Để thay đổi quan niệm “việc của công đoàn chỉ là ma chay, hiếu hỷ”, nhiều cán bộ công đoàn các cấp ở Hà Tĩnh đã nỗ lực không ngừng để trở thành chỗ dựa tin cậy cho người lao động...
Trăn trở với nghề
Với thâm niên hơn 20 năm gắn bó với công tác công đoàn, Chủ tịch LĐLĐ huyện Vũ Quang Lê Văn Hùng gây ấn tượng với tôi không chỉ về thời gian công tác mà còn là những kiến thức, nghiệp vụ vững vàng, sự tâm huyết hiếm có với đoàn viên, người lao động.
Hoạt động ở địa bàn huyện miền núi xa xôi từ ngày thành lập huyện đến nay, ông Hùng là cán bộ công đoàn gắn bó lâu nhất với nơi này.
Ông Lê Văn Hùng (ngoài cùng bên phải) là người gắn bó lâu năm với công tác công đoàn tại huyện miền núi Vũ Quang.
Ông Hùng vẫn còn nhớ như in những ngày đầu gian khó: “Ngày đó, trụ sở của liên đoàn LĐLĐ huyện chưa có, anh em chúng tôi phải thuê nhà dân để ở và làm việc. Địa bàn chưa rải một kilomet đường nhựa nào, mỗi lần đi xuống cơ sở phải trèo đèo lội suối, “cõng” xe qua những cung đường dốc, hiểm trở”.
Bên cạnh khó khăn về địa lý, Vũ Quang còn là huyện nghèo, đời sống của đoàn viên, người lao động hết sức khó khăn. Trên địa bàn chỉ có một số doanh nghiệp nhỏ hoạt động, nguồn kinh phí công đoàn hạn hẹp khiến cho công tác chăm lo đời sống người lao động luôn là bài toán khó với cán bộ công đoàn.
Với nhiều đoàn viên, lao động Vũ Quang, cán bộ công đoàn trở nên thân tình như người nhà.
Vượt qua khó khăn, ông Hùng và đồng nghiệp vẫn sát sao cơ sở, nắm bắt đời sống đoàn viên. Không ít lần, trong những chuyến đi về cơ sở, cứu trợ đoàn viên, người dân bị lũ lụt, cán bộ công đoàn Vũ Quang rơi cả người và xe xuống suối.
Dẫu khó nhưng ông Hùng và đồng nghiệp vẫn gắn bó với nghề. Hàng chục năm qua, với nhiều đoàn viên, người lao động khó khăn ở Vũ Quang, ông Hùng đã trở nên thân tình như người nhà.
Mỗi suất quà đến với người lao động đều mang nghĩa tình, công sức của cán bộ công đoàn (Trong ảnh: Chủ tịch LĐLĐ huyện Hương Sơn Cù Bích Thuận - ngoài cùng bên phải trao quà tới nhân viên Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Phú Gia).
Xuất thân là giáo viên nhưng chị Cù Bích Thuận - Chủ tịch LĐLĐ huyện Hương Sơn khiến mọi người cảm mến bởi cái tâm với “nghề công đoàn”. Như một cơ duyên, bắt đầu công việc dạy học cũng là lúc chị đảm nhận vai trò chủ tịch công đoàn cơ sở trong trường học. Và từ đó đến nay, kinh qua nhiều vị trí công tác, đã tròn 30 năm, chị Thuận luôn gắn bó với đoàn viên, lao động.
Với 136 công đoàn cơ sở, hơn 3.800 đoàn viên, LĐLĐ huyện Hương Sơn là một trong những đơn vị có số lượng đoàn viên đông, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.
Với sự đồng hành của tổ chức công đoàn, đời sống vật chất, tinh thần của người lao động ngày càng được cải thiện.
“Kinh phí thì hạn hẹp trong khi nhiều đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, là cán bộ công đoàn, chúng tôi thật sự trăn trở khi phải cân nhắc, đong đếm từng suất quà, từng phần tiền hỗ trợ. Huy động thêm được suất quà nào cho đoàn viên dịp lễ tết là chúng tôi vui mừng chừng đó.
Nhiều lần đi công tác về với cơ sở ở miền ngược, chúng tôi ai nấy phờ phạc. Nhưng khi chứng kiến gia cảnh khó khăn, éo le của các đoàn viên mới thấy nỗi mệt nhọc, vất vả của cả đoàn chưa thấm vào đâu. Bởi vậy, chúng tôi càng phải trăn trở nhiều hơn”, chị Thuận chia sẻ.
Không chỉ có hiếu hỷ
Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng việc của công đoàn quanh đi quẩn lại với “ma chay, hiếu hỷ”, nhưng khi số lượng doanh nghiệp thành lập ngày càng nhiều, lượng người lao động tại đây tăng lên thì vai trò của công đoàn ngày càng trở nên quan trọng và cán bộ công đoàn đòi hỏi phải nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động.
Liên đoàn lao động tỉnh, Công đoàn Các KKT tỉnh kiểm tra công tác đảm bảo an toàn lao động tại doanh nghiệp nước ngoài đóng trên địa bàn KKT Vũng Áng.
Là một cán bộ công đoàn trẻ tuổi nhưng Chủ tịch Công đoàn Các KKT tỉnh Nguyễn Đức Thạch đảm nhận khá “tròn vai” khi quản lý 65 công đoàn cơ sở với gần 10.000 đoàn viên ở một địa bàn “nóng bỏng” nhất về vấn đề lao động của tỉnh.
Ngoài trình độ chuyên môn, niềm đam mê với nghề, thì việc tạo mối quan hệ với chủ doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng đối thoại với người lao động là nhiệm vụ mà anh Thạch và cán bộ công đoàn các cấp ở KKT luôn phải đặt lên hàng đầu.
Cán bộ Công đoàn Các KKT tỉnh tranh thủ thời gian nghỉ trưa để tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của công nhân, lao động.
“Xung đột lao động tại các KKT là khó tránh khỏi và không phải doanh nghiệp nào cũng tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động, thế nên để tiếp cận được chủ sử dụng và người lao động phải có kỹ năng, am hiểu pháp luật” – anh Thạch cho biết.
Hầu hết các doanh nghiệp ở KKT Vũng Áng đều là doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, thời gian của công nhân không có nhiều, cán bộ công đoàn KKT phải tranh thủ ngày nghỉ, buổi tối, giờ giữa ca để tiếp cận, giải quyết những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động cho đoàn viên.
Cán bộ công đoàn các cấp ở Hà Tĩnh đã và đang nỗ lực để khẳng định vai trò, vị thế của mình. (Trong ảnh: Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh động viên người lao động yên tâm làm việc sau thời kỳ giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 - tháng 5/2020).
Nhưng cũng chính nhờ sự lăn lộn đó, năm 2019 dù khó khăn, đơn vị vẫn thành lập được 17 công đoàn cơ sở, phát triển được gần 1.400 đoàn viên; tổ chức công đoàn khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong công nhân lao động và thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài.
Những cán bộ công đoàn mà tôi có dịp tiếp xúc, mỗi người một công việc, địa bàn đặc thù nhưng ở họ đều có chung một quyết tâm, nỗ lực để thay đổi cách nhìn của xã hội về vai trò cán bộ công đoàn, góp phần khẳng định vị thế của Công đoàn Hà Tĩnh trong hệ thống chính trị.
Hôm nay : 3458
Tháng này : 55332