(ĐCSVN) - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong 5 dự án Luật được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này, dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là luật mới, lần đầu được xem xét thông qua, là dấu ấn của nhiệm Kỳ Quốc hội khóa XV trong việc kịp thời thể chế hóa đường lối Đại hội Đảng lần thứ XIII và định hướng chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ khóa XV.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, đầu phiên họp sáng 10/11, với 443 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 88,96%, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được Quốc hội thông qua.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong 5 dự án Luật được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này, dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là luật mới, lần đầu được xem xét thông qua, là dấu ấn của nhiệm Kỳ Quốc hội khóa XV trong việc kịp thời thể chế hóa đường lối Đại hội Đảng lần thứ XIII và định hướng chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ khóa XV.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật được tiến hành dân chủ, thận trọng và khẩn trương. Các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, toàn diện để xây dựng dự án Luật.Các đại biểu biểu quyết thông qua luật. Ảnh: Phạm Thắng
Trước khi các đại biểu bấm nút thông qua, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, về việc điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ở tổ chức có sử dụng lao động, do còn có ý kiến khác nhau nên để bảo đảm thận trọng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này. Tổng hợp kết quả cho thấy, ý kiến của đại biểu Quốc hội về các phương án chưa đạt mức độ tập trung cao nên ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức họp, tham khảo ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan để nghiên cứu. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở do nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh. Trong đó, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.
Đối với doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước thì thực hiện theo các quy định chung tại Chương I của Luật này; đồng thời dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc (Điều 82). Phương án tiếp thu như trên đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng nhiều mặt và nhận được sự đồng thuận của Chính phủ, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội (lần thứ hai) cho thấy đa số đại biểu tán thành với quy định như dự thảo Luật. Trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết Bộ luật Lao động và các quy định khác có liên quan làm cơ sở để các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo. Ảnh: Phạm Thắng
Về việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân và tên gọi của Ban Thanh tra nhân dân, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tiếp tục quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay; không quy định về thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước. Do vấn đề đổi tên của chế định này chưa nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ tên gọi là “Ban Thanh tra nhân dân” như hiện hành nhưng chức năng, nhiệm vụ của Ban này gồm kiểm tra, giám sát như ý kiến của đại biểu Quốc hội. Về nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 3) và quyền thụ hưởng của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc “việc thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động không được làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức có sử dụng lao động”; bổ sung quyền thụ hưởng kết quả việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở của công dân.
Đối với ý kiến về hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, theo báo cáo, hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chủ yếu tập trung vào việc theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật của chủ đầu tư về chỉ giới đất đai và sử dụng đất, quy hoạch mặt bằng chi tiết phương án kiến trúc, xây dựng, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; tình hình triển khai và tiến độ thực hiện các chương trình, dự án; việc thực hiện công khai thông tin trong quá trình đầu tư,… mà không đi sâu vào các vấn đề có tính chi tiết, kỹ thuật.
Trên cơ sở đó phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng, tác động tiêu cực đến môi trường sống của cộng đồng hay những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, của cộng đồng.../.
Hôm nay : 1775
Tháng này : 31397