Thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh về phong trào “Chống rác thải nhựa” trong CNVCLĐ, thời gian qua, các đơn vị đã có những cách làm mới, sát thực với điều kiện từng địa phương, đơn vị thông qua các mô hình cụ thể như “Xách giỏ đi chợ, phong cách của người nội trợ”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Du lịch không rác thải nhựa”, “Không túi nilong, bảo vệ môi trường”, “Nói không với túi nilông và sản phẩm nhựa dùng một lần”, “sử dụng bao bì thân thiện để bao gói thực phẩm”, “Thùng rác thân thiện”, “Phụ nữ chống rác thải nhựa”…
Các đoàn viên phân loại rác thải tập hợp vào ngôi nhà kết nối yêu thương
Có 343 mô hình phòng chống rác thải nhựa
Để thực hiện phong trào hiệu quả, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các đơn vị triển khai sâu rộng, coi đây là nhiệm vụ tuyên truyền, vận động của ban nữ công công đoàn các cấp. Cùng với đó là chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuyên truyền về phong trào “Chống rác thải nhựa” trên mạng xã hội như Facebook, Zalo..., kịp thời biểu dương các CĐCS có nhiều cách làm hiệu quả trong việc giảm thiểu sử dụng các vật dụng, đồ dùng bằng nhựa, đặc biệt là bao nilông, ống hút nhựa, đồ nhựa dùng một lần; tạo tính lan tỏa trong cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ.
Công đoàn trường tiểu học Kỳ Đồng ra mắt câu lạc bộ "Nói không với rác thải nhựa"
Các đoàn viên tích cực hưởng ứng tham gia câu lạc bộ "Nói không với rác thải nhựa"
Năm 2022, trong Tháng Công nhân, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã giao chỉ tiêu cho các đơn vị tổ chức xây dựng một đến hai mô hình điểm, tiêu biểu, thiết thực để nhân rộng trong các cấp Công đoàn toàn tỉnh. Các đơn vị đã triển khai nhiều mô hình thiết thực trong việc thu gom, tái chế rác thải nhựa, tạo được sức lan toả trong cộng đồng như LĐLĐ các huyện: Kỳ Anh, Hương Khê, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà và LĐLD thành phố, LĐLĐ thị xã Hồng Lĩnh. Các đơn vị này đã xây dựng các mô hình Câu lạc bộ “Nói không với rác thải nhựa”, “Xách giỏ đi chợ”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Thùng rác thân thiện”, ngôi nhà kết nối yêu thương”, Ngôi nhà xanh”...
Từ việc lan tỏa các mô hình đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trong việc đi đầu thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình, cơ quan đơn vị; giải quyết tại chỗ rác thải sinh hoạt hữu cơ và không gây ô nhiễm môi trường, có thể sử dụng rác đã phân hủy để làm phân bón trồng cây.
Song song với đó, tạo nguồn quỹ từ việc tái sử dụng, tái chế chất thải để tổ chức các hoạt động hỗ trợ con CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, chắp bước cho các em đến trường...Đến nay, đã có 343 mô hình chống rác thải nhựa hoạt động tại các đơn vị cơ sở.
Những việc làm cụ thể
Phong trào “Chống rác thải nhựa” trong CNVCLĐ được triển khai tích cực và hiệu quả. Tại các trường học, đặc biệt là khối Mầm non và Tiểu học trong toàn tỉnh, công đoàn đã phối hợp với chuyên môn lồng ghép, tuyên truyền việc nâng cao ý thức phòng chống rác thải nhựa vào các tiết học ngoại khóa, các giờ sinh hoạt 15 phút đầu giờ, sinh hoạt cuối tuần nhằm thay đổi thói quen và nhận thức của học sinh.
Các đoàn viên tích cực phân loại rác thải
Rác thải nhựa được các đoàn viên tái chế thành các kệ trồng hoa xinh xắn
Đơn cử như Công đoàn Trường Mầm non Hộ Độ (huyện Lộc Hà), Công đoàn Trường Tiểu học Kỳ Xuân, Trường Tiểu học Kỳ Đồng (huyện Kỳ Anh) và nhiều đơn vị khác đã vận động đoàn viên, phụ huynh, học sinh chung tay thu gom rác thải nhựa tại gia đình, cuối tuần mang đến, tập trung bỏ vào “Ngôi nhà kết nối yêu thương”, “Ngôi nhà xanh” tại nhà trường. Hằng tháng, các đoàn viên tranh thủ những buổi trống giờ để phân loại rác thải nhựa. Có những sản phẩm sau khi phân loại được tái chế thành dụng cụ trồng hoa, cây cảnh, tạo môi trường làm việc và học tập xanh, có những sản phẩm được dùng tái chế thành đồ dùng, đồ chơi phục vụ các tiết giảng dạy trong nhà trường.
Số rác thải còn lại được phân loại đem bán, tích quỹ hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó. Mỗi tháng trung bình thu được từ 2 đến 3 triệu đồng. Số tiền thu được tuy không lớn nhưng tích lũy lâu dần sẽ tạo thành những món quà có ý nghĩa thiết thực, tạo sức lan tỏa trong phụ huynh, học sinh và cộng đồng xã hội, đặc biệt hạn chế được số lượng rác thải nhựa đáng kể ra môi trường.
Đồng chí Nguyễn Việt Hùng – LĐLĐ huyện Kỳ Anh chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của Liên đoàn Lao động tỉnh, huyện đã phát động 100% CĐCS xây dựng các mô hình chống rác thải nhựa, ký cam kết thực hiện phong trào và xây dựng mô hình điểm tại Trường Tiểu học Kỳ Xuân. Đến nay, huyện đã xây dựng được 30 mô hình chống rác thải nhựa tại các CĐCS, các mô hình hoạt động thiết thực, đặc biệt là khối trường học. Qua các mô hình, đã tạo sức lan tỏa trong đoàn viên nhà trường, phụ huynh, học sinh và cộng đồng xã hội.
Còn đồng chí Trần Thị Bích Hà - Chủ tịch LĐLĐ huyện Lộc Hà cho biết, bằng những việc làm rất cụ thể như thu gom, phân loại, tái chế rác thải, tạo môi trường xanh, thông qua mô hình “Ngôi nhà xanh”, phong trào chống rác thải nhựa tại các CĐCS, đặc biệt là tại các đơn vị khối Mầm non và Tiểu học đã thực hiện rất hiệu quả, thu hút đông đảo học sinh, phụ huynh cùng tham gia. Đến nay, những việc làm cụ thể đó đã trở thành thói quen.
Để có được sự hưởng ứng và tích cực tham gia phong trào chống rác thải nhựa trong toàn tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, triển khai, đôn đốc công đoàn các cấp vận động đoàn viên, CNVCLĐ và người thân, gia đình cũng như cộng đồng xã hội không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng chống rác thải nhựa, thông qua các mô hình hoạt động cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực.
Đồng chí Lê Thị Hải Yến – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Công đoàn vận động cán bộ, đoàn viên tiên phong, có các hành động cụ thể trong thực hiện Cuộc vận động “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” tại địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Cuộc vận động này sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục”.
Với những cách làm cụ thể, thết thực và tinh thần trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường sống cho chính mình và toàn xã hội, các cấp công đoàn Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào, có các cách làm sáng tạo, tuyên truyền các mô hình chống rác thải nhựa một cách sâu rộng, tạo thành thói quen thu gom, phân loại rác thải trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ.
Hôm nay : 614
Tháng này : 52627