Tiền ăn giữa ca (còn được gọi là phụ cấp ăn) là một trong những khoản phụ cấp mà doanh nghiệp hỗ trợ thêm cho người lao động để phụ thêm chi phí nhằm cải thiện bữa ăn giữa ca của người lao động trong thời gian làm việc. Trên thực tế nhiều người lao động chưa nắm rõ quy định về khoản phụ cấp này. Ban Chính sách – Pháp luật LĐLĐ tỉnh tổng hợp một số thông tin về tiền ăn ca để đoàn viên, người lao động được biết.
Pháp luật về lao động không đưa ra khái niệm cụ thể về tiền ăn giữa ca là gì. Tại khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH chỉ liệt kê tiền ăn giữa ca vào một trong các khoản chế độ và phúc lợi khác:
“Đối với các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;…”.
Bên cạnh đó, pháp luật không quy định khoản phụ cấp tiền ăn giữa ca là khoản bắt buộc phải có đối với nhiều trường hợp công ty, doanh nghiệp. Chỉ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ thì phụ cấp ăn trưa bắt buộc phải có trong hợp đồng lao động (Theo quy định tại Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH về việc hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ).
Hiện nay, các doanh nghiệp thường tổ chức bữa ăn giữa ca cho người lao động theo các hình thức như: trực tiếp nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn hoặc chi tiền để người lao động tự chuẩn bị bữa ăn.
Pháp luật không quy định cụ thể mức chung đối với tiền ăn giữa ca của người lao động mà để cho doanh nghiệp tự quyết định dựa trên sự cân đối về khả năng tài chính và điều kiện làm việc của người lao động.
Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, theo quy định tại Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH thì mức chi bữa ăn giữa ca cho người lao động tối đa không vượt quá 730.000 đồng/người/tháng.
Căn cứ khoản 3 Điều 26 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động sẽ không bao gồm các chế độ và phúc lợi sau đây:
- Tiền thưởng có được dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động;
- Tiền thưởng sáng kiến;
- Tiền ăn giữa ca;
- Các khoản hỗ trợ: Xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi thân nhân chết, người thân kết hôn, sinh nhật, trợ cấp khi hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Như vậy, tiền ăn giữa ca sẽ không tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Người lao động được nhận đầy đủ, toàn bộ số tiền ăn ca mà không bị khấu trừ để đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.
Theo quy định tại điểm g.5 khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động sẽ không bị tính thuế thu nhập cá nhân đối với khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa do người sử dụng lao động tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa cho người lao động dưới các hình thức như trực tiếp nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn.
Trường hợp người sử dụng lao động không tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa mà chi tiền cho người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân nếu mức chi phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường hợp mức chi cao hơn mức hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.
Mức chi cụ thể áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức, đơn vị thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, Đoàn thể, các Hội không quá mức hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đối với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và các tổ chức khác, mức chi do thủ trưởng đơn vị thống nhất với chủ tịch công đoàn quyết định nhưng tối đa không vượt quá mức áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước.
Hôm nay : 1748
Tháng này : 31368