Suốt 26 năm qua, các thế hệ thầy cô Trường THCS&THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh (thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê) không chỉ là người cha, người mẹ thứ hai của học sinh mà còn là người bạn tâm tình giúp các em vượt qua khó khăn, từng bước tự tin mở cánh cửa tương lai.
Trường THCS&THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh đóng tại thị trấn Hương Khê - huyện Hương Khê.
13 năm gắn bó với nghề cầm phấn, trong đó 8 năm là giáo viên Trường THCS&THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh (sau đây gọi tắt là Trường dân tộc nội trú Hà Tĩnh), cô Trần Thị Lê Na (SN 1984) đã trở thành người mẹ, người chị với các thế hệ học trò dân tộc thiểu số.
Cô Lê Na (người đeo kính) không chỉ là cô giáo mà còn là người mẹ, người “chị lớn” với các thế hệ học trò dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Là giáo viên trẻ, liên tục 8 năm làm giáo viên chủ nhiệm, trải qua không ít những khó khăn, vất vả với nghề nhưng tình yêu thương học trò, tâm huyết nghề nghiệp đã giúp cô Na vượt qua tất cả. Đã “chở” bao khóa học trò, nhưng khi nhắc về lớp học nào và tên em học sinh nào, “cô lái đò” cũng nhớ rõ mồn một từng hoàn cảnh, tính cách và con đường các em đang đi.
Với các em có hoàn cảnh khó khăn, cô Na tìm về tận nhà để động viên học trò tiếp tục con chữ.
Cô Na bộc bạch: “Mỗi em đến đây đều có một hoàn cảnh rất đặc biệt. Nếu mình không thật sự thấu hiểu, chia sẻ và đồng cảm rất khó để các em mở lòng. Tôi không nhớ rõ mình đã bao nhiêu lần tìm về nhà học sinh ở cách xa trường gần cả trăm km để động viên các em tiếp tục theo con chữ. Tôi coi học sinh như chính người thân, người con của mình, chắc có lẽ vì thế các em cũng không phụ lòng tôi. Các lớp do tôi chủ nhiệm đều có kết quả thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh đại học đạt điểm cao".
Em Bùi Thùy Trang - cựu học sinh khóa 2014 - 2021 chia sẻ: “Tình cảm, sự yêu thương của thầy cô chính là động lực để học sinh chúng em vượt qua khó khăn, quyết tâm nỗ lực học tập, rèn luyện cả trong quá trình học tại trường và khi đã đi học, đi làm ở môi trường mới. Dù đã ra trường, nhưng khi trở về cô Na vẫn luôn là “bến đỗ” để chúng em tìm đến sẻ chia".
Đặc thù ngôi trường có 2 cấp học, vì vậy, thầy cô ở đây phải đảm nhận dạy học nhiều khối lớp.
Khác với các trường học khác, Trường dân tộc nội trú Hà Tĩnh có hai cấp học là THCS và THPT, bởi vậy, thầy cô giáo ở đây cũng trở nên đặc biệt hơn khi giáo viên đảm nhận dạy học bộ môn từ khối lớp 6 đến lớp 12.
Tròn 10 năm chuyển công tác về đây, đến nay, cô Trần Thị Mơ (SN 1985) đã dần quen với những áp lực khi là giáo viên bộ môn Địa lý duy nhất của trường. Là giáo viên địa lý duy nhất nên mỗi tuần cô Mơ sẽ đảm nhận đến 14 - 15 tiết cho 7 khối lớp với 7 cuốn giáo án riêng biệt và 7 phương pháp giảng dạy khác nhau để truyền niềm đam mê tìm hiểu kiến thức cho học sinh. Nhà cách trường 12 km, con còn nhỏ, chồng đi làm xa, cô Mơ vừa chăm lo cuộc sống gia đình vừa vất vả sớm hôm với những trang giáo án.
Một mình đảm nhiệm giảng dạy môn Địa lý ở 7 khối lớp, vì vậy, tranh thủ những giờ trống tiết cô Mơ lại soạn giáo án điện tử.
Cô Mơ chia sẻ: “Dạy học với thời lượng lớn, soạn giáo án nhiều, trong khi ở trường chỉ có một mình đảm nhiệm môn Địa lý nên rất khó khăn trong quá trình tự trau dồi, bổ sung kiến thức chuyên môn. Tôi phải chủ động liên hệ với các bạn đồng nghiệp trường ngoài và tự mày mò, tìm hiểu từ thực tiễn để soạn bài, làm đề thi”.
Ngoài dạy học, các thầy cô còn chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý nề nếp các em học sinh.
Là trường dân tộc nội trú, học sinh toàn trường học tập và sinh hoạt tập trung từ thứ 2 đến thứ 7, chỉ đến cuối tuần các em mới được bố mẹ đón về nhà, thậm chí với nhiều em khó khăn, nhà quá xa, mỗi năm, việc về nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, thầy cô chính là người cha, người mẹ bên cạnh động viên, sẻ chia và nhắc nhở các em học - chơi - ăn - ngủ.
Ca trực đêm cũng là lúc các thầy cô dành thêm thời gian hướng dẫn các em ôn tập.
