“Khi quyết định lựa chọn học ngành sư phạm để trở thành nhà giáo, em xác định trên đôi vai của mình sẽ là trọng trách gấp đôi, gấp ba những người phụ nữ khác, đó là vừa phải thực hiện tròn trịa thiên chức làm con, làm vợ, làm mẹ vừa nổ lực vượt khó, hoàn thành xuất sắc vai trò người lái đò tận tụy, đưa những chuyến đò cập bến. Giờ đây được sống trong ngôi nhà mới kiên cố, ấm áp tình Công đoàn, bản thân em tự hứa sẽ nỗ lực thật nhiều hơn nữa để xứng đáng với tình cảm, sự kỳ vọng của đồng nghiệp, người thân”. Chị Nguyễn Thị Diệp, nữ đoàn viên Trường THPT Cẩm Bình - người vừa được Liên đoàn Lao động tỉnh trao hỗ trợ làm nhà “Mái ấm Công đoàn” chia sẻ với ánh mắt đầy tự hào, nhưng cũng không khỏi rưng rưng xúc động khi được hỏi về những trải nghiệm của cuộc đời sau 15 năm gắn bó nghề nhà giáo và quá trình xây dựng ngôi nhà mới mang tên “Mái ấm Công đoàn”.
Tận tụy gánh vác việc gia đình sau những giờ lên lớp
Sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả, chị Diệp đã sớm quen với việc nội trợ gia đình, có lẽ vì thế mà những vất vả, lo toan đã không thể “làm khó” được chị khi bước chân về làm dâu trong gia đình có hoàn cảnh nhiều khó khăn, bộn bề.
Sống chung cùng bố, mẹ chồng vốn đau yếu thường xuyên, cả hai vợ chồng đều dạy cách nhà hàng chục cây số, sau mỗi giờ lên lớp, chị Diệp lại tất tả về thuốc thang, chăm nom sức khỏe cho cha mẹ, lo toan việc nội trợ. Đêm xuống, chị đồng hành cùng các con đang tuổi ăn, tuổi học đánh vật với từng con chữ, sau đó mới chuyên tâm soạn từng bài giảng cho giờ lên lớp ngày mai…Điều đáng quý là chưa bao giờ than thân, trách phận, nề hà việc gia đình; chưa một lần “mặt nặng mày nhẹ” vì phải gồng mình gánh vác việc nhà, việc trường, việc lớp và cũng chưa một lần vì mệt mỏi, khổ cực mà đánh mắng con…ở chị, luôn toát lên vẻ điềm đạm, tinh thần lạc quan, vui sống với những gì mình đang có. Chính bởi thế, mỗi khi tiếp xúc với chị, niềm lạc quan trong chị lan tỏa đến những người xung quanh; đến thăm tổ ấm nhỏ của chị trong ngôi nhà “Mái ấm Công đoàn” để cảm nhận thấy gia đình là nơi sẻ chia, ấm áp tình thân, không phải là gánh nặng, muộn phiền…
Người giáo viên truyền năng lượng tích cực tới các thế hệ học trò
Chị luôn tâm niệm, mình là một giáo viên, nhưng cũng chính là một người học trò, việc học với chị không bao giờ là muộn, chính bởi thế mà mỗi khi lên lớp, chị trở thành người đồng hành cùng các em học sinh trong từng bài giảng. Lớp học những giờ được chị giảng dạy trở thành diễn đàn trao đổi, sẻ chia, rất gần gũi, dễ hiểu, dễ tìm nguồn cảm hứng và sự đồng cảm giữa người học, người dạy. Em Nguyễn Thị Kiều, học sinh lớp 11A6 chia sẻ: “Em rất háo hức, chờ mong đến giờ giảng bài của cô Diệp, cô không chỉ là người đã làm mới môn văn, biến những câu chữ khó thuộc, khó nhớ thành những điều gần gũi, thân thuộc trong cuộc sống mà cô còn là người truyền cảm hứng để chúng em yêu môn văn, yêu giá trị nhân văn mà môn học này mang lại”.
Hằng đêm sau khi lo xong công việc gia đình, cô lại miệt mài bên từng trang giáo án
Nhà cách trường hơn 15 cây số, có nhiều hôm phải thức khuya soạn giáo án, sáng hôm sau dậy sớm cơm nước cho cả gia đình, nhất là việc ăn uống của bố mẹ chồng già yếu và thực đơn bữa sáng cho các con nhỏ rồi mới thực hiện hành trình đến với các em học sinh…nhưng với cô, đó không phải là điều gì to tát, đáng ngại. Cô luôn tự tâm niệm: Được tự tay chăm lo cho gia đình, được nuôi dưỡng, nhìn các con khôn lớn, ngoan ngoãn, được giảng dạy, được học trò tin yêu là động lực, cũng là sự may mắn lớn nhất đối với người phụ nữ lựa chọn nghề nhà giáo như mình.
