Thực hiện Quyết định số 217/QĐ-TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Hướng dẫn số 726/HD-TLĐ ngày 02/6/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc Công đoàn thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ chính trị, trong những năm qua, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức nhiều hoạt động giám sát, phản biện xã hội về thực hiện pháp luật lao động nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ), phát huy vai trò của tổ chức công đoàn góp phần tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
LĐLĐ tỉnh giám sát tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại BHXH tỉnh Hà Tĩnh
Kết quả công tác phối hợp giám sát, phản biện xã hội của các cấp Công đoàn Hà Tĩnh từ năm 2013-2022
Xác định hoạt động giám sát, phản biện xã hội là nội dung quan trọng, thường xuyên trong hoạt động của các cấp công đoàn, từ đó kịp thời phát hiện những nội dung chưa phù hợp trong các văn bản hoặc văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; đồng thời phản ánh tâm tư nguyện vọng, các ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, CNVCLĐ, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến đoàn viên, CNVCLĐ.
Để công tác giám sát, phản biện có hiệu quả, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định 217 sâu rộng trong các cấp công đoàn và giáo dục, hướng dẫn, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ về phát huy dân chủ cơ sở và vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội; gắn việc tổ chức thực hiện Quyết định 217 với triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về Quy chế dân chủ ở cơ sở. Các cấp công đoàn đã tổ chức 185 cuộc tập huấn có nội dung về giám sát, phản biện xã hội cho 16.765 lượt cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, có 1.363 cuộc tuyên truyền, phổ biến có lồng ghép nội dung về giám sát, phản biện xã hội cho 58.809 lượt đoàn viên, người lao động.
Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Golf Xuân Thành phối hợp tổ chức đối thoại với người lao động
Về giám sát, các cấp công đoàn đã chủ trì và phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát tại 2.568 lượt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nội dung giám sát trọng tâm về việc thực hiện và chấp hành pháp luật lao động, công đoàn, BHXH, các chế độ chính sách đối với người lao động ở các doanh nghiệp và việc chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện quy chế, quy định tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp như công tác tuyển dụng, bố trí, quy hoạch cán bộ, chế độ nâng lương, chuyển ngạch, khen thưởng, thực hiện cải cách hành chính, chính sách bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19,.... Hoạt động kiểm tra, giám sát của công đoàn cơ sở được tổ chức thông qua hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân (đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước) và thông qua đối thoại định kỳ tại nơi làm việc (đối với khu vực doanh nghiệp) bước đầu đã phát huy hiệu quả. Bình quân mỗi năm Ban Thanh tra Nhân dân đã tổ chức gần 300 cuộc giám sát, 320 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.
LĐLĐ tỉnh phối hợp Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn
Về phản biện xã hội, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức 15 cuộc hội thảo, hội nghị lấy ý kiến tham gia vào các dự thảo sửa đổi bổ sung như Bộ luật Dân sự, Luật BHXH năm 2014, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, Luật Hình sự năm 2017, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, Luật Đất đai, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và nhiều Nghị định của Chính phủ liên quan đến hoạt động của tổ chức công đoàn như: Nghị định số 60/2013 về quy định hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc đối với khu vực doanh nghiệp, Nghị định số 159/2016/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động Ban Thanh tra Nhân dân, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ quan, đơn vị hành chính - sự nghiệp công lập và nhiều Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan nhằm bổ sung, sửa đổi những điểm chưa phù hợp. Tham gia ý kiến vào những dự thảo văn bản của các sở, ngành về những vấn đề có liên quan đến chế độ, chính sách của người lao động trên địa bàn tỉnh. Tổng hợp ý kiến, kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, CNVCLĐ và các cấp công đoàn đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền tại Đại hội XVIII Công đoàn tỉnh Hà Tĩnh và các kỳ họp HĐND tỉnh… Các ý kiến tham gia của tổ chức công đoàn luôn sâu sát với thực tiễn, được các cấp, các ngành tiếp thu để bổ sung, sửa đổi trong các dự thảo.