Nhà trường hiện có gần 40 cán bộ, giáo viên, nhân viên, mỗi ngày, các thầy cô giáo chia thành 6 ca trực từ 6h30 sáng hôm nay đến 6h30 sáng hôm sau. Đây cũng là quãng thời gian thầy cô hướng dẫn các em ôn bài, sẵn sàng xử lý mọi tình huống phát sinh. Khi các em học sinh đã chìm vào giấc ngủ thì thầy cô vẫn thức canh, đảm bảo môi trường yên tĩnh, an toàn để các em học tập và nghỉ ngơi. Những ca trực trưa từ 11h đến 14h hay trực tối từ 21h đến 6h30 sáng đã trở nên quá quen thuộc với thầy cô nơi đây.
Thầy Đặng Quốc Hoàn trong một tiết thể dục.
Hơn 20 năm về trường, thầy Đặng Quốc Hoàn (SN 1969), giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất cũng có chừng đó thời gian miệt mài canh giấc ngủ cho các em; vượt từng quả đồi vận động phụ huynh cho con em đi học chữ.
Thầy Hoàn chia sẻ: “Ngoài dạy học, còn chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý nề nếp các em nên chúng tôi luôn nỗ lực tạo môi trường học, chơi vui khỏe để các em thoải mái và thích thú khi ở lại trường. Bản thân là giáo viên dạy thể chất, ngoài các giờ học, tôi còn tham mưu tổ chức các giải bóng đá, bóng chuyền, thành lập câu lạc bộ dân vũ... để các em vừa có không gian rèn luyện sức khỏe vừa hướng các em đến các hoạt động lành mạnh, bổ ích, tránh thụ động, chây ì”.
Nhà trường luôn nỗ lực tạo môi trường học chơi, vui khỏe để các em thoải mái và thích thú khi học tập và sinh hoạt.
Gạt đi những khó khăn, vất vả với nhiều yếu tố ngôi trường đặc thù, các thầy cô luôn nỗ lực đổi mới phương pháp, kích thích tính tự giác, sáng tạo học tập trong các em học sinh. Các thầy cô giáo cũng sáng tạo tổ chức hoạt động ngoại khóa, đưa trò chơi vào dạy học, tổ chức giáo dục steam.
Nhiều năm liền, các thầy cô giáo như: Mai Văn Hải, Đặng Bá Hải, Phan Thị Thúy Hằng, Nguyễn Thị Cẩm Tú, Phạm Thị Phương, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Hữu Trung... được vinh danh là giáo viên dạy giỏi và có nhiều đề tài, sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) được công nhận cấp ngành, cấp tỉnh.
Các hoạt động ngoại khóa, bổ ích khơi dậy tính tự giác, chủ động và kích thích sáng tạo trong học sinh được thầy cô tổ chức thường xuyên.
Riêng năm học 2021 - 2022, nhà trường có 5 SKKN cấp ngành, 1 SKKN cấp tỉnh; 1 giáo viên được công nhận giáo viên giỏi tỉnh giai đoạn 2021 - 2024. Trong năm học này, toàn trường có gần 3% học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, gần 31% em đạt danh hiệu học sinh tiến tiến; tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT đạt 97%; có nhiều học sinh đậu đại học, trong có có 3 em đạt trên 27 điểm; 2 em học sinh được kết nạp Đảng tại trường.
Tình cảm, sự tiến bộ của mỗi cô cậu học trò là món quà ý nghĩa nhất với thầy cô trường dân tộc nội trú Hà Tĩnh.
Thầy Đặng Thái Mân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Được thành lập từ năm 1996, trường là ngôi nhà chung của các em dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh (Chứt, Thái, Lào, Tày, Mán, Thổ, Mường, Khơ Me, Sán Dìu, Nùng, Nguồn - PV) và con em các gia đình định cư lâu dài vùng đặc biệt khó khăn.
Bởi là trường đặc thù nên hoạt động giáo dục cho học sinh cũng rất khác biệt. Hơn ai hết, chúng tôi luôn nỗ lực đổi mới sáng tạo trong dạy học và tình nguyện trở thành những người cha, người mẹ thứ hai chăm lo giáo dưỡng các em. Nhờ vậy, suốt nhiều năm qua, tình trạng bỏ học, nghỉ học không có lý do của học sinh đã được khắc phục, chất lượng giáo dục đại trà của trường từng bước được nâng lên. Nhà trường liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến, được công nhận trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2012 - 2017”.
Các hoạt động dự giờ lên lớp được nhà trường tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Mùa hiến chương đang đến gần, với thầy cô ở trường dân tộc nội trú Hà Tĩnh, niềm vui đến thật giản dị như cách bao năm qua thầy cô thầm lặng “lái đò”. Ấy không phải hoa hay quà mà chính tình cảm, sự tiến bộ của mỗi cô cậu học trò.
“Mai xa trường, điều chúng em nhớ nhất và cũng tiếc nuối nhất đó là không còn được học với các thầy cô!” - những chia sẻ mộc mạc của các em học sinh đã phần nào nói lên tình yêu thương trong ngôi nhà thứ hai ấm áp nghĩa tình.
Câu trả lời mộc mạc nhưng chứa đầy tình cảm của các em học sinh “Mai xa trường điều chúng em nhớ nhất và cũng tiếc nuối nhất đó là không còn được học với các thầy cô!” đã phần nào minh chứng tình yêu thương trong ngôi nhà thứ hai ấm áp nghĩa tình.
Hôm nay : 950
Tháng này : 57967