Khám sức khỏe định kỳ giúp người lao động phát hiện sớm các bất thường về sức khỏe, đồng thời giúp doanh nghiệp nắm bắt tình hình, sắp xếp nhân sự vào vị trí phù hợp. Ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh tổng hợp một số thông tin quan trọng liên quan đến việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ để đoàn viên, người lao động và doanh nghiệp được biết.
Đoàn viên Công đoàn Công ty CP Sản xuất Đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh tham gia khám sức khỏe định kỳ do doanh nghiệp tổ chức
Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Tại điểm b khoản 2 Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 cũng quy định người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định về việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động hằng năm như sau:
- Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất 01 lần cho người lao động;
- Đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
Căn cứ tại khoản 6 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định:
“6. Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có hoạt động dịch vụ”.
Như vậy chi phí khám sức khỏe và điều trị bệnh cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả được hạch toán vào chi phí này sẽ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có hoạt động dịch vụ.
Nếu không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 và khoản 3 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng giám định y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động”.
Như vậy, người sử dụng lao động không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động sẽ phụ thuộc vào số lượng nhân viên không được khám sức khỏe định kỳ với phạt từ tiền từ 01 - 03 triệu đồng/người lao động nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng; phạt tiền từ 05 – 07 triệu đồng/người lao động nhưng không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng giám định y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.
Đây là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi với mức từ 02 - 06 triệu/người lao động bị vi phạm nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng (Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Hôm nay : 1578
Tháng này : 31198