Phát huy hiệu quả công tác phối hợp giám sát, phản biện xã hội của tổ chức Công đoàn Hà Tĩnh
Nhờ nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, các cấp công đoàn Hà Tĩnh đã kịp thời kiến nghị với các cấp, các ngành, doanh nghiệp điều chỉnh, bổ sung kịp thời các chính sách, chương trình, kế hoạch sát với thực tiễn đời sống xã hội, bảo đảm cho các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ. Hàng năm, qua các cuộc đối thoại với các doanh nghiệp do LĐLĐ tỉnh phối hợp với Sở LĐTB&XH và BHXH tỉnh tổ chức về chính sách lao động, công đoàn và BHXH đã trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật. Công đoàn cũng tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp để tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền và kiến nghị đến các cơ quan chức năng trong việc hoạch định và điều chỉnh, hoàn thiện các chủ trương, chính sách nhằm đảm bảo tính đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả việc thực thi pháp luật, phát triển, ổn định sản xuất kinh doanh và môi trường trên địa bàn tỉnh. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tổ chức triển khai và tập hợp hàng trăm ý kiến của cán bộ chủ chốt công đoàn các cấp tham gia vào các dự thảo về chương trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm; xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Từ đó đã tạo được sự đồng thuận của các cấp, các ngành, CNVCLĐ và mọi tầng lớp Nhân dân trong việc hoạch định và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
LĐLĐ tỉnh giám sát việc thực hiện bữa ăn ca tại Công ty TNHH UP Hà Tĩnh
Các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thông qua hoạt động giám sát để tổ chức khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm và chế độ, chính sách của người lao động tại gần 1.000 doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, kết hợp tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo chỉ đạo của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh.
Thông qua các cuộc kiểm tra, giám sát các cấp công đoàn đã đề nghị người sử dụng lao động phải có cam kết khắc phục những hạn chế, vi phạm trong việc thực hiện chế độ chính sách của người lao động và báo cáo kết quả khắc phục những hạn chế, vi phạm theo thông báo kết luận của Đoàn kiểm tra, giám sát. Đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm hoặc khắc phục không đầy đủ, công đoàn đều có văn bản kiến nghị đến các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ngành chức năng có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý theo quy định. Đối với những đơn vị có đơn thư khiếu nại của người lao động, công đoàn các cấp đều vào cuộc cùng với các ngành chức năng kịp thời giải quyết.
Có thể khẳng định, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các cấp công đoàn Hà Tĩnh trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc góp phần cho các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện ngày càng tốt hơn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Qua giám sát, phản biện xã hội, các cấp công đoàn đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, đời sống, việc làm của người lao động và thực tế hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp để từ đó có tiếng nói đề nghị điều chỉnh, bổ sung kịp thời các chính sách, chương trình, kế hoạch sát với thực tiễn đời sống xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp ngày một bền vững, phát triển.
Giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, TƯLĐTT tại Công ty TNHH TM&DVTH Tiến Minh
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của các cấp công đoàn Hà Tĩnh trong những năm qua vẫn còn một số hạn chế như công tác phối hợp giữa các đoàn thể chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan trong thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội và cung cấp thông tin chưa chặt chẽ, đồng bộ, còn có sự chồng chéo; việc theo dõi và giải quyết khắc phục những vấn đề được phản ánh, kiến nghị sau giám sát và phản biện chưa được quan tâm thấu đáo, còn có những nơi, những việc thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm; chế độ thông tin, báo cáo thiếu kịp thời, đầy đủ; kinh phí dành cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các cấp công đoàn còn khó khăn, chưa được sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương; hay tại các cuộc đối thoại ở các doanh nghiệp chưa tạo điều kiện dành thời gian để người lao động trực tiếp tham gia ý kiến với lãnh đạo doanh nghiệp và Ban Chấp hành Công đoàn về kế hoạch sản xuất - kinh doanh của đơn vị, về tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm thêm, các vấn đề về chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN… liên quan trực tiếp đến người lao động.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội thời gian tới các cấp công đoàn Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đoàn viên, CNVCLĐ các quy định của Đảng và Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội; phối hợp xây dựng chương trình cụ thể với các cơ quan truyền thông tạo sức mạnh công khai của giám sát, phản biện xã hội; chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc mà xã hội đang quan tâm có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ để xây dựng kế hoạch triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội. Quan tâm bố trí, lựa chọn những cán bộ có chuyên môn, năng lực để nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, có tư duy độc lập và năng lực tổng hợp, phản biện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm đối với công việc; thường xuyên bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc cung cấp thông tin, tạo điều kiện công đoàn các cấp thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội theo đúng quy định và đạt hiệu quả.
Hôm nay : 3192
Tháng này : 51290