Ngày nay, vai trò của lao động nữ dần được khẳng định và tham gia ở hầu hết các ngành, nghề. Qua số liệu thống kế cho thấy, tại Hà Tĩnh hiện có gần 30.000 công nhân lao động (CNLĐ) làm việc trong các nhà máy, doanh nghiệp trong đó có gần 11.000 nữ CNLĐ, chiếm 36,6% chủ yếu tập trung tại các nhà máy dệt may, thủy hải sản…
Đây là lực lượng lao động đông đảo, tham gia tích cực vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến người lao động nữ. Nhìn chung các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện tốt các quy định pháp luật về chính sách tiền lương và BHXH, BHYT, BHTN; điều kiện làm việc, ATVSLĐ tại nơi làm việc...
Liên đoàn lao động tỉnh phối hợp Sở Tư Pháp tỉnh Hà Tĩnh tuyên truyền chính sách lao động nữ cho cán bộ nữ công và trưởng ban nữ công công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nhất là các chế độ, chính sách cho lao động nữ trong các doanh nghiệp, các cấp Công đoàn Hà Tĩnh cũng đã thực hiện tốt chức năng của mình trong việc tăng cường công tác giáo dục pháp luật lao động cho người lao động dưới nhiều hình thức linh hoạt khác nhau như tập huấn chuyên đề, tư vấn pháp luật, truyền thông giáo dục trực tiếp, loa phát thanh cơ sở tại Doanh nghiệp hoặc qua mạng xã hội Facebook, Zalo…qua đó giúp nữ CNLĐ nâng cao hiểu biết pháp luật tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chính mình.
Tập trung thực hiện mô hình “Chăm lo, bảo vệ quyền cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc”; đẩy mạnh việc tham gia của tổ chức công đoàn trong đối thoại, thương lượng, đàm phán và ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ lao động nữ ổn định, việc làm, thu nhập, khắc phục những khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Chỉ tính riêng trong năm 2022, đã có 326 công đoàn cơ sở phối hợp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, công đoàn tổ chức hơn 1.800 cuộc với gần 60.000 lượt người tham gia, qua đó giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động và tăng cường sự hiểu biết của người lao động để xây dựng quan hệ lao động tại nơi làm việc.
Chú trọng công tác phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người lao động trong các doanh nghiệp. Hằng năm, LĐLĐ tỉnh phối hợp kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về chế độ, chính sách đối với lao động nữ tại gần 300 doanh nghiệp. Qua đó đã kịp thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền, người sử dụng lao động có biện pháp khắc phục những bất cập, thiếu sót, bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ. Nhờ vậy, tiền lương, thu nhập, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, điều kiện làm việc, chế độ thai sản…của lao động nữ được thực hiện tốt hơn. Thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi hơn cho lao động nữ so với quy định của pháp luật, như: 282 công đoàn cơ sở đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền ăn ca cho người lao động lên trên mức 18.000 đồng/người/bữa; 02 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà trẻ, trường mầm non tư thục từ nguồn kinh phí doanh nghiệp, 20 doanh nghiệp hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho công nhân lao động, một số doanh nghiệp cho lao động nữ nghỉ có hưởng lương vào ngày 8/3, 20/10...…
Đồng chí Lê Thị Hải Yến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cùng các đồng chí trong Đoàn nắm tình hình đời sống, việc làm của nữ công nhân lao động Công ty TNHH Five Star
Bên cạnh đó, Công đoàn các cấp luôn gần gũi, quan tâm nắm bắt hoàn cảnh gia đình, đời sống, tâm tư, nguyện vọng và kịp thời tổ chức các hoạt động chăm lo cho lợi ích thiết thân của nữ CNVCLĐ. Nổi bật là thông qua mô hình “Sức khỏe của bạn”, Các cấp công đoàn đã phối hợp tổ chức khám sức khỏe sinh sản cho gần 5.000 nữ CNLĐ, tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho lao động nữ. Cùng với việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ, công đoàn các cấp đã vận động nữ CNVCLĐ tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay có một số doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề quyền lợi, chế độ của một bộ phận lao động nữ và vấn đề liên quan đến việc sử dụng lao động nữ còn chưa được đảm bảo và giải quyết kịp thời như: chế độ thai sản, bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ ngơi; nơi sinh hoạt dành riêng cho lao động nữ; vấn đề về cơ sở nuôi dạy trẻ, đặc biệt là lao động nữ trong thời gian nuôi con nhỏ chưa thật sự nhận được sự quan tâm của người sử dụng lao động... nên dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp ngừng việc tập thể (tại Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh, Công ty may mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh). Cá biệt, trong một số lĩnh vực, doanh nghiệp áp dụng chính sách “ngầm” đối với lao động nữ, trái với quy định của pháp luật.
Để thực hiện chủ trương, chính sách đối với lao động nữ trong điều kiện hội nhập sâu, nhất là trong thời kỳ công nghiệp 4.0, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể, trong đó việc thực thi pháp luật lao động trong doanh nghiệp là hết sức quan trọng, tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, nhất là đảm bảo quyền lợi của lao động nữ. Do đó, để lao động nữ được hưởng các quyền lợi theo đúng quy định của pháp luật và phát huy được tiềm năng, lợi thế của họ thì cần quan tâm đẩy mạnh một số nội dung như: Tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, nắm bắt tình hình thực tiễn trên cơ sở Giới để có những đóng góp xác đáng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách riêng đối với lao động nữ phù hợp với thực tiễn. Tăng cường tính thực thi pháp luật của các cơ quan, chức năng nhất là thực thi pháp luật tại doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác phổ biến pháp luật có hiệu quả cho đối tượng là người sử dụng.
Liên đoàn Lao động tỉnh truyền thông pháp luật lưu động cho công nhân lao động tại công đoàn cơ sở Công ty may mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh
Với chức năng bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho người lao động, đặc biệt là nữ công nhân lao động, thời gian tới, công đoàn các cấp cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tổ chức các phong trào, hoạt động. Đa dạng hóa các hình thức hoạt động nữ công phù hợp với nhu cầu của lao động nữ, thu hút đông đảo nữ CNVCLĐ tham gia. Chú trọng công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho người lao động. Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ; tập trung vào chế độ tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi, khám sức khỏe định kỳ, chế độ thai sản, nuôi con nhỏ, hỗ trợ chi phí gửi trẻ... đặc biệt tổ chức đối thoại tại nơi làm việc nhằm nâng cao vai trò, vị trí của ban nữ công các cấp trong việc đại diện cho lao động nữ quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của lao động nữ. Phối hợp hỗ trợ người lao động rèn luyện nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng tay nghề và tích cực đàm phán với người sử dụng lao động về chính sách hỗ trợ lao động nữ để vừa đảm bảo yêu cầu công việc đặt ra, vừa làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ trong gia đình. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nữ CNVCLĐ, nhất là lao động nữ trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước./.
Hôm nay : 3542
Tháng này : 51617