nhân dịp Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2020).
Vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, đoàn viên đối với việc phòng chống xâm hại tình dục trẻ em:
Tại Điều 25 Điều Lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII nêu rõ: “Ban nữ công công đoàn có nhiệm vụ tham mưu giúp ban chấp hành công đoàn cùng cấp: Tham gia xây dựng và thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ; về giới, bình đẳng giới, vì sự phát triển của phụ nữ; công tác cán bộ nữ, dân số, sức khỏe sinh sản; công tác gia đình, trẻ em; …đại diện tham gia giải quyết các vấn đề có liên quan trực tiếp đến lao động nữ và trẻ em…”.
Để góp phần ngăn ngừa tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, đòi hỏi cán bộ công đoàn nói chung, cán bộ nữ công công đoàn nói riêng cần: (1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, quy định của pháp luật về những vấn đề liên quan đến quyền trẻ em, nhất là Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Bộ Luật Hình sự 2015. (2) Phối hợp cơ quan liên quan tập huấn cho cán bộ, đoàn viên về kỹ năng giáo dục con cái. (3) Tuyên truyền, giáo dục, vận động mỗi đoàn viên công đoàn trong cuộc sống gia đình phải là tấm gương sáng về cách cư xử văn minh với các thành viên trong gia đình. (4) Thường xuyên quan tâm, động viên, chia sẻ, hỗ trợ gia đình đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, gia đình đoàn viên phát sinh những vấn đề phức tạp trong gia đình. (5) Phối hợp các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, đề xuất xử lí nghiêm các hành vi vi phạm quyền trẻ em…
Trẻ em không chỉ là một thành tố làm nên hạnh phúc gia đình mà còn là tương lai của một quốc gia, dân tộc; bảo vệ trẻm em chính là bảo vệ tương lai của đất nước. Vì một xã hội lành mạnh, vì mỗi gia đình bình yên, mỗi một cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ hơn ai hết phải chung tay bằng những hành động cụ thể phòng chống bạo lực trẻ em, góp phần vì một xã hội phát triển bền vững.
Hôm nay : 1832
Tháng này : 21846