Gặt hái mùa quả ngọt
“Ở môi trường giáo dục, số các thầy, cô giỏi là rất nhiều, tôi đã luôn luôn học hỏi ở các đồng nghiệp để không ngừng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy. Bản thân tôi chưa làm được gì nhiều cả, những thành tích ban đầu mà tôi có được cũng là sự cộng hưởng chung của đồng nghiệp, của các em học sinh” - Cô khiêm tốn chia sẻ khi nói về những thành tích đạt được gần đây trong sự nghiệp trồng người của mình.
Cô Diệp (thứ 3 từ phải sang) được Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Tĩnh công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2020 - 2021
Liên tục nhiều năm cô luôn là cái tên được nhắc đến trong các cuộc thi lớn, nhỏ cấp trường trở lên. Có thể nói, trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất của cuộc sống gia đình, những gì mà cô đã gặt hái được quả là sự nỗ lực miệt mài: Năm 2016, giải nhất hội thi Nghiệp vụ giáo viên giỏi cấp trường; từ năm 2016-2019 vừa là giáo viên chủ nhiệm bộ môn ngữ văn, vừa là cán bộ Đoàn trường nhiệt huyết, năng động, sôi nổi được Huyện đoàn Cẩm Xuyên tặng Giấy khen, Năm 2020, cô trực tiếp hướng dẫn học sinh làm bài dự thi “Tìm hiểu về Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều” có 2 học sinh đạt giải cao: 1 giải nhì, 1 giải ba cấp tỉnh; Năm học 2020-2021, cô được Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Tĩnh công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, đồng thời các em học sinh được cô bồi dưỡng cũng đạt nhiều giải cao. Mới đây, trong Cuộc thi “Tìm hiểu 190 năm thành lập và 30 năm tái lập tỉnh Hà Tĩnh, các em học sinh trực tiếp được cô hướng dẫn viết bài dự thi đạt kết quả xuất sắc: 01 giải nhì, 2 giải ba, 1 giải khuyến khích toàn tỉnh. Nhiều năm liền cô được xếp loại đoàn viên công đoàn xuất sắc, được Công đoàn Giáo dục tỉnh tặng Giấy khen.
Động lực và niềm tin từ “Mái ấm Công đoàn”
Cuộc sống vượt khó cũng như bước sang trang mới khi vào đầu năm nay, với sự động viên của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt sự hỗ trợ của Tổ chức Công đoàn từ nguồn Quỹ Xã hội Công đoàn tỉnh, với số tiền 30 triệu đồng, vợ chồng cô mạnh dạn quyết định xây dựng căn nhà kiên cố, khang trang để cả gia đình yên tâm sinh sống, vợ chồng cô cũng yên tâm hơn trong công tác. Nhận món quà từ Tổ chức Công đoàn, cô Diệp chia sẻ “Ngôi nhà mới là niềm mơ ước của cả gia đình em, em xin trân trọng cảm ơn tổ ấm Công đoàn đã cho em một động lực, đòn bẩy để em vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh trao hỗ trợ làm nhà "Mái ấm Công đoàn" cho cô Diệp
Trước đó, gia đình 3 thế hệ nương tựa nhau trong ngôi nhà nhỏ xuống cấp, chật hẹp đã mấy chục năm nay, lo nhất là vào mỗi mùa mưa bão, những cơn gió to ập đến như muốn hất tung cả ngôi nhà thiếu kiên cố…. Từ nay trong ngôi nhà “Mái ấm Công đoàn” kiên cố, nụ cười của cô giáo như cảm thấy tròn đầy, viên mãn hơn.
Thầy Phạm Quốc Huy, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường cho biết: “Hoàn cảnh cô Diệp muôn vàn khó khăn: Bố mẹ chồng già yếu, các con còn nhỏ dại, 2 vợ chồng đều là giáo viên lương “ba cọc, ba đồng”, nhà đều cách xa trường hơn chục cây số, 3 thế hệ sống chật vật trong ngôi nhà xuống cấp trầm trọng, nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Xã hội Công đoàn tỉnh gia đình cô Diệp từ nay có một ngôi nhà “ấm về mùa đông, mát về mùa hè”, bản thân cô Diệp yên tâm công tác hơn”.
Nhìn hình ảnh cô giáo nhỏ luôn tươi cười mỗi giờ đứng lớp, hay miệt mài, tận tụy bên ánh đèn nhỏ trong ngôi nhà “Mái ấm Công đoàn”, ít ai có thể hình dung chị đã âm thầm đương đầu những vất vả, khổ cực trong cuộc sống, nếm trải mọi buồn vui trong cuộc đời bằng niềm lạc quan, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng, nhìn vào tấm gương cô giáo Diệp để tâm đắc về một câu nói “Hạnh phúc sẽ mỉm cười với những ai biết nỗ lực và cố gắng”.
Hôm nay : 2698
Tháng này : 54570